Nhằm tạo sức bật giúp các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vươn lên phát triển KT-XH, từng bước thu hẹp khoảng cách với miền xuôi, TP Hạ Long đã ưu tiên dành nguồn lực lớn để “tiếp sức” cho các địa phương này và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tạo đột phá từ hạ tầng giao thông đồng bộ
Tuyến đường từ Khe Phương ra trung tâm xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long) được hoàn thành đã góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương.
Sau khi sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, TP Hạ Long mới có diện tích 1.119,36 km2, quy mô dân số 300.267 người, với 33 đơn vị hành chính cấp xã cấp xã
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng BQL Dự án công trình TP Hạ Long cho biết: Sau khi sáp nhập, thành phố có diện tích rộng, đặc biệt khu vực miền núi bị chia cắt bởi nhiều đèo dốc, sông, suối, vì thế việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối giữa các vùng có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của địa phương. Xác định rõ như vậy, thành phố đã cân đối nguồn lực, đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông các khu vực miền núi kết nối với trung tâm thành phố và một số tỉnh lộ, quốc lộ qua địa bàn.
Trở lại thôn Khe Phương (xã Kỳ Thượng) dịp cuối tháng 6 này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của địa phương thuộc diện khó khăn nhất TP Hạ Long. Nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng, nhiều mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng; hệ thống đường giao thông liên thôn, liên xóm được củng cố, bê tông hóa. Đặc biệt, tuyến đường giao thông từ thôn đến trung tâm xã có chiều dài 4,1km vừa được hoàn thiện từ nguồn vốn Chương trình 135, đã tạo nhiều động lực phát triển cho Khe Phương. Người dân nơi đây ai nấy đều vui mừng vì con đường này đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế, góp phần giúp thôn có sự đổi thay vượt bậc về mọi mặt.
Đi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Việt Cường, chuyên viên BQL Dự án công trình TP Hạ Long, người được giao giám sát các công trình đầu tư trên địa bàn xã Kỳ Thượng và đã có hơn 3 năm gắn bó với mảnh đất này cho biết: Thôn Khe Phương có khoảng hơn 40 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán, cuộc sống rất khó khăn, thu nhập chính chủ yếu bằng nghề trồng rừng. Từ khi tuyến đường được hoàn thành, giao thông đi lại thuận lợi, đời sống của người dân trong thôn cũng ngày càng được cải thiện.
Công trình đường đấu nối QL279 với tỉnh lộ 342, đoạn quan thôn Đồng Quặng (xã Đồng Lâm, TP Hạ Long) đang được thi công.
Không chỉ tại Khe Phương, để đẩy mạnh phát triển KT-XH vùng khó khăn, hiện TP Hạ Long đang nghiên cứu triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn. Nổi bật, thành phố đang nghiên cứu triển khai giai đoạn 2, Dự án mở rộng tuyến đường giao thông liên xã từ thôn Khe Càn (Đồng Cầm), xã Đồng Sơn đi xã Kỳ Thượng (đoạn Km0+00 đến Km4+750, đấu vào tỉnh lộ 342 tại vị trí Km28+130). Tuyến đường này được đầu tư xây dựng mới theo tiêu chuẩn đường cấp VI miền núi, khi hoàn thành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nối các khu vực dân cư của 2 xã và các vùng phụ cận.
Thành phố cũng đang nghiên cứu chuẩn bị triển khai Dự án nâng cấp tỉnh lộ 342 đi qua trung tâm xã Thống Nhất với tổng chiều dài 15,3km, quy mô 4 làn xe; cải tạo nâng cấp QL279 đoạn nút giao cầu Bang (xã Thống Nhất); cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 326 kết nối với tỉnh lộ 342 đoạn từ ngã 3 Mó Đông (xã Sơn Dương) đến ngã 3 Tân Ốc, Khe Càn (xã Đồng Sơn).
Đặc biệt, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, thành phố đã xác định đầu tư 14 dự án công trình giao thông trọng điểm, động lực mới, với tổng mức đầu tư dự kiến 7.078 tỷ đồng; đầu tư 43 dự án tại địa bàn 5 xã Lê Lợi, Quảng La, Sơn Dương, Thống Nhất, Vũ Oai để đảm bảo các tiêu chí về phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, làm tiền đề đưa 5 xã lên phường, với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.449,7 tỷ đồng. Đầu tư 39 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 2.092 tỷ đồng, nhằm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật tại khu trung tâm của 10 xã. Đầu tư 225 dự án hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện quy hoạch các khu đô thị hình thành trước năm 2025 với tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm.
Chú trọng xây dựng các công trình phục vụ “trồng người”
Trường TH&THCS xã Kỳ Thượng đang được hoàn thiện để sẵn sàng phục vụ cho năm học tới.
Tìm đến các xã vùng cao, miền núi của TP Hạ Long hôm nay, chúng tôi cảm nhận rõ rét những thay đổi trong diện mạo nơi đây. Dễ nhận thấy nhất là nhiều công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, dân sinh như điện, đường, trường, trạm... đang được triển khai xây dựng và sắp đưa vào sử dụng.
Nổi bật, để nâng cao chất lượng giáo dục khu vực miền núi, từng bước bắt kịp miền xuôi, TP Hạ Long đã đầu tư kinh phí chỉnh trang, xây mới nhiều trường, lớp trên địa bàn các xã miền núi. Đến Trường Tiểu học và THCS xã Kỳ Thượng một ngày cuối tháng 6, chúng tôi có dịp được chứng kiến niềm hân hoan xen lẫn sự háo hức của thầy và trò nhà trường vì chuẩn bị được học trong ngôi trường mới kiên cố, khang trang, sạch đẹp.
Nằm giữa đại ngàn của xã vùng cao Kỳ Thượng, Trường Tiểu học và THCS xã Kỳ Thượng giờ đây rất khang trang, khác xa hình ảnh ngôi trường cũ kỹ mà chúng tôi từng đến cách đây vài năm. Ngôi trường mới gồm 2 tầng có tổng diện tích 645m2 với đầy đủ phòng học văn hóa, phòng chức năng, các công trình phụ trợ đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học.
Khởi công xây dựng mới từ cuối tháng 9/2019, với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng, đến nay ngôi trường này đã cơ bản hoàn thiện, dự kiến đưa vào sử dụng dịp đầu năm học tới. Thầy giáo Bùi Việt Cường, Hiệu trưởng nhà trường xúc động chia sẻ: Thầy trò nhà trường chúng tôi vui mừng, phấn khởi lắm, vì mơ ước về một ngôi trường khang trang, sạch đẹp bao năm, giờ đã thành hiện thực. Năm học 2020-2021 dự kiến trường có 17 lớp, với trên 120 học sinh. Với cơ sở vật chất đang được xây dựng mới, chúng tôi hoàn toàn có thể yên tâm dạy và học.
Công trình Trường THPT Hoành Bồ được khẩn trương thi công để kịp hoàn thành vào cuối tháng 8/2020.
Thầy và trò Trường THPT Hoành Bồ cũng đang vui mừng, háo hức vì sắp được chuyển về học tại trường mới khang trang, tiện nghi hơn. Để phát triển sự nghiệp “trồng người” ở vùng khó khăn, đầu năm 2020, TP Hạ Long đã quyết định tiến hành đầu tư cây dựng mới Trường THPT Hoành Bồ trên cơ sở cải tạo lại trụ sở Huyện ủy Hoành Bồ cũ và xây dựng mới thêm một dãy phòng học gồm 4 tầng (3 tầng học, 1 tầng chức năng) với tổng diện tích 5.806m2, tổng kinh phí đầu tư gần 66 tỷ đồng. Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 15/5/2020 và dự kiến hoàn thành vào ngày 30/8/2020 để kịp đưa vào sử dụng trong đầu năm học tới.
Cô giáo Đặc Thị Hiền, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: "Sau nhiều năm gắn bó với ngôi trường, năm học tới chúng tôi không còn phải chịu "gánh nặng" do trường, lớp quá tải". Theo tính toán của cô Hiền, sau 10 năm nữa số lớp học của trường sẽ tăng lên thành 40 lớp, nhưng với cơ sở vật chất mới, trường hoàn toàn có thể đáp ứng được.
Nhiều dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất
Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thời gian qua, TP Hạ Long cũng quan tâm triển khai các dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; đồng thời, thực hiện đầy đủ các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững để hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới.
Nổi bật trong năm 2020, thành phố đã hỗ trợ 12,177 tỷ đồng để các xã xây dựng 123 công trình hạ tầng nông thôn mới; 8,118 tỷ đồng hỗ trợ 33 phương án, dự án, mô hình phát triển sản xuất. Hiện nay các xã đang lập, trình phê duyệt dự toán các công trình hạ tầng và khái toán chi tiết dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất gửi về UBND thành phố để thẩm định. Trong kế hoạch đầu tư trung hạn, thành phố cũng dự kiến thực hiện 31 dự án với tổng mức đầu tư 184 tỷ đồng nhằm hoàn thiện các tiêu chí đưa 2 xã Đồng Lâm, Đồng Sơn đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022.
Ông Bùi Xuân Hưng, Trưởng Phòng Dân tộc TP Hạ Long, cho biết: Để đẩy mạnh phát triển KT-XH ở vùng khó, thành phố đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ vậy, đến nay toàn thành phố đã có 8/12 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Quảng La, Lê Lợi, Dân Chủ, Sơn Dương, Bằng Cả, Thống Nhất, Tân Dân, Vũ Oai). Theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020 (ban hành tại Quyết định số 1980/QD-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ), bình quân số tiêu chí đạt chuẩn trên 1 xã đạt 17,6/20 tiêu chí. Trong đó, 8 xã là Dân Chủ, Sơn Dương, Bằng Cả, Thống Nhất, Quảng La, Lê Lợi, Tân Dân, Vũ Oai đạt từ 16-20 tiêu chí; 4 xã Hòa Bình, Kỳ Thượng, Đồng Sơn, Đồng Lâm đạt từ 11-15 tiêu chí.
Theo ông Phạm Đức Thắng, Trưởng Phòng Tài chính TP Hạ Long, với nhiều công trình, dự án động lực quan trọng đã và đang được triển khai, góp phần tạo ra sức bật mới giúp các xã vùng khó khăn vươn lên phát triển KT-XH, đồng thời bước đầu đáp ứng được kỳ vọng của đồng bào các dân tộc vùng cao, miền núi của thành phố sau khi sáp nhập. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tập trung huy động, khai thác tốt các nguồn lực để đầu tư cho các vùng khó khăn, tạo nền tảng vững chắc để KT-XH của địa phương phát triển nhanh, bền vững. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến sẽ dành 18.000 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện đầu tư 704 công trình, dự án.
Nguyễn Chiến