Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam duy trì một màu ảm đạm liên tục trong suốt một năm qua. Việc triển khai vắc xin đang diễn ra nhanh chóng cùng với sự dồn nén “cơn khát” được đi du lịch của người dân dự báo sẽ tạo ra một lượng nhu cầu dịch chuyển khổng lồ khi đại dịch được kiểm soát
Một năm nhiều nốt trầm
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã trải qua 4 đợt bùng phát của dịch COVID-19. (Ảnh: Khải An).
So với bất động sản công nghiệp, văn phòng hay nhà ở thì bất động sản nghỉ dưỡng đang là phân khúc chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch COVID-19.
Tại "thủ phủ" du lịch Nha Trang (Khánh Hòa), thị trường vẫn đang chứng kiến sự trầm lắng, không có giao dịch do ảnh hưởng của dịch bệnh và việc điều chỉnh lại nguồn gốc đất của các dự án condotel.
Thực tế, tình trạng ảm đạm chung trên toàn thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã bắt đầu xuất hiện từ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát.
Theo báo cáo của Savills Việt Nam, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 6 tháng đầu năm 2020 ghi nhận hoạt động kém kỷ lục do chính sách phong tỏa. Cả công suất phòng và giá phòng đều ghi nhận giảm mạnh so với cùng kỳ. Riêng phân khúc 5 sao chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc chủ yếu vào khách quốc tế.
Ảnh hưởng của dịch bệnh trong quý đầu năm đã khiến sức cầu phân khúc condotel và biệt thự biển trong quý II/2020 rơi vào mức thấp nhất trong nửa thập kỷ qua, theo thống kê của DKRA.
Cụ thể, thị trường đón nhận 128 căn biệt thự biển từ 4 dự án mở bán (ba dự án mới và một dự án ở giai đoạn tiếp theo). Con số này chỉ bằng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ hấp thụ chỉ ghi nhận ở mức 10% và chỉ bằng 1% so với cùng kỳ.
Đối với condotel, toàn thị trường chỉ có hai dự án mở bán trong quí II và đều thuộc giai đoạn tiếp theo, cung ứng ra thị trường 158 căn, chỉ bằng 4% so với cùng kỳ. Tỷ lệ tiêu thụ cũng ở mức thấp, chỉ bằng 1% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương với 31 căn.
Tháng 7/2020, dịch COVID-19 tái bùng phát lần thứ 2 tại Đà Nẵng đã khiến nhiều kế hoạch du lịch bị trì hoãn và ngành kinh doanh khách sạn tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều tour du lịch đến Nha Trang - Khánh Hòa bị hủy, các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động du lịch, lữ hành cũng điêu đứng,..
Kéo theo đó, thị trường khách sạn và resort tại Đà nẵng cũng chịu tác động từ việc du khách hủy đặt phòng.
Số lượng căn hộ du lịch và biệt thực du lịch được cấp phép qua các quý. (Số liệu tổng hợp từ Bộ Xây dựng).
Giai đoạn nửa cuối năm 2020 trở đi, một số điểm đến đã có kết quả hoạt động tích cực hơn, đặc biệt trong tháng 12/2020 và tháng 1/2021 khi nhu cầu du lịch từ nguồn khách địa phương và doanh nghiệp gia tăng đáng kể. Các khách sạn tại một số thành phố cũng ghi nhận sự gia tăng nhu cầu từ tổ chức hội nghị hội thảo.
Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch thứ 3 tại Hải Dương và Quảng Ninh lại một lần nữa ảnh hưởng đến ngành du lịch nghỉ dưỡng. Nhiều chuyến bay bị hủy bỏ, một số khu vực phải thực hiện giãn cách xã hội.
Tác động từ dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng ở nơi bùng phát dịch mà ở gần như mọi nơi cần tiếp cận đến bằng đường hàng không.
Khảo sát thị trường bất động sản nghỉ dưỡng quý I/2021 từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Quốc của DKRA cho thấy, thị trường đã bắt đầu tăng tốc trở lại, nguồn cung mới condotel và biệt thự biển ghi nhận tăng so với quý trước. Tuy nhiên sức cầu chung toàn thị trường vẫn ở mức khá thấp so với giai đoạn năm 2019 trở về trước.
Nguồn cung là tiêu thụ dự án condotel mới theo quý. (Nguồn: DKRA).
Chưa dừng lại ở đó, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 ngay giai đoạn lễ 30/4 và kéo dài đến nay đã trở thành một đòn giáng mạnh vào ngành nghỉ dưỡng vốn đã gặp nhiều khó khăn, làm lung lay kỳ vọng phục hồi vào cuối năm 2021.
Thị trường đang chờ đón một lượng cầu lớn
Ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, trong khi tỷ lệ hấp thụ bất động sản nhà ở dần được cải thiện, thì lượng giao dịch và khả năng hấp thụ đối với bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hạn chế (tỷ lệ giao dịch bình quân trong quý đầu năm chỉ đạt khoảng 30%).
Riêng các dự án có pháp lý đầy đủ, đảm bảo tiến độ thông tin minh bạch của một số chủ đầu tư lớn đã có uy tín thì tỷ lệ giao dịch cao hơn.
Không thể phủ nhận, khách sạn và các lĩnh vực du lịch giải trí đã bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch. Song, theo JLL, việc triển khai vắc xin đang diễn ra nhanh chóng cùng với sự dồn nén "cơn khát" được đi du lịch của người dân dự kiến sẽ tạo ra một lượng nhu cầu dịch chuyển khổng lồ khi đại dịch được kiểm soát.
Ông Nihat Ercan, Giám đốc Điều hành Bộ phận Đầu tư của JLL Châu Á Thái Bình Dương nhận định, những thông tin tích cực về việc triển khai vắc xin và dấu hiệu phục hồi ngành du lịch đã bắt đầu khiến các nhà đầu tư phải tính toán từ bây giờ nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội. Chu kỳ mới đã được thiết lập lại và thị trường hiện đang bước vào giai đoạn phục hồi.
Còn theo ông Xander Nijnens, Giám đốc Quản lý Tài sản khu vực Châu Á Thái Bình Dương của JLL, bây giờ là lúc để tái đầu tư vào khách sạn vì các sản phẩm cạnh tranh khác đang bắt đầu cảm thấy áp lực tìm khách và duy trì dòng tiền.
Trong cuộc khảo sát của JLL, 36% nhà đầu tư được hỏi cho biết sẽ tập trung ưu tiên đầu tư vào tài sản của họ, cùng với việc kiểm soát chi phí và duy trì dòng tiền vào năm 2021.
"Sẽ có nhiều giao dịch được thực hiện trong bối cảnh hiện tại, những tay chơi muốn tăng giá trị sẽ sẵn sàng thâu tóm tài sản và định vị lại các khách sạn với mục tiêu chào bán sau 3 đến 5 năm vận hành", ông Nijnens chia sẻ.
Trước đó cũng có không ít nhận định cho rằng, việc khôi phục hoàn toàn thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có thể sẽ diễn ra vào năm 2021. Song, khi các đợt dịch liên tiếp xảy ra, các dự báo cũng được đưa ra một cách thận trọng hơn.
Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc chịu nhiều tác động xấu nhất của đại dịch COVID-19, trong đó có Đà Nẵng và Nha Trang.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2020, thị trường đã ghi nhận những dấu hiệu phục hồi nhất định. Sang quý I/2021, tuy dịch có bùng phát nhưng sẽ sớm ổn định trở lại. Kỳ vọng đến năm 2022 bất động sản nghỉ dưỡng có thể được phục hồi.