Hotline: 098.256.8899
Chat Facebook
Chat Zalo
Gọi ngay
098.256.8899  -  091.689.7273
Tìm kiếm nhà đất
Nhà phố Harbor Bay Hạ Long

Nhận diện dư địa phát triển năm 2021

Cập nhật: 22/12/2020 -
Lượt xem:434
Trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021, tỉnh đặt ra 15 chỉ tiêu cơ bản, trong đó có 7 chỉ tiêu về kinh tế, như: GRDP trên 10%, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tối thiểu 51.000 tỷ đồng, giữ vững nhóm đầu các chỉ số PCI, Par Index, SIPAS, PAPI… Để đảm bảo các chỉ tiêu cao này, việc nhận diện và khai thác hiệu quả các dư địa phát triển đã được tỉnh nhìn nhận, đánh giá từ sớm.

 
Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh, nghe đơn vị thi công báo cáo tiến độ thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ảnh: Mạnh Trường

Bước đà từ năm 2020

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Quảng Ninh ước đạt 10,05%, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 2,35 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và đứng thứ hai trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Về thu NSNN, đến thời điểm này, tỉnh đứng thứ 7 cả nước về tổng thu và đứng thứ 6 về số thu nội địa. Ước tính, tổng thu NSNN của tỉnh năm nay đóng góp khoảng 3,7% tổng thu NSNN cả nước; đóng góp 8,6% tổng thu NSNN của vùng đồng bằng sông Hồng và 9,4% trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đáng chú ý, riêng về số thu nội địa, tỉnh đóng góp cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ chỉ xếp sau TP Hà Nội.

Quảng Ninh được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các nhà đầu tư đánh giá rất cao về những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thời gian qua. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và các chỉ số cải cách hành chính Par Index đứng đầu cả nước 3 năm liên tiếp (2017-2019); chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính SIPAS năm 2019 đứng thứ nhất; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI từ vị trí thứ 62 năm 2016 vươn lên đứng thứ 3 năm 2019. Năm 2020, dù là địa bàn chịu tác động gần nhất, nhanh nhất và trực tiếp từ dịch bệnh, nhưng Quảng Ninh vẫn đưa ra được nhiều giải pháp thu hút đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp rất hiệu quả. Trong đó phải kể đến việc tỉnh tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Hàn Quốc, đối tác đầu tư số 1 Việt Nam hiện nay; hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh; hay thu hút nhiều tên tuổi lớn triển khai dự án tại tỉnh, nhất là trong quý IV/2020 như: Tập đoàn Thành Công, Tập đoàn Foxconn...

Với các chính sách phát triển phù hợp đã giúp nền kinh tế Quảng Ninh tiếp tục có sự tăng trưởng ấn tượng. Được biết, quy mô nền kinh tế của tỉnh đến năm 2020 ước đạt khoảng 9,1 tỷ USD, tăng gấp 1,6 lần năm 2015, chiếm khoảng 3% tổng quy mô nền kinh tế của cả nước, chiếm khoảng 8,4% vào tổng quy mô nền kinh tế của Vùng đồng bằng sông Hồng và chiếm 9,5% quy mô kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, chỉ đứng sau TP Hà Nội và TP Hải Phòng. Những con số biết nói kể trên có thể coi là một trong những “dư địa” quan trọng, tạo bước đà rất tốt để Quảng Ninh khi bước sang năm 2021.

Khai thác hiệu quả các dư địa

Tại Kỳ họp lần thứ 21, HĐND tỉnh khóa XIII diễn ra đầu tháng 12/2020, đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn đã khẳng định: Các dư địa phát triển của Quảng Ninh vẫn còn rất lớn, nếu được nhận diện và khai thác hiệu quả sẽ là động lực, thành tố quan trọng để tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH, cũng như thực hiện chủ đề công tác năm 2021 là: “Giữ vững địa bàn an toàn và đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng”.


Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy, kiểm tra hiện trường bãi thải của ngành Than. Ảnh: Đỗ Phương

Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng từ nguồn lực đất đai, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, để phát huy tốt dư địa từ đất đai, thì việc siết chặt quản lý là rất cần thiết. Theo đó, năm 2021, Quảng Ninh sẽ tiếp tục “nâng cấp” quy trình quản lý đất đai một cách chặt chẽ hơn nữa, từ khâu lựa chọn địa điểm trong nghiên cứu quy hoạch, phê duyệt quy hoạch, chủ trương đầu tư giao đất, cho thuê đất, đến triển khai đầu tư... Kiên quyết thu hồi theo quy định của pháp luật các dự án có sử dụng đất mặt nước chậm tiến độ, vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai để thu hồi theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ đầu tư thi công xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp của các chủ đầu tư; đẩy mạnh công tác xúc tiến thu hút đầu tư các dự án trong KCN, KKT để tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy, tránh bỏ lỡ cơ hội lãng phí đất đai, tài nguyên, nguồn lực. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ quỹ bảo vệ môi trường và phát triển đất của tỉnh để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Chủ động tạo mặt bằng sạch đối với các quỹ đất quy hoạch là đất công nghiệp tại KCN, KKT, cụm công nghiệp. Qua đó, nhằm thúc đẩy nhanh việc thu hút lựa chọn chủ đầu tư các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo.


KCN Việt Hưng đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công giai đoạn 2. Ảnh: Mạnh Trường

Năm 2021, UBND tỉnh yêu cầu sở, ngành, địa phương liên quan tập trung hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2021; lập điều chỉnh quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành lập và tổ chức triển khai quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2021... Các quy hoạch này sẽ là căn cứ để tỉnh thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất kịp thời, phục vụ phát triển KT-XH của địa phương. Đặc biệt là ưu tiên bố trí quỹ đất đủ diện tích với mặt bằng sạch trong các KCN, KKT để thu hút phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện và quy hoạch tỉnh.

"Nhận diện" dư địa trong lĩnh vực công nghiệp vẫn còn rất lớn, năm 2021, tỉnh sẽ tiếp tục cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch; tập trung thu hút ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tạo ra bước đột phá về thu hút tổng vốn đầu tư và giá trị gia tăng của ngành; tăng nhanh tỷ trọng đóng góp trong GRDP và thu ngân sách địa phương để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 trên 10% và giá trị gia tăng ngành công nghiệp, chế biến chế tạo tăng trên 17%/năm. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, thời gian tới, tỉnh tiếp tục có các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư trong lĩnh vực này, nhất là nông nghiệp công nghệ cao...

Hồng Nhung

Cập nhật: 22/12/2020 -
Lượt xem:434
Các tin khác
Triển vọng cổ phiếu bất động sản công nghiệp trong năm 2021

Triển vọng cổ phiếu bất động sản công nghiệp trong năm 2021

Ngày đăng: 22/12/2020 - Lượt xem: 480

Cổ phiếu bất động sản công nghiệp là nhóm cổ phiếu được dự báo có nhiều triển vọng trong năm 2021, nhất là ở những doanh nghiệp còn nhiều quỹ đất cho thuê.
Sắp diễn ra toạ đàm nhận diện xung lực mới cho bất động sản 2021

Sắp diễn ra toạ đàm nhận diện xung lực mới cho bất động sản 2021

Ngày đăng: 21/12/2020 - Lượt xem: 459

Toàn cảnh thị trường bất động sản 2020 và các phân tích, dự báo xu hướng của năm tới... sẽ được chuyên gia hàng đầu bàn thảo ngày 5/1 tới.
Dự báo bất động sản 2021: Xuất hiện 2 yếu tố kéo thị trường, giá vẫn tăng

Dự báo bất động sản 2021: Xuất hiện 2 yếu tố kéo thị trường, giá vẫn tăng

Ngày đăng: 21/12/2020 - Lượt xem: 602

Giới chuyên gia cho rằng 2021 sẽ là năm "sẵn sàng cho chu kỳ mới" đối với thị trường bất động sản. Giá cả lĩnh vực này được dự báo tiếp tục tăng, thị trường xuất hiện một số yếu tố mang...