Theo bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Eximrs, có thể nói, tâm lý mê đất của người Việt chính là nguyên nhân của mọi cơn nóng sốt bất thường vừa qua. Bà Tú cũng đã chỉ ra nguyên nhân khiến người Việt sẵn sàng gom đất, bất chấp giá ảo hay ôm đất khi thị trường đã đóng băng.
Ảnh hưởng của nền kinh tế nông nghiệp
Trong nền kinh tế nông nghiệp, đất đai là tài sản quan trọng của người Việt để trồng trọt, canh tác, nuôi sống gia đình. Có thể nói, do xuất phát điểm của nền kinh tế thuần nông nên đời sống kinh tế của phần lớn người Việt đều gắn liền với đất đai. Họ mê đất vì đất chính là công cụ chính để họ mưu sinh.
Ẩn ức giai cấp
Trong lịch sử, giai cấp địa chủ giàu có nhờ có nhiều đất đai và có tiếng nói trong xã hội. Phần lớn người Việt lệ thuộc vào giai cấp địa chủ vì cần có đất đai để canh tác. Vì vậy, từ xưa, người Việt muốn có nhiều đất đai để thay đổi địa vị xã hội, làm chủ cuộc đời.
Vì muốn đổi đời, người Việt gom mua đất bằng mọi giá dù phải cõng thêm nợ nần. Ảnh: K.A
Quan niệm "tấc đất tấc vàng"
Người Việt Nam quan niệm "tấc đất tấc vàng", càng sở hữu nhiều đất thì càng chứng minh được sự giàu có. Tư tưởng này đã ăn sâu vào nhiều thế hệ người Việt. Thậm chí, có người tậu ruộng đất cò bay thẳng cánh, xây nhà cao cửa rộng không phải vì có nhu cầu sử dụng mà chỉ để chứng minh sự giàu có của mình.
Ngộ nhận đất là hàng hóa thiết yếu
Cả đời cố gắng làm việc, người Việt chỉ muốn hoàn thành nhiệm vụ lớn nhất là mua đất cất nhà. Họ quan niệm đây là hàng hóa quan trọng nhất mà mỗi người phải có trong đời. Người Việt xem mảnh đất và ngôi nhà là hàng hóa thiết yếu, không thua kém cơm ăn, áo mặc.
Sự ngộ nhận này kéo dài qua nhiều thế hệ và vẫn chưa thể thay đổi. Nhiều thế hệ vẫn cho rằng việc ở nhà thuê hay không có nhà đất để ở là xem như cuộc đời thất bại.
Hàng hóa thiết yếu là những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu sinh tồn (như đồ ăn, đồ uống, dầu gội, thuốc chữa bệnh...) mà tất cả mọi người đều cần, bắt buộc phải mua để phục vụ cuộc sống.
Với giá trị lớn, nhà cửa, đất đai nằm trong nhóm sản phẩm không thiết yếu, có thể coi là xa xỉ phẩm. Việc sinh tồn sẽ không bị ảnh hưởng nếu không có đất hay phải đi thuê nhà. Khác với văn hóa phương Đông, phương Tây không coi bất động sản là hàng hóa thiết yếu.
Hy vọng được đổi đời
Giá đất có thể tăng chóng mặt nhờ việc xây cầu, mở đường, quy hoạch nông thôn mới, phóng hẻm, chỉnh trang đô thị… Khi đó, chỉ trong chớp nhoáng, người ôm đất có thể trở thành tỷ phú. Thực tế này đã diễn ra tại Việt Nam và đây cũng là nguyên nhân khiến người Việt có niềm say mê với tài sản đất đai.
Tâm lý bầy đàn, học theo giới siêu giàu
Giới siêu giàu phần lớn đều nhờ có nhiều đất đai, kinh doanh bất động sản hoặc làm nghề liên quan đến đất đai. Người Việt mê đất cũng vì muốn đi theo con đường làm giàu của các tỷ phú bất động sản. Hơn nữa, mọi ngành nghề đều liên quan đến đất đai: ngành nông nghiệp, dịch vụ cần đất để phục vụ kinh doanh; ngành sản xuất cần mặt bằng làm nhà xưởng,... Mọi nhu cầu đều quy về đất khiến việc mua đất hình thành theo tâm lý đám đông. Vì vậy, không dễ để điều chỉnh tâm lý, hành vi này của người Việt.
Tìm kênh trú ẩn an toàn
Người Việt tin rằng đầu tư vào đất sẽ an toàn hơn những kênh đầu tư khác bởi đất không bị mất giá mà còn tăng theo thời gian. Gửi tiền vào đất sẽ tránh được lạm phát, tránh bị đánh rơi, trộm cướp. Nếu muốn giữ bí mật, tạo cảm giác an tâm, tránh để người khác chú ý, người mua đất có thể âm thầm giao dịch. Hơn nữa, xã hội hiện nay có xu hướng chuyển hiện kim về tài sản có giá trị để tránh rủi ro, dễ quản lý và gia tăng giá trị. Theo xu hướng này, đất đai trở thành lựa chọn hàng đầu của người Việt.