Thông tư 13/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 07/2015/TT-NHNN ngày 25/6/2015 của Thống đốc NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng đã chính thức có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp cho biết họ sẽ “hụt hơi” khi chạy theo các quy định như thế này.
Là doanh nghiệp chuyên về xây dựng nhà ở, ông Khâu Văn Long - Giám đốc tài chính Công ty cổ phần Tập đoàn VIDEC cho biết, Thông tư 13 nhằm mục đích bảo vệ người mua nhà, đồng thời giúp thanh lọc các chủ đầu tư yếu kém, tăng tính minh bạch của thị trường. Tuy nhiên khi đi vào thực tế sẽ tác động mạnh đến thị trường và gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng.
Không dễ đi vào cuộc sống
Ông Long cho biết, doanh nghiệp bất động sản sẽ phải đối mặt với việc tăng áp lực chi phí, giảm hiệu quả đầu tư. "Thực tế hiện nay mức phí bảo lãnh ngân hàng bình quân đang dao động từ 1,1 - 2,5% giá trị bảo lãnh và chi phí đầu tư dự án tăng thêm 5,5 - 8,0% (bao gồm phí vốn ký quỹ và chi phí liên quan khác). Vì vậy, nếu thực hiện bảo lãnh dự án giá thành sản phẩm sẽ đội lên 5,5 - 8,0%, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm, làm gia tăng áp lực tài chính lên người mua và chủ đầu tư" - ông Long lý giải.
Còn ông Vũ Văn Thành – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc hệ thống VNG cho rằng, chủ đầu tư đã khó, nay lại càng khó thêm với quy định này. Có thể đây là dấu hiệu siết tín dụng trong bất động sản từ phía ngân hàng.
Dưới góc nhìn của người kinh doanh, ông Nguyễn Viết Hải - Tổng Giám đốc Công ty Nam Thăng Long cho rằng quy định tại thông tư mới sẽ làm tăng chi phí, giảm tính cạnh tranh nên ít chủ đầu tư muốn thực hiện. Bởi để được ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh, chủ đầu tư phải ký quỹ bằng tiền mặt hoặc phải có tài sản bảo đảm, qua đó sẽ khiến giá thành đội lên 2%-3%, giảm tính cạnh tranh của dự án trên thị trường.
Đây cũng chính là lý do chủ yếu khiến các doanh nghiệp không mặn mà tham gia bảo lãnh và quy định tại Thông tư 13/2017 không dễ đi vào cuộc sống.
Nhưng rất cần thiết
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw phân tích, trước đây, tại Điều 56, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã quy định chủ đầu tư phải thực hiện việc bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trước khi bán nhà cho khách hàng do một ngân hàng thương mại có đủ năng lực cam kết bảo lãnh.
Những sửa đổi trong Thông tư 13/2017 lần này sẽ giúp điều luật 56 được đưa vào thực thi chặt chẽ và dễ dàng hơn. Cụ thể, Thông tư 13 quy định, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố công khai danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong từng thời kỳ trên trang thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng thương mại không còn đáp ứng quy định tại điểm a khoản 2 Điều này bị loại khỏi danh sách vẫn phải tiếp tục thực hiện các thỏa thuận, cam kết đã ký về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt. Trong thời hạn 5-10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hợp đồng mua, thuê mua nhà, NHTM căn cứ hợp đồng mua, thuê mua nhà và thỏa thuận cấp bảo lãnh để phát hành cam kết bảo lãnh cho bên mua và gửi đến địa chỉ của bên mua.
Cam kết bảo lãnh được phát hành dưới hình thức thư bảo lãnh cho từng bên mua. Thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh được xác định kể từ ngày phát hành cho đến thời điểm ít nhất sau 30 ngày kể từ thời hạn giao, nhận nhà đã cam kết quy định tại hợp đồng mua, thuê mua nhà. Hơn nữa, Thông tư mới cũng quy định rõ ràng số tiền bảo lãnh cho một dự án nhà ở hình thành trong tương lai tối đa bằng tổng số tiền chủ đầu tư được phép nhận ứng trước của bên mua.
Tuy nhiên, ông Hà cũng nêu lên hạn chế, Thông tư 13 chỉ mới sửa đổi về quy định bảo lãnh, mà chưa bổ sung quy định cơ quan quản lý giám sát hay xử phạt nếu các bên không thực hiện nghĩa vụ sẽ dẫn đến rủi ro, tranh chấp. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu để đưa ra được mức xử phạt phù hợp, đủ sức răn đe với các bên không thực hiện trách nhiệm bảo lãnh.
“Việc bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai không phải là giải pháp lâu dài tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay thì việc bảo lãnh là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vì chỉ có như vậy mới hạn chế được tình trạng ôm nợ, tiền mất tật mang xảy ra với khách hàng” – ông Hà cho biết.
Bởi theo ông Hà, việc ký hợp đồng mua bán căn hộ không có chứng thư bảo lãnh thì ngay cả với các ông trùm bất động sản lớn hay dự án bất động sản siêu VIP đều có thể xảy ra tranh chấp hay rủi ro mà người mua nhà phải đối mặt tương tự như dự án Léman Luxury Apartments, Harmona...
THIÊN BÌNH
Các tin khác
Những lưu ý khi mua nhà ở hình thành trong tương lai
Ngày đăng: 16/11/2017 -
Lượt xem: 1130
(ĐTCK) Hiện có nhiều dự án nhà ở hình thành trong tương lai mở bán và được chủ đầu tư công bố đầy đủ hồ sơ pháp lý. Tuy nhiên, không hẳn dự án nào cũng đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Theo các...
Không có bong bóng bất động sản năm 2018
Ngày đăng: 15/11/2017 -
Lượt xem: 1192
HoREA nhận định thị trường bất động sản trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu hiện nay.
Bộ Xây dựng chỉ ra những hạn chế của Luật Kinh doanh bất động sản
Ngày đăng: 14/11/2017 -
Lượt xem: 1212
Tại Báo cáo Tổng kết việc thi hành các luật liên quan đến xây dựng, nhà ở, quy hoạch, bất động sản, Bộ Xây dựng đã làm rõ những hạn chế và tồn tại của Luật Kinh doanh bất động sản sau 3 năm...