Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh có 42 khu chung cư cũ với diện tích đất khoảng 5,5 ha, tổng diện tích sàn vào khoảng 95.000m2, tập trung chủ yếu tại TP. Hạ Long (có 12 khu), TP. Uông Bí (2 khu) và TP. Cẩm Phả (28 khu).
|
Chung cư cũ cao 5 tầng ở phố Mới, TP. Hạ Long đã xuống cấp. Ảnh: quangninh.gov.vn. |
Hầu hết các khu nhà chung cư cũ này đều được xây dựng tại vị trí trung tâm của các thành phố, diện tích đất khá chật hẹp, có tầng cao dưới 5 tầng, kiến trúc khá đơn giản, thiếu hệ thống cây xanh và hạ tầng kỹ thuật… Do vậy, hiện đã không còn phù hợp với kiến trúc, cảnh quan cũng như môi trường trung tâm đô thị theo quy hoạch điều chỉnh.
Thêm vào đó, đa số các chung cư này đều đang bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, không đảm bảo sự an toàn cho người dân sử dụng, thậm chí có một số tòa chung cư không thể cho phép tiếp tục sử dụng vì đe dọa đến tính mạng của người ở.
Công tác quản lý các khu chung cư này hiện cũng đang ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan Nhà nước do các chủ sở hữu đã tự ý trao đổi, mua bán, chuyển nhượng, sửa chữa,…
Do vậy, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức xây dựng Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn tỉnh và xây dựng Quy chế cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ bị xuống cấp, hư hỏng.
Theo đó, đối với những khu chung cư cũ liên quan đến ngành than, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam trách nhiệm đầu tư xây dựng lại với quy mô và tầng cao phù hợp quy hoạch và điều kiện cụ thể của ngành và từng địa bàn.
Đối với những chung cư cũ do các địa phương quản lý, nếu có doanh nghiệp nào tham gia đầu tư cải tạo, xây dựng lại (hoặc các hộ dân của khu chung cư tự thành lập doanh nghiệp để đầu tư phù hợp với quy hoạch, hoặc doanh nghiệp kết hợp với các hộ dân…) thì UBND các địa phương phải đứng ra tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện, đảm bảo nguyên tác hài hòa lợi ích chung giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Đối với những chung cư cũ do các địa phương đang quản lý nhưng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng của người dân (xuống cấp D) mà không có doanh nghiệp nào tham gia đầu tư xây dựng lại, trước mắt UBND các địa phương sẽ thực hiện di dời khẩn cấp người dân, cưỡng chế thực hiện việc phá dỡ; đồng thời xây dựng phương án đầu tư, huy động vốn có hiệu quả để xây dựng lại.
(Theo Bizlive)