Phát triển đô thị là một trong những nhiệm vụ đột phá được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh đề ra. Đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững hơn, với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành đô thị lớn theo hướng sinh thái, thông minh, năng động, đầy sức cạnh tranh, hiện đại ở tầm khu vực và quốc tế.
Với quan điểm “quy hoạch phải đi trước một bước”, những năm qua, công tác quản lý và thực hiện quy hoạch đô thị được tỉnh tập trung triển khai. Đến thời điểm này, Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành các quy hoạch xây dựng, gồm: Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch các chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch xây dựng các vùng huyện. Tỉnh đang triển khai lập điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hạ Long, Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn theo định hướng là Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục triển khai những đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực có tiềm năng, lợi thế và yêu cầu quản lý.
|
Khu đô thị mới Hùng Thắng (TP Hạ Long). Ảnh: Hùng Sơn |
Trên cơ sở định hướng từ các quy hoạch, tỉnh Quảng Ninh tập trung cải thiện môi trường đầu tư lành mạnh, khuyến khích mạnh mẽ người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư. Đồng thời, bố trí theo thứ tự ưu tiên, phân kỳ đầu tư cho phù hợp, ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm để làm động lực cho đô thị phát triển; đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở xã hội và đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp để làm cơ sở phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh cũng khuyến khích xã hội hóa trong các hoạt động dịch vụ công, như: Giáo dục, y tế, cấp nước, vận chuyển, thu gom xử lý chất thải, huy động nguồn vốn trong dân để tăng nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng.
Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực trọng điểm đã được xác định; tập trung kêu gọi nguồn hỗ trợ phát triển chính thức vào các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng cần vốn lớn, như các dự án đường giao thông, thoát nước quan trọng, phát triển mạng lưới cấp nước sạch, hệ thống xử lý chất thải rắn. Đồng thời tiếp tục linh hoạt, đẩy mạnh kêu gọi các hình thức đầu tư, như: Xây dựng - chuyển giao; xây dựng - kinh doanh - chuyển giao; xây dựng - chuyển giao - kinh doanh; hợp tác công - tư; tạo vốn đầu tư thông qua việc đấu giá quyền sử dụng đất...
Trong thời gian ngắn, từ nền tảng của các quy hoạch chiến lược, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh có sự đột phá mạnh mẽ, từ 50,3% (đầu năm 2011) đến nay đạt gần 65%, là một trong 3 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước (sau TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương)... Hiện Quảng Ninh có 14 đô thị và 4 khu kinh tế ven biển. Trong đó có 1 đô thị loại I là TP Hạ Long; 3 đô thị loại II là các TP Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái; 4 đô thị loại IV là TX Đông Triều, TX Quảng Yên, thị trấn Trới (huyện Hoành Bồ), thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn).
Mục tiêu đến năm 2025 Quảng Ninh trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương với khu vực đô thị lõi hạt nhân gồm: Hạ Long, Cẩm Phả kết nối với Vân Đồn, Quảng Yên, Uông Bí, Hoành Bồ để tập trung phát triển không gian đô thị đảm bảo các chỉ tiêu đô thị loại I. Tỉnh đang xây dựng Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, với mục tiêu hình thành 5 thành phố trực thuộc tỉnh. Trong đó, Hạ Long được xây dựng thành đô thị thông minh, là đô thị trung tâm, hạt nhân của tỉnh, trở thành đầu mối giao thông quốc tế, quốc gia và khu vực, trung tâm du lịch dịch vụ, văn hóa, giải trí; Vân Đồn trở thành trung tâm vui chơi giải trí nghỉ dưỡng phức hợp quy mô lớn, trung tâm công nghiệp công nghệ cao, đầu mối du lịch quốc tế; Móng Cái phát triển thành cửa khẩu quốc tế hiện đại ngang tầm khu vực, phát triển đô thị xanh gắn với xây dựng Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà...
Bên cạnh đó, tỉnh tích cực hoàn thiện và thực hiện tốt các phương án đề án bảo vệ môi trường, rà soát phù hợp thực tiễn về quy hoạch bảo vệ môi trường, tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường và thực thi các nội dung cam kết... Quảng Ninh đã chi 157 tỷ đồng để lắp đặt các trạm quan trắc môi trường tự động. Riêng ngành Than xây dựng 39 trạm xử lý nước thải, cải tạo hoàn nguyên môi trường 800ha khai trường, bãi mỏ than. Đối với nông nghiệp sẽ áp dụng sang ứng dụng công nghệ cao, chăm sóc bảo vệ rừng được tuân thủ nghiêm ngặt đảm bảo không để xảy ra cháy rừng quy mô lớn. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt và chuẩn bị triển khai 24 dự án thuộc đề án thành phố thông minh, như trường học, bệnh viện, kiến trúc thành phố thông minh...; nâng cao năng lực quan trắc môi trường tự động, xây dựng hệ thống quản lý điều hành giao thông thông minh.
Với mục tiêu nhiệm vụ rõ ràng, sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn, cùng nền tảng vững chắc từ các dự án khu đô thị đang trên đà phát triển, Quảng Ninh sẽ khẳng định được vị thế tốp thành phố đáng sống, hiện đại, trở thành thành phố đô thị loại I trong thời gian không xa.
Hoài Anh