Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc nghiên cứu, xây dựng banh hành Quy chế quản lý vận hành loại hình công trình văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (Officetel).
Theo đơn vị này, ngày 23/4, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 11 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Trong văn bản này, Thủ tướng đã giao cho Bộ Xây dựng nghiên cứu, ban hành Quy chế quản lý vận hành loại hình công trình văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (Officetel).
Trước yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Thông tư ban hành Quy chế quản lý vận hành Officetel. Tuy nhiên, quá trình triển khai nghiên cứu, đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, hệ thống pháp luật hiện hành chưa có khái niệm, quy định pháp lý về loại hình công trình văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn – officetel.
Bên cạnh đó, Nghị định số 81 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Xây dựng không có quy định về nội dung quản lý vận hành căn hộ văn phòng (hoặc công trình xây dựng nói chung) thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng. Do vậy, việc xây dựng Thông tư ban hành Quy chế quản lý vận hành loại hình căn hộ văn phòng (Officetel) là chưa đủ cơ sở pháp lý.
Giải thích rõ hơn, Bộ Xây dựng cho biết, loại hình công trình căn hộ văn phòng ngoài chức năng sử dụng làm văn phòng còn sử dụng để lưu trú ngắn hạn, việc lưu trú này được hiểu là những người làm việc tại văn phòng đó có thể tạm trú tại căn hộ ngoài thời gian làm việc.
Như vậy, việc lưu trú này là có điều kiện, cần giới hạn về thời gian và phải có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng lợi dụng để sử dụng căn hộ văn phòng thành nhà ở, dẫn tới tình trạng gia tăng dân số, gây quá tải hệ thống hạ tầng đô thị.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc hướng dẫn lưu trú, quản lý lưu trú (đối tượng, điều kiện đăng ký lưu trú, đơn vị quản lý lưu trú…) thuộc thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của ngành công an, không thuộc chức năng, thẩm quyền của Bộ Xây dựng.
Hơn nữa, việc quản lý vận hành công trình xây dựng đa năng, đa sở hữu (một tòa nhà căn hộ văn phòng có nhiều chủ sở hữu) cần có một đơn vị quản lý vận hành có chức năng, điều kiện, đảm bảo năng lực thực hiện công tác quản lý vận hành, bảo trì công trình, đặc biệt là các phần diện tích sở hữu sử dụng chung.
“Điều này dẫn đến phải quy định về điều kiện kinh doanh của đơn vị quản lý vận hành công trình. Trong khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định thông tư không được quy định điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp”, Bộ Xây dựng cho biết.
Cũng theo Bộ này, hiện cơ chế xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động quản lý vận hành loại hình căn hộ văn phòng (officetel) chưa được quy định trong Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ. Theo quy định, việc quy định xử phạt thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Từ các lý do nêu trên, Bộ Xây dựng đã có văn bản trao đổi cùng Bộ Tư pháp và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng, ban hành Quy chế quản lý vận hành đối với loại hình căn hộ văn phòng (officetel) và đề xuất nghiên cứu, ban hành quy định quản lý vận hành loại hình này theo hình thức nghị định.
"Bộ Xây dựng nhận thấy việc ban hành Quy chế quản lý vận hành loại hình căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel) theo hình thức thông tư là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Do vậy, đề xuất Thủ tướng cho phép thực hiện theo hướng: Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý vận hành loại hình căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn”, Bộ Xây dựng nêu ý kiến.