Giao thông đường bộ phát triển mạnh mẽCòn nhớ vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, mạng lưới giao thông đường bộ của Quảng Ninh chỉ có 3.688km, trong đó quốc lộ là 346km, tỉnh lộ 178km, đường huyện 535km, còn lại là đường liên thôn, liên xã. Hệ thống quốc lộ chỉ có 135km trải nhựa, còn lại là đường đá dăm và đường đất như tuyến Mông Dương - Móng Cái, Tiên Yên - Bình Liêu, Tiên Yên - Ba Chẽ... Hệ thống bến tàu, bến xe thiếu và xuống cấp, mạng lưới giao thông nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa lạc hậu, đi lại rất khó khăn.
Trước thực trạng đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã đề ra những chủ trương có tính chiến lược về giao thông vận tải, đồng thời tập trung huy động mọi nguồn lực, ưu tiên cho việc xây dựng hệ thống cầu đường kiên cố, bền chắc. Trong suốt giai đoạn 1986-2000, nhiều dự án quan trọng về giao thông vận tải đã được đầu tư cải tạo nâng cấp và xây dựng. Đến năm 2000, tỉnh đã đạt mục tiêu giải quyết cơ bản về giao thông, đảm bảo nhu cầu không ách tắc, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế.
Hệ thống giao thông thông suốt, đảm bảo an toàn khi mưa lũ, hoàn thành nhựa hóa hoặc bê tông hóa các tuyến đường đến trung tâm các huyện, thị xã và cầu hóa thay thế các đường tràn. Tại các huyện đảo đã có phương tiện thủy và đường đi lại thuận lợi. Các tuyến quan trọng như QL18 từ Vàng Chua (Đông Triều) được cải tạo, nâng cấp thông suốt đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái, QL18C được nâng cấp, thảm nhựa từ cảng Mũi Chùa (Tiên Yên) đến cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu). Đường đến trung tâm huyện Vân Đồn, đường Tiên Yên - Ba Chẽ cũng được nâng cấp, trải nhựa.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2012-2018, tỉnh đã triển khai thực hiện 3 đoạn tuyến cao tốc gồm: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đã hoàn thành thông xe ngày 1/9/2018; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương theo hình thức PPP, hợp đồng BOT, hiện nay đã cơ bản hoàn thành cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, hạng mục cải tạo nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương đã hoàn thành đưa vào sử dụng; cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dự kiến khởi công trong quý III/2018.
Hiện Quảng Ninh đang chuẩn bị triển khai đầu tư một số công trình, dự án trọng điểm như: Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; đầu tư xây dựng Hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục (phấn đấu khởi công dự án vào năm 2019)...
Đồng bộ các loại hình giao thôngTrước yêu cầu phát triển kinh tế, Quảng Ninh đã xác định giao thông phải đi trước một bước, song song với phát triển giao thông đường bộ, đầu tư xây dựng nâng cấp các loại hình giao thông khác. Thực hiện mục tiêu đó, những năm qua, tỉnh đã tập trung cho phát triển giao thông đường biển, cảng, sân bay một cách mạnh mẽ, tạo nên sự chuyển biến mang tính đột phá về hạ tầng giao thông.
Chỉ trong một thời gian ngắn, hệ thống cảng biển, cảng tàu khách phục vụ phát triển du lịch được đầu tư nâng cấp hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Điển hình là Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng; cảng Cái Lân, bến tàu khách Cái Rồng (huyện Vân Đồn), các cảng, bến tàu khách tại các xã đảo đều được củng cố, nâng cấp an toàn và thuận lợi hơn, đáp ứng yêu cầu kết nối, thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ - du lịch thành chuỗi liên kết bền vững. Đặc biệt, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã được Bộ GT-VT phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 576/QĐ-BGTVT ngày 16/3/2012 với quy mô cấp 4E; sân bay quân sự cấp II, thực hiện theo hình thức BOT sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018.
Nhờ sự đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, những năm qua dịch vụ vận tải trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, đặc biệt là hoạt động kinh doanh vận tải bằng đường bộ và đường thủy nội địa. Theo thống kê, đến nay có 675 xe ô tô vận tải chạy tuyến cố định, 350 xe chạy hợp đồng, 1.350 xe taxi, 330 xe container, 535 tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long (200 tàu lưu trú và 335 tàu tham quan), 51 tàu khách (trong đó có 27 tàu cao tốc)...
Có thể khẳng định, đến nay giao thông
Quảng Ninh đã có bước chuyển biến căn bản, toàn diện trên tất cả các mặt, đóng góp quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh. Những kết quả, thành tựu đạt được đã khẳng định vị thế, vai trò của tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, tạo ra thế và lực mới rất quan trọng cho sự phát triển của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Đặng Nhung ( Báo quảng ninh)