Với nhiều dấu hiệu khởi sắc của thị trường bất động sản (BĐS) từ quý cuối năm 2021, ông Peter Dinning, Chủ tịch Colliers, cho rằng nếu dịch COVID-19 được khống chế tốt, 2022 sẽ là một năm đầy sôi động của thị trường BĐS.
"Các động lực quan trọng nhất bao gồm nỗ lực của Chính phủ nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu và tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, tốc độ phủ vắc xin (mũi thứ 3 hoặc thậm chí là mũi thứ 4) và việc đường bay quốc tế được mở lại.
Về dài hạn, sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và một số điều kiện thuận lợi khách quan về vị trí địa lý hay dân số trẻ sẽ giúp nhiều phân khúc BĐS có sức cầu đáng kể, là điều kiện để thị trường BDS tiếp tục năng động và phát triển", ông Peter Dinning phân tích.
Còn theo ông David Jackson, Tổng Giám Đốc Colliers, xét theo kịch bản lạc quan nhất khi các hoạt động kinh tế được khôi phục hoàn, các phân khúc cũng sẽ hổi phục với tốc độ không giống nhau.
Trong đó, BĐS công nghiệp, nhà ở và văn phòng sẽ có nhiều ưu thế để lấy lại và tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ ngay trong năm 2022.
"Trong khi đó, BĐS nghỉ dưỡng cần thêm thời gian và có quan hệ chặt chẽ với đà hồi phục của ngành du lịch. Có khi cần đến 2 hoặc 3 năm để đạt mức tăng trưởng như giai đoạn trước đại dịch", ông David Jackson nhận định.
Ở quý cuối năm 2021, giá thuê trung bình phân khúc BĐS công nghiệp tại TP HCM không thay đổi quá nhiều so với quý liền trước, vào khoảng 189 USD/m2/kỳ hạn thuê và tỷ lệ lấp đầy khoảng 85%.
Còn thị trường Hà Nội ghi nhận mức giá thuê trung bình cao nhất phía Bắc với 143 USD/m2/kỳ hạn thuê. Tại Đà Nẵng, giá thuê trung bình thấp hơn, ở mức 85 USD/m2/kỳ hạn thuê và tỷ lệ lấp đầy 90%. Cả 3 thành phố đều không có nguồn cung mới trong quý.
Ông Chí Vũ, Trưởng Bộ phận Môi giới Dịch vụ Khu Công nghiệp Colliers, cũng cho rằng trong năm 2022, nhiều khả năng BĐS công nghiệp sẽ tiếp tục tỏa sáng, được thúc đẩy bởi các yếu tố như sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc cũng như một loạt Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) được ký kết làm gia tăng nhu cầu về đất công nghiệp trên cả nước.
Bên cạnh đó, các dịch vụ nhà xưởng, kho bãi, với đà tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, mảng dịch vụ logistics cũng hứa hẹn tiềm năng lớn.
Đối với thị trường nhà ở, trong quý IV/2021 ghi nhận số lượng giao dịch tăng mạnh tại thị trường TP HCM. Giá bán trung bình tăng 10-15% so với quý IV năm 2020.
Nguồn cung đa phần đến từ các dự án ở phía Đông và Nam và hầu hết là phần hoàn thiện còn lại của các dự án cũ. Đáng chú ý, phân khúc căn hộ hạng sang chiếm đến 60% nguồn cung.
Nội cũng có số lượng giao dịch tăng mạnh, giá bán trung bình tăng 5-10% so với cùng kỳ năm ngoái, nhất là với những dự án tại phía Tây và Đông.
Nguồn cung mới đến từ 11 dự án với hơn 8.000 căn hộ, phần lớn tập trung tại Gia Lâm, Từ Liêm và Hoàng Mai.
Còn tại Đà Nẵng, phần lớn khách mua đến từ Hà Nội và TP HCM, tỷ lệ hấp thụ tăng mạnh và giá bán trung bình tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung mới tại thành phố miền Trung phần lớn tập trung tại Sơn Trà, Hải Châu và hầu hết là các dự án cao cấp.
Về phân khúc văn phòng, thị trường TP HCM ghi nhận khoảng 90% giao dịch được khách hàng thuê là các văn phòng với diện tích nhỏ hơn 300 m2, cũng là chỉ dấu cho thấy nhu cầu lớn của thị trường đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).
Trong quý IV/2021, có 20.000 m2 văn phòng mới được cung cấp cho thị trường, toàn bộ thuộc phân khúc hạng B.
Tại Hà Nội, sức cầu và tỷ lệ lấp đầy đều giảm nhẹ so với quý trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong khi đó, thị trường Đà Nẵng không có quá nhiều biến động, tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt 75% và tính chung cả năm chỉ ghi nhận duy nhất một dự án mới.
Nguyên Ngọc