Tại TP Hạ Long, trung tâm du lịch của tỉnh, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Du lịch đã nhanh chóng phục hồi mạnh mẽ. Nếu như năm 2019 thành phố đón 11,9 triệu lượt khách (khách quốc tế là 4,3 triệu) thì tới năm 2020 chỉ đón được 5,7 triệu lượt khách, năm 2021 là 1,6 triệu khách. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống xã hội cũng như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch của địa phương. Tuy nhiên, chỉ tính từ đầu năm đến 23/5, thành phố đã đón lượng khách bằng cả năm 2021, doanh thu du lịch đạt trên 2.600 tỷ đồng.
Không chỉ TP Hạ Long, ở các địa phương khác trong tỉnh, ngành Du lịch cũng có sự tăng trưởng ấn tượng. Như tại Cô Tô, lượng khách đến địa phương trong 6 tháng đầu năm ước đạt 82.000 lượt, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Trong năm 2022, huyện Cô Tô có nhiều sự kiện lớn, tạo được nhiều điểm nhấn thu hút du khách như Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô được công nhận xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, khánh thành Cột cờ chủ quyền Tổ quốc trên đảo Cô Tô đã thu hút hàng nghìn khán giả là nhân dân và du khách tới thưởng thức. Đây là những sự kiện nhằm kích cầu du lịch, giới thiệu quảng bá về các giá trị quý báu, ý nghĩa lịch sử to lớn của Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô cũng như hình ảnh đẹp và nét văn hoá đặc sắc của huyện đảo Cô Tô đến với du khách trong và ngoài nước trong năm 2022.
Ông Nguyễn Hải Linh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cô Tô, cho biết: Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, huyện Cô Tô chú trọng đến việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý phản hồi của du khách với các nội dung về dịch vụ nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ tàu khách..., chỉ đạo xử lý kịp thời, thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi của du khách, đồng thời góp phần phát triển ngành du lịch bền vững; khẳng định thương hiệu của Cô Tô và tuyên truyền cho người dân, du khách biết đến một hình ảnh du lịch Cô Tô an toàn, thân thiện và mến khách.
Tại Bình Liêu, điểm sáng của du lịch miền Đông, lượng khách trong 6 tháng đầu năm đã đạt trên 29.200 người, tăng gần gấp đôi so với kịch bản đề ra và gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt chuỗi sự kiện kích cầu, phục hồi du lịch dịp 30/4 và 1/5 đã được triển khai hiệu quả với ngày hội di sản then Tày, hội Kiêng gió, Đại hội thể dục thể thao. Ước tính lượng khách đến du lịch trong thời gian tổ chức các sự kiện kích cầu, phục hồi đạt khoảng 16.200 khách. Doanh thu từ hoạt động du lịch trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 15 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch năm và gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Sự phục hồi du lịch mạnh mẽ của các địa phương đã kéo theo con số tăng trưởng ấn tượng của cả ngành Du lịch trong 6 tháng đầu năm. Theo thống kê của Sở Du lịch, tổng khách du lịch tới Quảng Ninh đạt khoảng 5,5 triệu khách. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 12.100 tỷ đồng. Như vậy, số lượt khách cũng như doanh thu du lịch đều tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.
Những con số ấn tượng trên cho thấy, cả du khách và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đều đã sẵn sàng quay trở lại, tiếp đà phục hồi tăng trưởng. Những con phố đã tấp nập trở lại, hàng quán đông đúc, khu, điểm du lịch nhộn nhịp khách, qua đó, thổi luồng sinh khí mới cho thành phố du lịch. Để có được thành quả đó, là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc làm mới các sản phẩm du lịch, đầu tư thêm các sản phẩm du lịch mới độc đáo thể thu hút du khách...
Xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ; công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện phía Bắc; là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ của cả nước. |
Mặc dù tăng trưởng ấn tượng, tuy nhiên do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 với sự xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh, rộng vào quý I/2022 đã gây khó khăn cho công tác phục hồi, phát triển ngành du lịch của tỉnh. Hoạt động kích cầu du lịch phải điều chỉnh về nội dung, thời gian cho phù hợp với tình hình mới. Các hoạt động hợp tác quốc tế, xúc tiến du lịch thị trường nước ngoài bị hoãn, hủy do dịch bệnh dẫn đến một số nội dung trong kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch 6 tháng đầu năm 2022 không thực hiện được theo kế hoạch đề ra.
Vì vậy, trong 6 tháng cuối năm 2022, Quảng Ninh đã đặt mục tiêu thu hút được khoảng 5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt 10.000 tỷ đồng. Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, để thực hiện được mục tiêu đó, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trên các nền tảng internet, mạng xã hội; triển khai các nội dung trong kế hoạch chuyển đổi số... Đồng thời, tăng cường kiểm tra, rà soát điều kiện hoạt động kinh doanh lưu trú của cơ sở lưu trú mới hoạt động; chủ động xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị và hỗ trợ du khách thông qua đường dây nóng du lịch. Bên cạnh đó, tham mưu triển khai các hoạt động kích cầu du lịch Quảng Ninh năm 2022 gắn với công tác phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của UBND tỉnh; xây dựng Đề án phục hồi ngành du lịch Quảng Ninh năm 2025, định hướng 2030. Sở cũng sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động kinh doanh, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới; phối hợp cải thiện công tác thủ tục hành chính theo hướng thuận lợi nhất...