Cùng với Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh được đánh giá là một trong 3 đầu tàu phát triển kinh tế của vùng và được xác định như một trung tâm trung chuyển hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN. Những lợi thế đó đưa Quảng Ninh trở thành cửa ngõ hội nhập quốc tế với thế giới của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cầu nối giữa Việt Nam với các nước ASEAN và khu vực Đông Bắc Á.
Là điểm khởi đầu của vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ gắn với khu hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng của Trung Quốc, Quảng Ninh nổi bật với vai trò trạm trung chuyển quốc tế cùng nhiều cơ hội phát triển thương mại, du lịch và lưu thông hàng hóa quốc tế. Đặc biệt, việc Móng Cái được Chính phủ xác định là một trung tâm phát triển kinh tế của vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và giao thông quốc tế thực sự trở thành động lực phát triển chính gắn với thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng.
Bên cạnh đó, với hệ thống các công trình hạ tầng trọng điểm kết nối đã được đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cao tốc Nội Bài - Hạ Long - Móng Cái sẽ trở thành tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối tỉnh Quảng Ninh với các trung tâm lớn trong nước và khu vực ASEAN. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển kinh tế khu vực biên giới của tỉnh.
Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế đó, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện hiệu quả các chỉ thị và ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch về hội nhập kinh tế quốc tế. Các sở, ngành liên quan chủ động cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến từng lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể trên các trang thông tin của các ngành chủ quản và cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; đẩy mạnh tuyên truyền các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế biên mậu, du lịch, nông nghiệp, giúp doanh nghiệp trong tỉnh nắm vững các quy định đối với từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể và các thông tin, hướng dẫn liên quan đến xuất, nhập khẩu hàng hóa sang các đối tác đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Điển hình phải kể đến như: Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định khung về hợp tác kinh tế ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc để thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc. Qua đó, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh được hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu.
Điển hình như ngành Công thương, đã bám sát các chỉ đạo của Bộ Công Thương và tỉnh để chủ động đề xuất, ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn triển khai tại địa phương. Nổi bật như tham mưu UBND tỉnh văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 38/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA); Hiệp định CPTPP và EVFTA; biên soạn tài liệu và in ấn tập gấp “Hướng dẫn xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc”; “So sánh Hiệp định EVFTA và UKVFTA” trong nội dung tuyên truyền công tác hội nhập kinh tế quốc tế... Cùng với đó, ngành đã chủ động cập nhật thường xuyên, kịp thời các quy định có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, thông tin về thị trường xuất khẩu và các chương trình xúc tiến xuất khẩu nước ngoài. Tính riêng trong năm 2021, ngành Công thương đã đăng tải 108 nội dung vào chuyên mục hoạt động xuất nhập khẩu trên Cổng thông tin điện tử để các doanh nghiệp được biết. Đặc biệt, đã kết nối các sản phẩm của tỉnh như: Vật liệu xây dựng (gạch, ngói...), nến, nước mắm... đến tham tán Việt Nam tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc; hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm kiếm đối tác xuất khẩu miến dong Bình Liêu, xơ sợi, điện tử sang thị trường Trung Quốc; phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cung cấp thông tin các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và đề xuất nội dung cần phối hợp, hỗ trợ tại thị trường nước ngoài thông qua Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Malaysia, Italy...; phối hợp với tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ quảng bá và giới thiệu sản phẩm, kết nối doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh tới thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Malaysia.
Song song với đó, ngành Công thương còn đóng vai trò quan trọng tham mưu cho tỉnh tổ chức nhiều đoàn tham gia các hội chợ, triển lãm nước ngoài, như: Hội chợ thương mại ASEAN - Trung Quốc, Hội chợ thương mại biên giới Trung - Việt... nhằm mở rộng hoạt động giao lưu quốc tế các nước trong khối ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đồng thời, tổ chức các hoạt động giao lưu kinh tế kết hợp xúc tiến thương mại và du lịch để nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh; quảng bá mở rộng hình ảnh, con người và văn hóa Quảng Ninh đến cộng đồng trong và ngoài nước.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục quan tâm và đề ra nhiều giải pháp để thực hiện. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực với mục tiêu đáp ứng cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước; đẩy mạnh hợp tác, liên doanh liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá trong tỉnh; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tiến độ giải ngân các nguồn vốn đã cam kết; có định hướng thu hút đầu tư vào các vùng một cách hợp lý, vào các lĩnh vực ưu tiên... để phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Mục tiêu của Quảng Ninh đến năm 2030 sẽ xây dựng Khu hợp tác kinh tế biên giới Móng Cái trở thành điểm sáng trong hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế, thương mại biên giới phát triển. Đây chắc chắn là động lực để Móng Cái trở thành một trong những trung tâm đầu mối trao đổi hàng hoá, dịch vụ giữa ASEAN - Trung Quốc, động lực phát triển mạnh của vùng Đông Bắc Tổ quốc; là một cơ hội rất thuận lợi cho Quảng Ninh đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Quảng Tây và với các tỉnh khác của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tạo cơ sở thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước; ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy phát triển giáo dục thông minh, sản xuất thông minh, quản lý thông minh, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, đô thị xanh, đào tạo công dân thông minh. Đặc biệt tỉnh cũng sẽ nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án chế biến, chế tạo có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đồng thời phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng dịch vụ xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất để khai thác có hiệu quả các chương trình hợp tác kinh tế - thương mại với Trung Quốc. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng với địa phương các nước có chiến lược thương mại, du lịch phù hợp với Hiệp định ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) để phát huy tối đa vai trò cửa ngõ, cầu nối hợp tác quan trọng ASEAN với Trung Quốc và thế giới. Tích cực triển khai hoạt động liên kết vùng trong khuôn khổ “Hai hành lang - Một vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc. Hình thành mối quan hệ chiến lược với các đối tác có uy tín, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới với hình thức và mức độ phù hợp nhằm tạo thế đan xen về lợi ích và thúc đẩy phát triển kinh tế.