Leo hơn trăm bậc đá trên con đường vừa nhỏ, vừa dốc trên quả đồi thuộc khu Dốc Thông, phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả, chúng tôi đến được nhà của bà Vũ Thị Liên. Theo lời giới thiệu của bà Trần Thị Thanh, Tổ trưởng tổ 1, khu Dốc Thông, bà Liên là hộ khó khăn nhất trong khu phố. Tận mắt chứng kiến gia cảnh nhà bà, chúng tôi không khỏi cám cảnh cho số phận của người phụ nữ này.
Bà Liên quê ở huyện Ba Chẽ. Sau khi có hơn 2 năm tham gia quân ngũ ở địa phương, bà đi học bổ túc rồi tiếp tục học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Uông Bí. Tuy nhiên, khi ra trường, bà lại không theo nghề sư phạm mà sớm lập gia đình với ông Nguyễn Xuân Huy (quê ở Đầm Hà). Hai vợ chồng sinh liền 3 người con vào các năm 1985, 1988, 1990. Cuộc sống khó khăn, năm 1989, hai vợ chồng bà chuyển ra khu Dốc Thông, phường Cẩm Tây sinh sống. Ở đây, hai vợ chồng đều đi mót than về bán. Bà Liên kể: "Cả hai vợ chồng tôi đều không có việc làm ổn định. Thu nhập duy nhất là dựa vào việc đi mót than của các đơn vị ngành Than có khai trường trên đồi gần nhà. Cuộc sống mưu sinh cứ thế trôi đi trong chật vật, khó khăn bởi việc mót than ngày được, ngày không và còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, sức khoẻ...". Chính vì khó khăn như thế nên gia đình bà chỉ xây được căn nhà cấp bốn chật chội, con cái không được học hành đến nơi đến chốn, sức khoẻ của vợ chồng bà cũng không được để ý, quan tâm.
Do bị tai biến nên bà Liên bị liệt, đi lại khó khăn, không còn khả năng lao động.
Năm 2006, chồng bà Liên bị cảm, dẫn đến tai biến và qua đời. Ba mẹ con bà càng khó khăn hơn khi mất đi trụ cột của gia đình. Đến năm 2009, bà cũng lại bị tai biến khiến nửa người bị liệt, đi lại khó khăn, không thể lao động được. Thời điểm này cũng là lúc ba người con của bà trưởng thành. Nguyễn Xuân Hoàn, Nguyễn Xuân Hưng, Nguyễn Thị Kim Xoan đều ở độ tuổi từ 19 đến 24. Cả ba đều không có nghề nghiệp, bằng cấp, đều đi nhặt than giống bố mẹ kiếm sống. Rồi cả ba đều sớm lập gia đình, sinh con. Bà Liên buồn bã kể: "Từ khi bị tai biến, tôi chỉ tập tễnh đi lại trong nhà. Mấy đứa con lớn lên, yêu đương rồi tự dẫn người yêu về công bố là vợ, là chồng. Tôi không đứng ra lo cưới hỏi được cho đứa nào hết. Rồi các con cũng không ở cùng tôi, đứa đi ở trọ ở Móng Cái, đứa trọ ở Hạ Long, đứa về Vân Đồn. Chúng nó đều làm thuê, làm mướn, thi thoảng lắm mới về thăm tôi...".
Hiện nay, cuộc sống của bà Liên rất khó khăn. Các con bà rất ít khi về thăm bà, có về cũng cho bà chẳng đáng là bao. Bà Trần Thị Thanh là hàng xóm, gần gũi với bà Liên kể: "Bà Liên ốm đau chẳng đi đâu được, con cái có về cho được gì thì cho. Bà ấy có theo được chúng đâu, cũng không ép được chúng phải cho, phải nuôi mình. Mà chúng cũng chẳng khá giả gì khi chỉ đi làm thuê, làm mướn mà vẫn phải thuê nhà, nuôi con cái. Quy luật cuộc đời là thế, một mẹ nuôi mười người con, chứ mười con chắc gì đã nuôi nổi mẹ?". Căn nhà của bà Liên trống hoác, chẳng có gì đáng giá. Một gian nhà bên cạnh đã sập đổ, gian còn lại cũng nứt toác, rung bần bật mỗi khi mưa bão đến. Bà Trần Thị Thanh nói với chúng tôi: "Hoàn cảnh của bà Liên quá khổ. Khu phố rất lo lắng cho bà, nhất là những khi có mưa bão như cơn bão số 14 vừa qua. Tuy nhiên, khu phố cũng đa phần là các hộ gia đình còn khó khăn nên không giúp gì được. Chúng tôi rất mong các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm trợ giúp để bà Liên có cuộc sống ổn định hơn".
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về một trong các địa chỉ:
- Bà Vũ Thị Liên, tổ 1, khu Dốc Thông, phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả.
- Hội Chữ thập đỏ tỉnh (733 Lê Thánh Tông, TP Hạ Long, tài khoản 371321007103, Kho bạc NN Quảng Ninh). Điện thoại: 0966070058.
- Quỹ Xã hội từ thiện Báo Quảng Ninh (71 Nguyễn Văn Cừ, TP Hạ Long, tài khoản 010704060014495 - Ngân hàng Quốc tế Chi nhánh Quảng Ninh). Số điện thoại: 0915771582.
Hoàng Quý (Theo chuthapdoquangninh.org.vn)