Sáng 24/7, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình Quốc hội tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến giai đoạn 2021- 2025.
Ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 được thực hiện quyết liệt với nhiều đổi mới. Thể chế, chính sách về đầu tư công được hình thành, ngày càng hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về đầu tư công điều chỉnh chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; trình tự, thủ tục còn phức tạp; việc bố trí vốn mặc dù được cải thiện nhưng vẫn còn dàn trải, chia cắt, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch.
Sang giai đoạn 5 năm tới, theo ông Dũng, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, các công trình, dự án trọng điểm có sức lan tỏa cao. Đồng thời kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả; xóa bỏ cơ chế “xin cho”, tham nhũng, lợi ích nhóm và các hạn chế, bất cập; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra.
Cùng với đó, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài nhà nước, nhất là đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư (PPP), các dự án BOT.
Mục tiêu được Chính phủ phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021-2025 trên 90%; số dự án hoàn thành trong giai đoạn chiếm trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn.
Dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025: Tổng mức vốn ngân sách nhà nước (NSNN) thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 là 2.870 nghìn tỷ đồng. Số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết tối đa là 2.720 nghìn tỷ đồng. Trong đó, mức vốn bố trí bình quân cho 1 dự án là 210,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016- 2020 (88 tỷ đồng/dự án).Chính phủ đề ra giải pháp huy động tối đa các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trọng tâm là bảo đảm nguồn lực NSNN cho đầu tư tối thiểu là 2.870 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương 1.500 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó sẽ tập trung rà soát, cương quyết loại bỏ những dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, kém hiệu quả.
Riêng đối với các dự án quan trọng quốc gia: Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua danh mục và mức vốn bố trí cho 2 dự án chuyển tiếp (GPMB Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông, giai đoạn 1) và khởi công mới 1 dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư (Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) là 65.795,847 tỷ đồng; khoảng 38.738 tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2).
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, cơ quan thẩm tra nhất trí với đề xuất của Chính phủ về bố trí 100.000 tỷ đồng để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với các dự án quan trọng quốc gia, thống nhất dự kiến bố trí 65.795,847 tỷ đồng cho 3 dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đối với số vốn dự kiến khoảng 38.738 tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 và khoảng 78.719 tỷ đồng để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, dự án trọng điểm khác: đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia theo đúng quy định.
Về việc kéo dài kế hoạch vốn các năm 2017, 2018 sang giai đoạn 2021- 2025 của 12 dự án với số vốn là 4.118,884 tỷ đồng, ông Cường cho biết, đa số ý kiến nhất trí trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đối với các dự án trên.