Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khu kinh tế Vân Đồn (năm 2007), tỉnh Quảng Ninh đã tận dụng mọi tiềm năng, lợi thế để kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển Khu kinh tế Vân Đồn trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
|
Tổ hợp Sonasea Vân Đồn Harbor City của Tập đoàn CEO đang được triển khai xây dựng. |
Trong Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2018, Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; là trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực với trọng tâm phát triển ngành dịch vụ và các ngành sử dụng khoa học, công nghệ tiên tiến; du lịch cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại mang tầm quốc tế… Từ đó, Thủ tướng Chính phủ lựa chọn KKT Vân Đồn là một trong 8 nhóm KKT ven biển được tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Thực hiện chủ trương của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh không phụ thuộc, chờ đợi vào cơ chế, chính sách liên quan đến việc xây dựng Luật và thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mà chủ động đề xuất bố trí, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách phù hợp, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật để đầu tư đồng bộ, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tại KKT Vân Đồn.
Theo kết quả thống kê gần đây, từ năm 2007 đến năm 2018, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước dành cho KKT Vân Đồn gần 8.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương gần 1.600 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 6.400 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2018, tỉnh Quảng Ninh đã cân đối, bố trí 2.168 tỷ đồng để đầu tư hoàn thiện hạ tầng KKT Vân Đồn, bao gồm các dự án kết nối, GPMB đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Đến nay, một số công trình hạ tầng kỹ thuật từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Điển hình như tuyến đường trục chính nối từ Tỉnh lộ 334 đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; tuyến đường từ khu tái định cư xã Vạn Yên đến Khu công viên phức hợp phía Đông đảo Cái Bầu; tuyến đường xuyên đảo Quan Lạn - Minh Châu; khu tái định cư xã Hạ Long.
|
Dự án cải tạo, chỉnh trang Hồ Mắt Rồng đang được hoàn thiện, tạo điểm nhấn cho đô thị Vân Đồn. |
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý KKT Quảng Ninh, cho biết: Mục tiêu cao nhất của tỉnh là sẽ phấn đấu hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối KKT Vân Đồn để tạo động lực thu hút các nhà đầu tư đến triển khai các dự án hạ tầng phát triển dịch vụ, du lịch. Với nguồn vốn đã được ghi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, hiện các đơn vị liên quan của tỉnh đang tích cực chỉ đạo triển khai thi công, hoàn thiện tuyến đường trục chính giai đoạn 2 từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến Khu công viên phức hợp xã Vạn Yên; tuyến đường trục chính Trung tâm Khu đô thị Cái Rồng; chỉnh trang tuyến đường Tỉnh lộ 334.
Từ những định hướng của Trung ương, thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, tỉnh Quảng Ninh đã huy động thêm các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư tại KKT Vân Đồn. Trong đó, tỉnh đã báo cáo, đề xuất với Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ lựa chọn Tập đoàn Sun Group là nhà đầu tư chiến lược của tỉnh và Vân Đồn. Một số dự án mà Tập đoàn Sun Group đã và đang triển khai tại KKT Vân Đồn, như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp QL 18A đoạn Hạ Long - Mông Dương; Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn I.
Cùng với việc triển khai các dự án đầu tư của Tập đoàn Sun Group, đến nay trên địa bàn KKT Vân Đồn đã có nhiều nhà đầu tư đề xuất và triển khai thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn, đẳng cấp với tổng mức đầu tư được đề xuất lên đến 56.000 tỷ đồng (tương đương 2,4 tỷ USD).
Điển hình, như: Dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - Phân khu 1 do Tập đoàn CEO đầu tư, dự kiến đến hết năm 2019 sẽ đưa vào vận hành, khai thác khu shophouse và đến hết năm 2020 sẽ vận hành, khai thác khu khách sạn 5 sao 1.000 phòng; Dự án Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas do Công ty CP Viglacera Vân Hải (Tổng Công ty Viglacera) đầu tư; Dự án Con đường di sản Vân Đồn do Công ty CP Vân Đồn Heritage Road đề xuất đầu tư; Dự án quần thể sân golf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực Ao Tiên do Công ty CP Đầu tư xây dựng Hải Đăng đầu tư; Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng do Tập đoàn FLC đề xuất nghiên cứu đầu tư.
Ngoài ra, còn một số nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đang nghiên cứu quy hoạch khu vực phía Bắc đảo Cái Bầu; Tổ hợp công nghệ cao, thương mại tự do và khu đô thị thông minh Vân Đồn; Phân khu 2, 3 - Khu đô thị Cái Rồng; Khu công nghiệp Y - Dược công nghệ cao.
Với hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ cùng sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu đầu tư, trong thời gian ngắn nữa thôi, KKT Vân Đồn sẽ thực sự trở thành trung tâm kinh tế năng động, điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư cũng như người dân, du khách trong và ngoài nước.
Mạnh Trường