Thị trường bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ bung thêm hàng ngàn héc-ta trong 1 - 2 năm tới, nhằm chớp cơ hội từ làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi một số thị trường lớn.
Từ đầu năm đến nay, cầu bất động sản công nghiệp tiếp tục vượt cung.
Cơ hội để “tất tay”
Trước nhu cầu vận chuyển hàng lỏng dự báo tăng vọt trong thời gian tới, Rent-A-Port NV (Vương quốc Bỉ) đang tăng tốc thực hiện Dự án Đầu tư cải tạo cầu cảng hàng lỏng Đình Vũ - Bến cảng Euro Đình Vũ tại Khu công nghiệp Đình Vũ để sớm hoàn thiện trong quý IV/2021 và đưa vào vận hành trong quý I/2022. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 11,5 triệu USD, sẽ nhân đôi công suất tiếp nhận hàng lỏng từ khoảng 1,8 - 1,9 triệu tấn/năm lên tối đa 3,6 triệu tấn/năm.
Trong động thái mạnh tay hơn, Rent-A-Port NV cũng đang dốc sức cho Dự án Khu công nghiệp DEEP C Quảng Ninh tại thị xã Quảng Yên, để có thể ký hợp đồng cho thuê hạ tầng đầu tiên vào cuối năm nay.
DEEP C Quảng Ninh gồm 2 khu công nghiệp: DEEP C Quảng Ninh I và DEEP C Quảng Ninh II với tổng diện tích 1.680 ha, chưa kể 180.000 m2 nhà xưởng.
Theo tiến độ mới cập nhật, diện tích đất mặt nước của Khu công nghiệp DEEP C Quảng Ninh đã được giải phóng mặt bằng và khu công nghiệp này đã có hạ tầng tiện ích, mặt bằng đất công nghiệp san lấp sẵn.
“Tôi tin vào viễn cảnh nhà đầu tư sẽ xếp hàng tìm đến văn phòng của DEEP C để tìm hiểu cơ hội đầu tư hậu Covid-19”, ông Koen Soenens nói.
Lý giải điều này, ông Soenens cho rằng, Việt Nam là thị trường đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi cân nhắc dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro “bỏ trứng một giỏ”.
Ngoài DEEP C, đã xuất hiện những tín hiệu tốt từ thị trường trong nước khi nhiều địa phương và doanh nghiệp rục rịch làm dự án. Chẳng hạn, Đồng Nai đang có kế hoạch bổ sung 8 khu công nghiệp mới. Chủ tịch UBND huyện Long Thành (Đồng Nai), ông Võ Tấn Đức, đã công bố kế hoạch xây dựng 4 khu công nghiệp mới nhằm đáp ứng nguồn cầu đang tăng mạnh.
Trong khi đó, các nhà phát triển bất động sản công nghiệp như Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BWID (liên doanh giữa Quỹ đầu tư Warburg Pincus và Tập đoàn Becamex IDC) cũng đang trong quá trình mở rộng hoạt động, tăng nguồn cung ban đầu từ 130 ha trong năm 2018 lên gần 500 ha trong năm nay.
Tăng cung là việc cấp thiết
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông John Campbell, Trưởng bộ phận bất động sản công nghiệp của Savills Vietnam cho biết, từ đầu năm đến nay, cầu bất động sản công nghiệp tiếp tục vượt cung. Hầu hết các giao dịch cho thuê tại các khu công nghiệp đều bắt nguồn từ các dự án và các cuộc thương thảo diễn ra từ năm trước, với nhiều hợp đồng thuê được thực hiện bởi các công ty đã có mặt tại Việt Nam và đang tìm cách mở rộng sản xuất.
“Thời Covid-19, các chính sách hạn chế đi lại giữa các nước đã ảnh hưởng đến nhu cầu gia nhập thị trường, trì hoãn các đợt kiểm tra và giám sát mặt bằng của các nhà đầu tư quốc tế lớn, khiến số lượng hợp đồng thuê được ký kết với các nhà phát triển trong nước giảm mạnh”, ông Campbell cho biết.
Dù không gì đảm bảo về sự thuận lợi trong năm tới, nhưng có thể chắc chắn rằng, ngành công nghiệp Việt Nam đang chịu tác động lớn bởi sự dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và nhiều đơn vị phát triển bất động sản công nghiệp đang chuẩn bị nguồn lực để đáp ứng những cơ hội sắp tới ngay khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.
Ông John Campbell khuyến cáo, nhu cầu thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp Việt Nam sẽ tăng cao do sẽ có nhiều nhà sản xuất rời khỏi Trung Quốc trong năm 2021 và 2022 và các nhà phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam cần phát triển thêm các dự án để có thể nắm bắt cơ hội và đáp ứng được các khoản đầu tư sản xuất công nghiệp có giá trị cao.
“Cần chú ý đến các thông báo và hoạt động của Apple, Pegatron và Foxconn trong việc di dời và mở rộng sản xuất tại Việt Nam”, chuyên gia Savills nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam lưu ý, bất động sản công nghiệp Việt Nam có thể hưởng lợi từ dịch chuyển sản xuất của nhà đầu tư Nhật Bản. Với gói hỗ trợ trị giá 2,2 tỷ USD của Chính phủ Nhật Bản cho việc dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, có 15 công ty Nhật Bản, như Meiko Electronics, Nikkiso, Fujikin và Yamauchi… đã đăng ký chuyển địa điểm sản xuất tới Việt Nam.
Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), 6 trong số 15 doanh nghiệp trên có quy mô lớn và 9 công ty còn lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp này chủ yếu sản xuất thiết bị y tế và phần còn lại sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện thoại, điều hòa không khí và các mô-đun điện.
Theo ông Troy Griffiths, việc Việt Nam ứng phó nhanh với Covid-19, sự ổn định của môi trường kinh doanh, lực lượng lao động, cùng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết là những yếu tố vô cùng quan trọng mang lại cơ hội lớn cho bất động sản công nghiệp hậu Covid-19.