Bất động sản Quảng Ninh, những địa chỉ bỏ vốn mới
Tâm đã không còn là… trung tâm
Theo báo cáo chuyên đề số 844/BC-SXD của Sở Xây dựng Quảng Ninh ngày 19/3/2019 về công tác quản lý nhà và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh, từ năm 2010 đến nay, Quảng Ninh có 180 dự án phát triển nhà ở đang được triển khai. Trong đó, theo đánh giá của Sở Xây dựng thì các dự án này vẫn tập trung chủ yếu ở TP. Hạ Long gắn với dịch vụ và du lịch.
Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, TP. Hạ Long đón nhận làn sóng đầu tư vào bất động sản lớn nhất. Điều này đã khiến cho quỹ đất phát triển các dự án bất động sản lớn trong khu vực Thành phố gần như không còn (bao gồm cả đất đồi).
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh cho biết: “Các nhà đầu tư mới đến với Hạ Long sẽ còn rất ít quỹ đất trống để có thể triển khai các dự án lớn”.
Cụ thể hơn, khu vực phường Bãi Cháy sẽ chỉ còn quỹ đất của các khách sạn cũ như khách sạn Hạ Long, Vườn Đào, Suối Mơ, Hồng Gai… Tuy nhiên, các khách sạn này đều đang có kế hoạch xây dựng lại hoặc sửa chữa để nâng sao, nên cách duy nhất là mua lại quyền sử dụng đất từ các chủ cũ. Quỹ đất khu vực phường Hùng Thắng thì đa phần là thuộc Tập đoàn BIM. Hiện tập đoàn này cũng đang triển khai nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng từ khách sạn cho đến khu nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn….
Đối với khu vực Hồng Gai thì còn có quỹ đất mới ở một số phân khu nhỏ. Cụ thể, sau khi Sàn tuyển than Cầu trắng ở cột 8 di chuyển, sẽ hình thành quỹ đất mới để phát triển dự án bất động sản với quy mô khoảng 40 - 50 ha. “Tuy nhiên, khu đất này đang được Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm nhắm đến”, ông Tuấn cho biết.
Khu chưng cư cũ cột 8 - gần trụ sở Công an tỉnh Quảng Ninh đã giải tỏa được mặt bằng cũng đang lựa chọn nhà đầu tư. Tương tự, khu chung cư cũ Lán Bè - đối diện khu đài tưởng niệm cũng đang tìm kiếm nhà đầu tư lập quy hoạch và triển khai dự án. Còn khu chung cũ lô 6, 7, 8 còn lại trên trục đường Trần Hưng Đạo (sát về phía chợ Hạ Long II) cũng đang trong quá trình triển khai. Hiện tại, trên khu đất này đang triển khai dự án IGG Hạ Long do Công ty cổ phần Đầu tư IGG là chủ đầu tư. Tuy nhiên, có một điểm chung là tất cả những lô đất này khá nhỏ, không đủ để triển khai những dự án quy mô lớn.
Vậy nên, các nhà đầu tư lớn như Amata, Vingroup, Sungroup, CEO…, đã phải chuyển hướng đầu tư ra các khu vực khác nhiều tiềm năng hơn như Quảng Yên, Vân Đồn… Cái tên Vân Đồn đã trở nên quá sốt trong năm 2017 và nửa đầu năm 2018 khi thông tin sắp lên Đặc khu kinh tế - hành chính đặc biệt tràn ngập thị trường. Hầu hết các nhà đầu tư lớn lần lượt chọn Vân Đồn làm điểm đầu tư cho các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Trong số nhiều nhà đầu tư chọn Vân Đồn làm điểm đến thì hiện mới chỉ có Dự án Sonasea Vân Đồn của Tập đoàn CEO là sắp ra hàng. Theo đại diện tập đoàn này, dự kiến cuối năm 2019 sẽ bắt đầu mở bán 200 căn shophouse, đồng thời triển khai xây dựng resort với quy mô 1.000 phòng để đưa vào hoạt động trong năm 2020.
Dòng vốn dịch chuyển
Một tâm điểm mới của thị trường bất động sản Quảng Ninh là thị xã Quảng Yên. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh tại thị xã Quảng Yên của Tập đoàn Vingroup.
Dự án này có quy mô sử dụng đất khoảng 3.186 ha với tổng mức đầu tư khoảng 165.104 tỷ đồng để xây dựng tổ hợp công trình nhà ở kết hợp dịch vụ công cộng gồm: Nhà ở thương mại; nhà ở xã hội, công trình giáo dục; công trình dịch vụ đô thị; công viên cây xanh…
Theo quy hoạch, khu đô thị này sẽ được phân chia thành 3 khu vực phát triển chính nằm tại địa bàn TP. Hạ Long và thị xã Quảng Yên, bao gồm: Khu vực Đại Yên, TP. Hạ Long, Hoàng Tân, Hà An, thị xã Quảng Yên.
Tập đoàn Amata cũng đã khởi công Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Sông Khoai, tổng vốn đầu tư 150 triệu USD với quy mô 700 ha. Đây chỉ là giai đoạn I của toàn dự án mà Amata sẽ triển khai tại Quảng Yên. Bên cạnh đó, Dự án khu công nghiệp Bắc Tiền Phong và Khu công nghiệp Nam Tiền Phong do nhà đầu tư Rent A Port đến từ Bỉ cùng các đối tác triển khai cũng đang tích cực làm hạ tầng.
Những dự án lớn này đã khiến giá bất động sản tại thị xã Quảng Yên tăng lên rất nhanh. Trung Dũng - một nhà đầu tư cá nhân tại Hạ Long cho hay, vợ chồng anh đầu tư một mảnh đất tại Quảng Yên vào đầu năm 2018, khi đó chỉ có giá 3 triệu đồng/m2, nhưng chỉ 3 tháng sau, anh chị chuyển nhượng lại và đã lãi gần 1 tỷ đồng khi giá tăng từ 3 - 5 triệu đồng/m2.
“Hiện đất nền thổ cư xung quanh các dự án này đang được giao dịch với mức giá từ 5 - 10 triệu đồng/m2”, anh Phạm Trung Đức, nhân viên môi giới của Công ty cổ phần Dịch vụ và địa ốc Đất Xanh Duyên Hải cho hay.
Còn khu vực TP. Cẩm Phả cũng đang rất “sốt”. Hiện dự án Trung tâm thương mại Vincom Cẩm Phả và Vincom Shophouse Cẩm Phả tại phường Cẩm Bình, TP. Cẩm Phả của Vingroup đang được gấp rút xây dựng. Một số nhà đầu tư khác cũng tranh thủ hưởng sóng từ dự án Vincom để triển khai dự án. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đầu tư Thịnh Phát đang triển khai Dự án Golden Mark Shophouse Cẩm Phả ngay phía sau Dự án Vincom Shophouse Cẩm Phả, hướng về phía sát đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả sắp được khởi công xây dựng. Ngoài ra, dự án khu nghỉ dưỡng suối nước khoáng nóng Quang Hanh đang được Sun Group triển khai cũng góp phần tạo nên sức nóng cho thị trường bất động sản khu vực này.
Hiện đất nền khu vực phường Cẩm Bình, nơi các dự án bất động sản lớn đang được triển khai tại Cẩm Phả đang có mức giao dịch từ 30 - 40 triệu đồng/m2. Theo đánh giá của giới môi giới khu vực này, thì đây là mức giá tốt để đầu tư. Bởi nếu so sánh với giá giao dịch đất thổ cư cạnh mặt đường Trần Phú - trục đường trung tâm cũ của TP. Cẩm Phả, thì giá giao dịch đang ở mức trên dưới 100 triệu đồng/m2. Trong khi đó, nếu tuyến đường bao biển được triển khai, cùng với dự án của Tập đoàn Vingroup, phường Cẩm Bình, nơi có Trung tâm hành chính công tập trung của Cẩm Phả sẽ trở thành trung tâm mới của TP. Cẩm Phả.
Cùng với đó, khu vực TP. Móng Cái và Uông Bí cũng ghi nhận những thay đổi khi cả 2 địa phương này đón nhận dòng vốn của Tập đoàn Vingroup. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, Uông Bí sẽ khó có sóng lớn về đầu tư. Thay vào đó, nếu đầu tư dành cho nhu cầu ở thực sẽ tốt hơn, bởi sự phát triển kinh tế của địa phương này chưa có gì nổi bật.
Trong khi đó, TP. Móng Cái ngoài định hướng phát triển khu kinh tế cửa khẩu được tỉnh Quảng Ninh tập trung đầu tư mạnh thì Vingroup, Sun Group, FLC cùng một số nhà đầu tư khác đều đang gấp rút triển khai các dự án của mình. Hiện dòng vốn đầu tư thông minh đang âm thầm chuyển về Móng Cái khi nhiều khu vực khác của tỉnh Quảng Ninh như Hạ Long, Vân Đồn…, giá đã tăng khá mạnh.