Bất động sản nghỉ dưỡng ven biển được đánh giá có khả năng sinh lời cao và dài hạn hơn so với những loại hình bất động sản ở thông thường khác. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư vẫn e ngại do tính pháp lý của loại hình này chưa được đảm bảo.
Bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong các đợt bùng phát của dịch COVID-19. Sự trầm lắng của thị trường cộng với hành lang pháp lý cho loại hình bất động sản này chưa rõ ràng đã khiến nhiều nhà đầu tư e ngại.
Song, theo một số chuyên gia, nếu nhìn trong dài hạn, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng nhờ mức giá hấp dẫn.
Chia sẻ tại một sự kiện diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết, một số sản phẩm bất động sản du lịch biển như shophouse, resort villa,... thời gian gần đây rất phổ biến nhưng đang gặp vướng mắc liên quan đến pháp lý, dẫn đến khó khăn trong hoạt động kêu gọi đầu tư.
Đặc biệt là condotel, đây là một sản phẩm rất phổ biến trong khoảng 5 năm trở lại đây nhưng cũng đang gặp những vấn đề rất nóng, cụ thể là vướng mắc trong các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, vị này cho rằng, bất động sản ven biển thường sẽ tăng giá mạnh hơn các phân khúc khác. Bên cạnh đó là khả năng khai thác, kinh doanh, đầu tư,...
"Bất động sản du lịch biển ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng bởi nếu so với thế giới, mức giá của phân khúc này đang còn ở mức thấp. Do đó, tiềm năng tăng giá rất lớn khi Việt Nam trở thành một cường quốc du lịch", ông Đính nhận định.
Ngoài ra, theo Chủ tịch VARs, các tổ chức trên thế giới cũng đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ lợi nhuận bình quân trong khai thác kinh doanh du lịch thuộc nhóm đầu của thế giới, khoảng 30 – 35%. Đây là một tỷ lệ rất nhiều nước mơ ước.
Ông Đính dẫn số liệu thống kê đến năm 2020 cho thấy, Việt Nam có khoảng 250 dự án bất động sản du lịch biển đang được đầu tư phát triển. Hàng năm có tới hàng vạn sản phẩm được tung ra thị trường với tỷ lệ hấp thụ khoảng 3 năm đổ về trước đều trên 60 – 70%.
Giai đoạn 2019 – 2020 trở lại đây, phân khúc này gặp khá nhiều khó khăn khiến sức mua trên thị trường bị suy yếu. Trong đó, có không ít nhà đầu tư e ngại do tính pháp lý của bất động sản du lịch chưa được đảm bảo.
Tuy nhiên, theo vị này, thời gian gần đây, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang đón sự quay trở lại rất mạnh của các nhà đầu tư.
Đơn cử, bất chấp giai đoạn ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, trong quý III vừa qua nhưng vẫn có hơn 10.000 sản phẩm bất động sản du lịch được tung ra thị trường và tỷ lệ hấp thụ vẫn đạt trên 30%.
Còn theo ông Nguyễn Lê Hải Đăng, Chuyên gia chiến lược bất động sản, khoảng 70% du khách ưu tiên lựa chọn khu vực biển cho các kỳ nghỉ dưỡng.
Điều này giúp cho bất động sản ven biển trở thành một trong những loại hình đầu tư có khả năng sinh lời cao và dài hạn hơn so với những loại hình bất động sản ở thông thường khác. Thậm chí, những bất động sản ở khu vực trung tâm chưa chắc đã có mức giá trị gia tăng về lợi nhuận cao như bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo ông Đăng, các đợt dịch COVID-19 vừa qua là một cú đánh rất lớn vào BĐS nghỉ dưỡng. Nhưng đây cũng là một bài test để thấy được đâu là những chủ đầu tư tiềm lực tài chính và trụ vững. Những thông tin rất tốt cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, dù thị trường đã trải qua rất nhiều biến động nhưng giá của bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là nghỉ dưỡng biển đã tăng 3 – 4 lần trong 10 năm qua.
Còn dư địa cho các nhà đầu tư?
Theo ông Đính, có nhiều tiêu chí để các nhà đầu tư lựa chọn một bất động sản nghỉ dưỡng ven biển.
Thứ nhất, bất động sản này phải ở những khu vực có lợi thế để kinh doanh. Trên thực tế, những khu vực này đã phải được đầu tư bài bản, nhất là có chủ trương chiến lược quyết liệt của Chính quyền địa phương trong việc ưu tiên và đánh giá cao sự tham gia của các doanh nghiệp lớn.
Thứ hai là vấn đề giao thông kết nối. Thứ ba là chất lượng của các dự án. Thứ tư là năng lực của chủ đầu tư và thứ năm là tính pháp lý của dự án.
Về triển vọng thời gian tới, vị chuyên gia này đánh giá, dù bất động sản nghỉ dưỡng đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng vẫn được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Điều này cho thấy, đầu tư bất động sản không phải là đầu tư cho thời điểm hiện tại mà đầu tư cho tương lai. Do đó, thị trường ít bị phụ thuộc vào những khó khăn của giai đoạn hiện tại đang đầu tư.
Cũng theo ông Đính, giá bất động sản hiện nay đúng là đang tăng rất mạnh ở một số vùng, có nơi lên đến ngót nghét 100 tỷ một sản phẩm. Tuy nhiên, mức giá này còn đang ở ngưỡng thấp so với các nước trên thế giới.
Đồng quan điểm, ông Đăng cho rằng, nếu so sánh với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trên thế giới thì Việt Nam mới đang chập chững bước vào giai đoạn đầu nên mức giá vẫn còn thấp.
"Thấp ở đây là thấp so với một suất đầu tư cùng sản phẩm, cùng phân khúc ở một quốc gia khác. Đây chính là dư địa để các nhà đầu tư đổ tiền vào đầu tư trong trường hợp đã có tính toán, kế hoạch rõ ràng.
Đương nhiên, đầu tư bất động sản sẽ có rủi ro nhưng nếu chúng ra đã có được sự tính toán cẩn thận, có kế hoạch cẩn thận và cân đối được dòng tiền thì đầu tư bất động sản chỉ là một kênh giữ tiền và sinh tiền. Do đó, cần phải có một cái nhìn trung và dài hạn khi đầu tư vào phân khúc này", vị này nhấn mạnh.
Công Tâm