Những tháng đầu năm 2022, thị trường BĐS có nhiều biến động gây bất ngờ. Bên cạnh câu chuyện về giá tăng nhanh, thì những thông tin về lạm phát, tài chính… cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư. Nhưng, rõ ràng thị trường BĐS đang có những tín hiệu lạc quan, theo góc nhìn của người trong cuộc.
Dư nợ tín dụng BĐS đạt gần 744.000 tỉ đồng
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/3, dư nợ tín dụng đạt gần 744.000 tỉ đồng. Dư nợ tín dụng cho các dự án văn phòng cho thuê đạt hơn 45.500 tỉ đồng, (5,8% tổng dư nợ). Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt hơn 188.100 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 24% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt hơn 33.300 tỉ đồng, (4,3% tổng dư nợ).
Dư nợ tín dụng các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt hơn 33.500 tỉ đồng, (4,3% tổng dư nợ).
Dư nợ tín dụng các dự án nhà hàng, khách sạn đạt gần 58.000 tỉ đồng, (7,4% tổng dư nợ).
Dư nợ tín dụng cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt hơn 121.100 tỉ đồng (15,4% tổng dư nợ).
Dư nợ tín dụng cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 101.071 tỉ đồng, (12,9% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt hơn 203.300 tỉ đồng (25,9% tổng dư nợ).
Tính đến cuối tháng 3, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 4,03%. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Gần 2,7 tỉ UDS vốn FDI vào bất động sản
Theo Bộ Xây dựng, 3 tháng đầu năm 2022, có gần 2,7 tỉ vốn nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản trong nước. Đây là lĩnh vực thu hút được vốn FDI lớn thứ hai. Bộ Xây dựng nhận định, Việt Nam vẫn là điểm đến tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài và có vị thế tốt để thu hút vốn FDI vào bất động sản.
Dẫn thống kê từ Bộ KH-ĐT, Bộ Xây dựng cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2022 kinh doanh bất động sản là ngành có số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 47,2%). Số doanh nghiệp bất động sản trở lại hoạt động là 845, tăng 92,0% so với cùng kỳ năm 2021.
Các sàn giao dịch bất động sản sau dịch Covid-19 đã dần hoạt động trở lại với khoảng 800 sàn (quý 1/2021 là 400 sàn). Phương thức hoạt động cũng linh hoạt hơn, nhất là ứng dụng công nghệ vào quản lý, giao dịch, thanh toán, quảng cáo, bán hàng…
Bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất
Bộ Xây dựng cũng trích dẫn thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu cho biết, quý 1/2022 có 48 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị khoảng gần 31.000 tỉ đồng (chiếm 78,09% tổng giá trị phát hành) và 9 đợt phát hành ra công chúng giá trị gần 8.700 tỉ đồng (chiếm 21,91% tổng giá trị phát hành).
Nhóm doanh nghiệp bất động sản hiện dẫn đầu về giá trị phát hành với hơn 17.200 tỉ đồng, chiếm 43,36% tổng giá trị phát hành.
Theo Bộ này, doanh nghiệp bất động sản huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu với quy mô lớn, lãi suất cao sẽ tiềm ẩn rủi ro cho thị trường. Cụ thể, lượng phát hành trái phiếu lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, có trường hợp gấp 40 lần vốn chủ sở hữu; kỳ hạn phát hành ngắn (từ 3 - 5 năm) đặc biệt là đối với doanh nghiệp bất động sản huy động để triển khai dự án (thời gian triển khai dự án thường dài hơn, trên 5 năm); tải sản đảm bảo là các bất động sản, dự án trong khi công tác định giá tài sản đảm bảo có thể không sát với giá thực tế (định giá cao hơn giá trị thực).
Bảo An