Để đảm bảo tăng trưởng bền vững và công bằng xã hội, Quảng Ninh đã kết hợp hài hòa giữa chính sách phát triển kinh tế và chính sách an sinh xã hội nhằm phòng ngừa, khắc phục rủi ro, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh, tổng chi cho an sinh xã hội giai đoạn 2016-2019 trên địa bàn tỉnh đạt 6.981 tỷ đồng, dự kiến giai đoạn 2016-2020 đạt 8.981 tỷ đồng, gấp 1,91 lần giai đoạn 2011-2015 (4.690 tỷ đồng). Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch năm 2015 đạt 93%, năm 2019 đạt 96%, phấn đấu năm 2020 đạt 98%. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2015 đạt trên 95%, năm 2019 đạt 98%, phấn đấu năm 2020 đạt 98,3%...
Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh phối hợp với huyện Bình Liêu và Tổ từ thiện Chính Tâm tặng nhà tình thương cho hộ gia đình người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tại xã Vô Ngại. Ảnh: Hoàng Gái (CTV)
Có được kết quả đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, các ngành, các cấp trong tỉnh đã huy động tối đa các nguồn lực thực hiện các chương trình như: Xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm; nước sạch và vệ sinh môi trường; xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Nhiều chương trình, dự án đã được triển khai, góp phần ổn định cuộc sống cho người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách, dân tộc thiểu số. Trong đó nổi bật là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TV ngày 29/5/2013 về công tác dân tộc và Đề án 196, ưu tiên nguồn lực ngân sách trong giai đoạn 2016-2020 khoảng 2.000 tỷ đồng và thực hiện tốt các chính sách dân tộc nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo so với khu vực thành thị.
Đặc biệt, vấn đề việc làm - nguồn sống chính, nhân tố chủ yếu của an sinh xã hội đã được Quảng Ninh giải quyết tốt, mang lại cuộc sống ổn định cho hàng trăm ngàn người. Giai đoạn 2016-2019, mỗi năm giải quyết tạo việc làm tăng thêm cho trên 21.000 lao động. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất với mức tăng trưởng hợp lý vừa để tạo thêm việc làm cho xã hội, vừa tăng thêm thu nhập cho nhân dân và ngân sách nhà nước. Đồng thời, tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi để nhân dân sản xuất kinh doanh phù hợp, làm giàu cho gia đình và xã hội. Hỗ trợ tạo việc làm thông qua chính sách tín dụng ưu đãi, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, trang trại... hỗ trợ lao động bị mất việc làm, hỗ trợ học nghề miễn phí cho lao động đặc thù, con em hộ nghèo.
Cùng với đó, công tác bảo trợ xã hội được Quảng Ninh quan tâm thực hiện. Từ nhiều năm nay, người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, người khuyết tật và các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội khác trên địa bàn tỉnh được hưởng chính sách trợ giúp thường xuyên. Người có công được hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống. Số người lao động được tham gia chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng tăng... Điều đặc biệt, nhiều chính sách trợ giúp các đối tượng xã hội được Quảng Ninh thực hiện trước cả nước; các trung tâm nuôi dưỡng đối tượng xã hội thường xuyên được đầu tư, nâng cấp...
Tỉnh cũng quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo về đích trước 2 năm so với chỉ đạo của Chính phủ và hoàn thành Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2. Tăng cường tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, ý thức vươn lên thoát nghèo, qua đó tại một số địa bàn khó khăn (huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà...) nhiều hộ dân đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 3,97% năm 2016; năm 2019 còn 0,56%; phấn đấu năm 2020 chỉ còn 0,4%.
Có thể thấy, bằng những chính sách đúng đắn, phù hợp và kịp thời, công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật, góp phần nâng cao mức sống của người dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh dự kiến sẽ cân đối sử dụng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách nhà nước hơn 1.750 tỷ đồng để thực hiện “Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi”.
Hoài Anh