Hằng tháng, cô giáo Nguyễn Thị Huyền, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Nguyễn Văn Thuộc (TP Hạ Long) đều đến thăm hỏi, động viên em Phạm Trâm Anh.
Năm 2010 có lẽ là khoảng thời gian u tối nhất của hai em Phạm Trâm Anh (SN 2003) và Phạm Tấn Dũng (SN 2005), trú ở phường Hà Lầm, TP Hạ Long, vì cả bố và mẹ các em đều mất trong một vụ tai nạn giao thông. Sau 9 năm, nhờ sự nuôi nấng của người bác (là chị gái của bố) cùng sự hỗ trợ về vật chất của Trường THCS Nguyễn Văn Thuộc (TP Hạ Long) các cơ quan, nhà hảo tâm, Trâm Anh và Tấn Dũng đã vượt lên nỗi đau, trở thành những học sinh chăm ngoan, có thành tích tốt trong học tập.
Cô giáo Lưu Thị Xuân Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Thuộc, cho biết: Mẹ của Trâm Anh và Tấn Dũng từng là giáo viên dạy giỏi của nhà trường. Bố mẹ mất khi các em còn quá nhỏ, ai cũng cảm thông, thương các em. Vì thế, trường đã vận động mỗi thầy, cô giáo đóng góp đều đặn 20.000 đồng/tháng để đỡ đầu cho hai em. Mỗi tháng, số tiền mà nhà trường quyên góp cũng được hơn 800.000 đồng. Gần 10 năm qua, tổng số tiền mà trường ủng hộ cho hai em cũng lên tới hơn 80 triệu đồng.
Bên cạnh nguồn ủng hộ của Trường THCS Nguyễn Văn Thuộc, Trâm Anh và Tấn Dũng còn được cơ quan của bố là Công ty CP Than Mông Dương hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng; học bổng của Vingroup là 1 triệu đồng/tháng.
Em Phạm Trâm Anh là một học sinh xuất sắc của lớp 10 Lý, Trường THPT Chuyên Hạ Long.
Phạm Trâm Anh (hiện là học sinh lớp 10 chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Hạ Long), chia sẻ: Nhờ có sự giúp đỡ của Trường THCS Nguyễn Văn Thuộc, Công ty CP Than Mông Dương và các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm, nên hai chị em đã được tiếp thêm nghị lực để cố gắng, phấn đấu trong học tập.
Trâm Anh, Tấn Dũng chỉ là hai trong số rất nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh nhận hỗ trợ từ phong trào Ba đỡ đầu. Theo ông Hoàng Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, riêng năm 2018, các cấp hội khuyến học trong tỉnh đã vận động các doanh nghiệp và nhà hảo tâm đỡ đầu cho 2.946 học sinh, trong đó có 1.797 học sinh nghèo vượt khó, 256 học sinh khuyết tật vươn lên, 793 học sinh giỏi có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Điển hình là các địa phương: Uông Bí đỡ đầu 678 học sinh; Hải Hà đỡ đầu 598 học sinh; Cẩm Phả đỡ đầu 459 học sinh...
Bên cạnh đó, năm vừa qua, Hội Khuyến học tỉnh còn phối hợp với Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn Vingroup) và hội khuyến học các huyện, thị xã, thành phố, đến thăm hỏi gia đình của 117 học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh, trong đó có nhiều gia đình học sinh ở những khe bản xa xôi, hẻo lánh. Qua chuyến đi, Hội Khuyến học tỉnh đã xác minh hoàn cảnh gia đình, học lực, hạnh kiểm từng học sinh để trao học bổng lâu dài. Chuyến khảo sát còn giúp các cấp hội thấu hiểu những khó khăn mà các gia đình học sinh nghèo đang phải trải qua, để từ đó vận động nhà hảo tâm đóng góp mức hỗ trợ phù hợp, giúp các em vượt lên khó khăn, duy trì việc học tập.
Để hoạt động của phong trào Ba đỡ đầu được thực hiện hiệu quả, Hội Khuyến học tỉnh đã chủ trương đa dạng hóa loại hình quỹ khuyến học, được nhiều đơn vị trong tỉnh thực hiện tích cực, đem lại kết quả khả quan. Theo báo cáo của hội khuyến học các huyện, thị xã, thành phố, tổng số quỹ trong toàn tỉnh đến cuối năm 2018 lên tới hơn 10 tỷ đồng. Quỹ khuyến học cao nhất là TX Đông Triều (trên 2,1 tỷ đồng). Các đơn vị đạt trên 1 tỷ đồng là: TP Cẩm Phả, TP Móng Cái, TX Quảng Yên... Một số doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị tham gia rất tích cực phong trào Ba đỡ đầu là: Tập đoàn Vingroup, Tỉnh Đoàn, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Quảng Ninh, Hiệp hội Doanh nghiệp Cẩm Phả...
Có thể thấy, với những hoạt động thiết thực, phong trào Ba đỡ đầu đã và đang lan tỏa rộng rãi trong toàn tỉnh, từ đó “tiếp lửa” cho học sinh nghèo, khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tỉnh cố gắng trong học tập. Phong trào cũng là cơ sở để Quảng Ninh tiếp tục xây dựng xã hội học tập hiệu quả, bền vững.