Để quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2021, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt, sáng tạo các hoạt động phát triển kinh tế. Trong đó, lấy công nghiệp - xây dựng là động lực tạo tăng trưởng thông qua việc tập trung hoàn thành giải ngân vốn xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ hạ tầng giao thông để gia tăng lợi thế quỹ đất, đón đầu xu thế đầu tư mới. Đồng hành cùng tỉnh, trên các công trường thi công, tiến độ đang được đẩy lên nhanh nhất.
Khắc phục khó khăn, tăng tốc bù tiến độ dự án
Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả được mong chờ là trục cảnh quan mới của tỉnh khi đóng vai trò kết nối 2 đô thị lớn là Hạ Long và Cẩm Phả, kết nối 2 di sản là Vịnh Hạ Long (Di sản thiên nhiên thế giới) và Vịnh Bãi Tử Long (Vườn di sản ASEAN). Đường được triển khai xây dựng từ cuối năm 2019, dài 18,7km nối từ đường bao biển Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long) đi qua các phường Hồng Hà, Hà Tu, Hà Phong, Quang Hanh và kết thúc tại Km6 (TP Cẩm Phả), dự kiến hoàn thành cuối năm 2021.
Hầm xuyên núi (đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả) đã chính thức thông kỹ thuật toàn bộ cả 2 nhánh, rút ngắn thời gian theo dự kiến gần một tháng.
Tuy nhiên, để đảm bảo kết nối đồng bộ tuyến đường bao biển với các tuyến đường hiện có, tháng 8/2020, UBND tỉnh có quyết định điều chỉnh, nâng quy mô nền đường từ 4 lên 6 làn xe. Đồng thời, điều chỉnh phương án thiết kế đường xuyên núi thành hầm xuyên núi với mục tiêu giảm thiểu tác động môi trường, giữ gìn cảnh quan bên bờ Vịnh, giữ vững môi trường của hệ thống núi đá vôi khu vực, hạn chế nguy cơ sạt lở đất đá mái ta luy 2 bên tuyến.
Do phải điều chỉnh, nên dự án chậm tiến độ hơn so với kế hoạch, đến cuối tháng 12/2020 sau khi các thủ tục pháp lý điều chỉnh hoàn thành, nhà thầu mới tiến hành thi công tiếp, thực hiện cạp, đắp nền đường mở rộng theo quy mô, thiết kế mới. Riêng hạng mục hầm xuyên núi, mãi tháng 3/2021 mới tiến hành đào, do phải mất 3 tháng để xử lý địa chất phức tạp.
Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả đã cơ bản hoàn thành các hạng mục nền đường.
Với nỗ lực đảm bảo hoàn thành đồng bộ tuyến, ngay sau khi những khó khăn được giải quyết, chủ đầu tư và các nhà thầu đã tiến hành bổ sung, nâng cấp thiết bị, thay đổi phương án thi công, tổ chức thi công đồng bộ cả 2 phía hầm, trong 3 ca liên tục… Vì thế, chỉ sau 4 tháng, ngày 23/7 vừa qua, hầm xuyên núi đã chính thức thông kỹ thuật toàn bộ cả 2 nhánh, rút ngắn thời gian theo dự kiến gần một tháng. Song song với đó, nền đường cũng đã cơ bản hoàn thành thi công các hạng mục chính.
Tương tự tại cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, để đảm bảo mục tiêu hoàn thành Chiến dịch 500 ngày đêm thông xe kỹ thuật toàn tuyến, các nhà thầu đang huy động nhân lực và phương tiện, thiết bị, máy móc nhiều hơn 1,5 lần so với dự thầu ban đầu. Tại công trường hiện đang có hơn 2.000 cán bộ, công nhân tổ chức thi công đồng loạt các hạng mục.
Tại cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, các nhà thầu đang huy động nhân lực và phương tiện, thiết bị, máy móc nhiều hơn 1,5 lần so với dự thầu ban đầu.
Trong đó đoạn Tiên Yên - Móng Cái dài 63km, đồng loạt 20 gói thầu đều thi đua tăng tốc, các gói thầu đường đã thi công đắp nền K95 đạt trên 90%, nền K98 và cấp phối đá dăm thi công được gần 4km; các gói thầu thi công cầu đều đang tập trung thi công hạng mục hạ bộ như cọc khoan nhồi, mố, trụ cầu. Còn tại đoạn Vân Đồn - Tiên Yên, các nhà thầu đã chia thành 14 mũi thi công liên tục, triển khai đồng loạt các hạng mục cùng một lúc, quyết tâm thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào cuối năm 2021.
Trên công trường cầu Cửa Lục 1 và 3, không khí thi công hiện cũng hết sức sôi động, gần 500 cán bộ, công nhân chia thành 4 kíp, tổ chức thi công liên tục trong 3 ca, với quyết tâm rút ngắn tiến độ trước 1 tháng. Cụ thể, tại cầu Cửa Lục 1 - cầu 6 làn xe đầu tiên ở Quảng Ninh, đến nay đã tiến hành hợp long nhịp chính dài 90m; hệ vòm ống thép nhồi bê tông đã gia công xong phần sắt; 2 nhịp 60m đều đạt 24/28 đốt, nhịp 40m đạt 10/20 đốt. Công trình đang phấn đấu về đích sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch vào tháng 11/2021. Còn tại cầu Cửa Lục 3, đến nay đã xong phần hạ bộ và cơ bản xong thân trụ chính giữa sông. Nhà thầu hiện đang tập trung thi công đà giáo để tổ chức đúc dầm mặt cầu.
Cầu Cửa Lục 1 đã tiến hành hợp long nhịp chính dài 90m
Theo kế hoạch, cả 2 cầu đều sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021, có vai trò đặc biệt quan trọng, đáp ứng nhu cầu kết nối nhanh, phục vụ nhân dân các phường, xã trung tâm của huyện Hoành Bồ trước đây với trung tâm TP Hạ Long, giải quyết được vấn đề điều kiện đi lại, môi trường tự nhiên vốn đã là thách thức từ nhiều năm nay của cả 2 khu vực. Đồng thời, là động lực để khai thác lợi thế về đất đai khu vực Vịnh Cửa Lục, để vịnh trở thành trung tâm kết nối, phù hợp định hướng phát triển đô thị theo hành lang ven biển Vịnh Hạ Long.
Cùng nhịp tăng tốc, tại các dự án giao thông trọng điểm khác, như nút giao Đầm Nhà Mạc, nút giao Hạ Long Xanh, đường ven sông qua KCN Sông Khoai… công tác tổ chức thi công cũng đang hết sức khẩn trương. Hầu hết các dự án đều đang vận dụng những giải pháp thi công tiên tiến để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư. Điều này sẽ góp phần quan trọng để ngành xây dựng tăng trưởng, đóng góp chung vào tăng trưởng của tỉnh trong năm 2021.
Hoàn thiện hạ tầng giao thông tạo sự đột phá
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, 3 đột phá chiến lược vẫn là trọng tâm của Quảng Ninh, trong đó ưu tiên tập trung tăng tốc, triển khai thêm các công trình giao thông trọng điểm, mở rộng không gian phát triển đô thị, thu hút thêm nguồn lực đầu tư, quyết tâm sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Công trường thi công cầu Cửa Lục 1.
Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GT-VT, cho biết: Tiếp tục tạo đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, trên cơ sở kế thừa và phát triển, Sở đã tham mưu cho tỉnh đầu tư thêm nhiều công trình giao thông kết nối, tăng tốc thi công các công trình đang triển khai. Bởi có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, thì nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững.
Trên cơ sở đó, bám sát các kế hoạch chiến lược, gắn với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở GT-VT đã rà soát, tham mưu với tỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống giao thông kết nối mang tính chất liên vùng, như: Đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả giai đoạn 2, giai đoạn 3 kết nối với Vân Đồn; cầu Cửa Lục 1, 2, 3 và các cầu kết nối với TP Hải Phòng, tỉnh Hải Dương...
Thi công dự án nút giao Đầm Nhà Mạc - nút giao dạng hoa thị hoàn chỉnh lớn nhất Quảng Ninh hiện nay có diện tích xây dựng 83,4ha.
Cùng với các cầu Cửa Lục 1 và 3 đang thi công tích cực, cầu Cửa Lục 2 đang được tỉnh khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư; khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh thêm tuyến đường vượt sông Trới, sông Diễn Vọng ngang qua Vịnh Cửa Lục, đáp ứng yêu cầu đi lại của nhân dân. Đồng thời, mở rộng không gian phát triển đô thị về phía Bắc TP Hạ Long, đánh thức tiềm năng về không gian quỹ đất rộng lớn, phá thế độc đạo của cầu Bãi Cháy và cầu Bang hiện nay, đảm bảo giao thông thông suốt kể cả khi mưa bão. Các cầu còn là nhịp gắn kết giữa sản phẩm du lịch biển Vịnh Hạ Long với du lịch núi rừng của Hoành Bồ.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đang khẩn trương phối hợp với TP Hải Phòng xúc tiến đầu tư cầu Bến Rừng. Đây là công trình quan trọng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông 2 địa phương và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, góp phần nâng cao năng lực phục vụ về giao thông, tạo hệ thống kết nối giao thông liên vùng, đáp ứng nhu cầu GTVT giữa các KCN, CCN, nhân dân 2 địa phương Hải Phòng và Quảng Ninh.
Không khí thi công trên các công trường giao thông trọng điểm đang rất tích cực, quyết tâm rút ngắn tiến độ đề ra để sớm đưa công trình vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư.
Dự án đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều đang được thi công, khi hoàn thành sẽ đóng vai trò huyết mạch, tạo động lực thúc đẩy phát triển khu vực phía Tây, tăng sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các địa phương Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều. Đồng thời, có vai trò kết nối các KCN lớn của khu vực, như Amata, cảng biển Đầm Nhà Mạc; tăng tính liên kết mạnh mẽ hơn của tam giác Quảng Ninh - Hà Nội - Hải Phòng, Đồng bằng sông Hồng, Vùng duyên hải Bắc Bộ...
Các dự án hạ tầng giao thông mới được lựa chọn, phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn sẽ tiếp tục là động lực đột phá đáp ứng kịp thời kế hoạch phát triển của tỉnh, tạo bứt phá mới, diện mạo mới cho hạ tầng giao thông Quảng Ninh theo hướng hiện đại - thuận lợi - hiệu quả - an toàn, đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế.
Đỗ Phương