Theo Ruben Gonzalez, kinh tế trưởng của công ty bất động sản Keller Williams, thị trường chứng khoán rung chuyển trong tuần qua là do nhà đầu tư e ngại quả bom nợ Evergrande của thị trường bất động sản Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến hệ thống tài chính toàn cầu.
Đầu tuần qua, làn sóng lo sợ đã khiến các chỉ số lớn chìm trong sắc đó. Chỉ số Dow Jones, Nasdaq, S&P 500, FTSE 100 của London hay Nikkei của Nhật Bản đều có những ngày tồi tệ nhất trong vòng nhiều tháng. Tuy nhiên, tác động này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Cho tới ngày 24/9, các chỉ số Dow Jones và S&P 500 đã dần phục hồi, kết thúc phiên giao dịch với mức tăng lần lượt là 0,1% và 0,15%.
Gonzalez nói: “Chúng tôi không cho rằng sự biến động của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, khi các nhà đầu tư nhỏ hơn mong muốn thu được lợi nhuận vốn trong một môi trường ổn định hơn, chắc chắn một lượng vốn nhất định sẽ đổ vào thị trường nhà ở”.
Tuy nhiên, sự biến động kéo dài có thể gây ra vấn đề, đặc biệt là đối với người mua nhà, theo Anthony Lamacchia, Giám đốc điều hành của công ty bất động sản Lamacchia Realty.
“Nếu biến động không diễn ra liên tục, thị trường chứng khoán sẽ không tác động đến thị trường nhà ở. Ngược lại, chúng ta sẽ thấy nhà đầu tư chuyển dịch vốn sang bất động sản”, Lamacchia nói.
Rick Sharga, Phó chủ tịch điều hành tại RealtyTrac, chia sẻ quan điểm tương tự như Lamacchia. Ông cho rằng biến động ngắn hạn trên thị trường chứng khoán có thể thúc đẩy nhiều nhà đầu tư chuyển hướng.
Sharga nói: “Nếu thị trường chứng khoán chứng kiến tình trạng bán tháo liên tục, điều đó có nghĩa là tâm lý thị trường đang bất ổn và mọi người thận trọng hơn với các khoản tiền đầu tư. Nguy cơ suy thoái kinh tế có thể khiến họ tìm kiếm một kênh đầu tư an toàn hơn, thường đó sẽ là bất động sản”.
Theo George Ratiu, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế tại realtor.com, những cải thiện trong hoạt động của thị trường chứng khoán toàn cầu và tại Mỹ cũng gắn liền với chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Ratiu nói: “Có một câu nói luôn đúng với thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán ghét sự không chắc chắn”. Ông cũng lưu ý rằng sự lan rộng của biến thể Delta và đà tăng trưởng kinh tế chậm lại là những yếu tố dẫn đến việc nhà đầu tư thờ ơ hơn với chứng khoán và chuyển sang bất động sản.
MIKe Fratantoni, Phó chủ tịch cấp cao của Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp Mỹ cho biết: “Thị trường việc làm đã được cải thiện, lạm phát đang tăng nóng và những hạn chế của chuỗi cung ứng vẫn còn tồn tại. Nhưng một số ngân hàng trung ương đang rục rịch tăng lãi suất điều hành trong năm 2021 và 2022”.
Fratantoni lưu ý rằng việc cắt giảm và thay đổi triển vọng chính sách tiền tệ có thể sẽ góp phần làm tăng lãi suất thế chấp ở mức khiêm tốn trong trung hạn. Điều này sẽ tác động đến cả thị trường chứng khoán và nhà ở.
Theo nhà kinh tế trưởng Donald Klepper-Smith của DataCore Partners, thị trường chứng khoán, ví dụ tại Mỹ, đang tăng trưởng nóng quá mức nhờ FED hậu thuẫn và điều này có thể không bền vững về lâu dài. Do đó, các biến động có thể xảy ra trong thời gian sắp tới với tần suất liên tục hơn, gây ảnh hưởng lên thị trường bất động sản.
Klepper-Smith nói: “Tôi nghĩ thị trường chứng khoán là một chỉ báo kinh tế hàng đầu trong tương lai. Thị trường này chắc chắn sẽ thay đổi trong thời gian tới do những điều chỉnh về chính sách của các chính phủ và ngân hàng trung ương, tạo ra cả cơ hội và thách thức cho thị trường nhà ở”.