Khang Hoàng (Lao Động)
Hình ảnh người phụ nữ trèo ra khỏi nhà như từ hầm sâu chui lên mà truyền thông đăng tải từ việc nâng đường ở quận Bình Tân (TP.HCM) để chống ngập đã làm dư luận bức xúc, đồng thời lộ ra những mảng tối trong quản lý đô thị làm khổ dân.
Cùng với cảnh chui hầm, những bức tường cao gần lút đầu người bao vây nhà dân như vách chuồng lợn ở nông thôn miền Nam cũng đã biến con đường Kinh Dương Vương thành những cái “chuồng người” chưa từng có trên bất cứ đô thị nào.
Phía trên cửa nhà người phụ nữ chui hầm là tấm kính bát quái để trừ tà ma, ngăn điều ám muội, nhưng xem ra nó không giúp ích cho bà và hàng ngàn người dân ở đây.
Tôn cao đường, nhà dân thành hầm trú ẩn
Chúng tôi tiếp xúc với trên 10 hộ dân, tất cả đều nói họ không hề biết gì về việc nâng đường, chỉ khi nhà cửa bị xây tường bít bùng thì mới biết.
Chủ đầu tư thì nói đã hỏi ý kiến người dân và được đồng ý, nhưng thật ra việc khảo sát được tiến hành mãi từ năm 2012, quá xa và không còn giá trị pháp lý.
Chúng ta đều biết, các dự án chống ngập thường sử dụng vốn ODA, trong đó có điều khoản khảo sát mức độ tác động về kinh tế, xã hội, môi trường đối với người dân nơi thực hiện dự án. Sự mù mờ ở đây là gì? Dự toán khảo sát và thực chi thế nào?
Thực tế, việc nâng đường Kinh Dương Vương mục đích là để chống ngập nhưng ngập sẽ càng nặng nề hơn vì nước từ đường nâng cao sẽ chảy “trọn vẹn” vào nhà dân.
Không có nơi nào chống ngập theo kiểu nước chảy chỗ trũng như vậy, vì nâng nơi này lên thì nước sẽ chảy đi nơi khác, chỉ là “dời” điểm ngập sang chỗ khác mà thôi.
Việc này chỉ có thể thực hiện mang tính cục bộ với các cốt đường không cao hơn nhà và dồn nước về các hồ chứa bằng hệ thống cống dưới đường, trước khi bơm vào cống áp lực ra sông.
Khảo sát tuyến đường bị đơn vị thi công xây tường dọc 2 bên, chặn cửa nhà dân khiến hàng loạt ngôi nhà ở đường Kinh Dương Vương biến thành hầm, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM - thốt lên: “Giải pháp chống ngập nửa vời, các đơn vị khi làm không triển khai đồng bộ các giải pháp. Tôi có cảm tưởng chủ đầu tư chỉ làm cho được dự án”.
Tại buổi làm việc với các bên liên quan sau đó, ông Phong cho rằng, các đơn vị phải rút kinh nghiệm khi công khai dự án không rõ ràng. Dù đã lấy ý kiến người dân từ năm 2012 nhưng khi thực hiện công trình chủ đầu tư đã không khảo sát lại.
Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Văn Thinh cho biết, chủ đầu tư chưa tính toán để giảm ngập cho cả lưu vực hơn 90 ha như dự tính. Thậm chí, họ cho rằng 90% số dân quận Bình Tân đồng ý cho nâng đường nhưng thực tế họ chỉ khảo sát vài hộ, trong khi dự án ảnh hưởng đến vài trăm hộ.
“Chủ đầu tư cho rằng, nâng đường Kinh Dương Vương lên cao độ 2m mới không ngập nhưng người dân ở các con hẻm nói chỉ cần nâng hơn 1m là được. Điều này quá nghịch lý, cần xem xét giảm độ cao thiết kế của dự án”, ông Thinh nói.
Ông Thinh cũng dẫn kinh nghiệm: “Trụ sở ủy ban thường ngập từ 0,5 đến 1m. Để chống ngập, UBND quận Bình Tân lắp đặt van ngăn triều cho khuôn viên gần 1 ha, tại những điểm đặt cống và khi nước triều lên van ngăn triều đóng lại, khi mưa thì bơm nước ra. Vì thế, trong năm 2015 trụ sở không còn ngập nữa”.
Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM Nguyễn Ngọc Công cho biết, sẽ thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP.HCM. Dự án này sẽ tạm dừng để tìm ra phương án giảm cao độ tuyến đường và các giải pháp đồng bộ, giảm thiệt hại cho người dân.
Còn ông Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM Bùi Xuân Cường từng nổi tiếng với câu “còn nhúc nhích là chưa gọi kẹt xe” nay sáng tác thêm khái niệm mới “độ cao hài hòa”. Thái độ vô cảm, chống chế của ông giám đốc sở này làm cho người dân rất bức xúc, họ nói với truyền thông: Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM càng chống nước càng ngập, các cơ quan chức năng nghĩ ra cái mưu tôn cao nền đường để biến nhà dân thành hầm trú ẩn và cũng là các túi chứa nước khi mưa lớn. Chỉ riêng đường Kinh Dương Vương đã có 539 hộ dân bị ảnh hưởng.
Ảnh hưởng như thế nào? Những bức tường xây lấp mặt nhà, dân đi lại không đường, nhà thành hầm, thay vì đi vào đi ra thì chui vào chui ra, các con hẻm trong khu dân cư ra đường bị cắt cụt, việc kinh doanh của người dân bị xáo trộn vì nhà không có lối vào ra. Chính vì vậy, ông Nguyễn Thành Phong đã phê bình chủ đầu tư dự án, UBND Q.Bình Tân và Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước vì làm ăn tắc trách, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
Sẽ còn nhiều đường bị ngập như đường Kinh Dương Vương, vậy thì tiếp tục tôn cao nền đường hay sao? Nếu theo cái chước này, tiền tấn bỏ ra để biến nhiều con đường thành đê và cư dân hai bên đường sống trong hầm trú ẩn. Những con đường đê biến TP.HCM thành một hình mẫu đô thị xấu xí nhất hành tinh chứ không ngọc ngà xứ viễn Đông như mơ ước.
Các ông cán bộ nghĩ ra chuyện này hãy thử đem vợ con tới sống ở một căn nhà dưới hầm vài ngày xem có chịu thấu không? Các ông thừa biết không thể sống như vậy được nhưng vẫn cứ làm.
Sẽ đòi bồi thường thiệt hại chứ không chờ tiền hỗ trợ
Nhiều người ví việc chống ngập nhiều nơi ở TP.HCM như trận chiến của Sơn Tinh - Thủy Tinh tại Sài Gòn thế kỷ 21(!?). Lỗi ai đây? Phải chăng nhân sự quyết phương án nâng đường chống ngập thiếu kiến thức chuyên môn, hay có lợi ích nhóm thu lợi từ cung cấp vật liệu đá cát? Hậu quả của việc không có phản biện của các nhà khoa học, không nghe ý kiến của nhân dân. Người dân rất mong ông Đinh La Thăng với chuyên môn, bản lĩnh của mình sẽ đưa ra ánh sáng những người đã thu lợi về mình trong việc nâng đường, làm khổ người dân và sẽ có quyết sách mới về hạ tầng của TP.HCM.
Nước ngập là ấn tượng đầu tiên của một người Hà Nội tới TP.HCM vào năm 2011. Tháng 10.2011, chị xách vali rời Hà Nội vào TP.HCM lập nghiệp. Chị đã thuê trước một căn hộ khu Bình Tân, gần Đại lộ Đông Tây. Taxi chở chị tới đầu đường và thả xuống, bảo chịu không đi được nữa, tự tìm cách mà... bơi về. Chết chửa! Ai bảo Sài Gòn đẹp lắm, giờ váy áo với giày cao gót thì bơi thế nào!
Mấy năm ở đó, mùa mưa hay lúc triều cường ngập khúc nào sâu nhất thì sau đó người ta đổ nhựa, đổ bê tông cho khúc đó cao lên, cả đoạn đường hơn 1km cứ thế mà cao dần không đều. Lạ một điều, con đường được nâng vài chục lần thế mà không một lần người ta nghĩ đến việc đặt cống thoát nước.
Chị hàng trái cây buồn bã tâm sự, chị mượn tiền làm lại nhà chứ đường cao hơn nhà đến nửa mét nước tràn vô hư hết đồ, hư hết nhà, hổng ở được, hổng làm ăn được. Chị kể, chị làm nhà này được 12 năm rồi, trước cũng biết khu này trũng, làm nhà cao hơn đường 1,5m rồi, vậy mà giờ không ở được nữa. Lần này, chị cũng lại làm cao hơn đường 1,5m.
Bữa đi đường Kinh Dương Vương - Bình Tân, thấy đường đang làm cao ngất. Nhìn qua hai bên đường, toàn nhà kiên cố 3-4-5 lầu, rồi hàng trăm ngôi nhà ấy, họ phải làm gì cho cao bằng đường?
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng, thực hiện triển khai dự án nâng đường Kinh Dương Vương đã ảnh hưởng rất lớn đến người dân trong hoạt động buôn bán, đi lại, học hành..., nhất là lựa chọn thời điểm thi công ngay mùa mưa, càng tiếp tục chậm trễ càng ảnh hưởng nhiều hơn nữa.
Ông Phong yêu cầu phải tìm giải pháp đồng bộ để giảm cao độ vỉa hè xuống, phối hợp với việc bố trí mương hở, van ngăn triều, hệ thống bơm nước để giải quyết ngập cho cả lưu vực. Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan phải tính toán mức hỗ trợ cụ thể cho người dân bị thiệt hại trong dự án.
Trước mắt, ngoài việc phi thân qua bức tường, sau đó chui vào nhà như cái hầm, nhiều hộ dân trên đường Kinh Dương Vương đã treo bảng bán nhà.
Trộm nghĩ, các nhà làm luật và Quốc hội sớm ban hành Luật Bồi thường thiệt hại trong quản lý đô thị để ngăn ngừa tình trạng cơ quan chức năng, mà ở đây là Sở GTVT, đã xâm hại đến quyền lợi hợp pháp và đương nhiên của hàng ngàn người dân.
Cũng cần truy cứu trách nhiệm cá nhân trong những việc tương tự vì có điều chỉnh pháp luật và chế tài nhằm vào cá nhân cán bộ, công chức thì những loại việc như thế này mới được hạn chế.
Còn trước mắt, nhiều người dân nói họ sẽ đòi bồi thường thiệt hại chứ không phải chờ tiền hỗ trợ.
(Theo cafeland.vn)