Đã hơn 2 tháng kể từ ngày Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, việc cho Việt kiều và người nước ngoài được mua, sở hữu nhà ở Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn vì chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể.
Người nước ngoài, Việt kiều mua nhà vẫn lúng túng vì chưa có hướng dẫn luật cụ thể. Ảnh: Minh họa.
Tại hội thảo Mở nút thắt cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam tổ chức sáng 14/9, tại TP.HCM, đại diện các doanh nghiệp, Việt kiều cho biết Luật ở 2014 đã tạo ra nhiều tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp, Việt kiều, người nước ngoài vẫn đang phải chờ các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể của Bộ Xây dựng.
Ông Ngô Ngọc Long, Việt kiều Nhật cho biết, ông rất vui mừng khi Luật Nhà ở 2014 được ban hành, đa phần Việt kiều đều mong muốn được trở về và được sở hữu căn nhà tại quê hương do đó họ rất quan tâm tới luật nhà ở lần này.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này Luật đã không được phát huy tối đa hiệu quả của nó vì sự chậm trễ trong việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện.
Theo ông Long, việc Luật đưa ra những quy định, ràng buộc đối với người nước ngoài là cần thiết, nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, với Việt kiều thì không nên mà cần phải mở rộng tối đa nhằm tạo điều kiện cho Việt kiều được dễ dàng có nhà ở Việt Nam. Cần có hướng dẫn về các thủ tục chuyển tiền, vay mua nhà…
Mặt khác, ông Long kiến nghị, cần có những phân tích về Việt kiều để biết được mức sống, thu nhập của Kiều bào để đầu tư vào từng phân khúc cụ thể chứ không phải Việt kiều nào cũng có được thu nhập cao và có thể mua được những căn hộ cao cấp.
Ông Robert Trần, Việt kiều đang quản lý một doanh nghiệp về bất động sản tại Canada cho biết, Việt kiều, người nước ngoài rất quan tâm đến bất động sản ở Việt Nam. Họ có hai nhu cầu đó là mua sỉ và mua nhà nhỏ lẻ. Tuy nhiên, nhu cầu thì nhiều nhưng chúng tôi không thể tư vấn được vì quá khó khăn, lúng túng về luật hướng dẫn.
Thứ nữa, là các sản phẩm bất động sản của Việt Nam vẫn chưa tạo được sự hấp dẫn cho người nước ngoài vì cách tiếp cận, quảng bá, kinh doanh chưa phù hợp. Chất lượng sản phẩm cũng còn đáng lo ngại, các dịch vụ đi kèm còn yếu.
Theo ông Đặng Chính Thắng, Phó TGĐ Đất Xanh Miền Nam, Luật Nhà ở 2014 đã có tác động tích cực đến thị trường bất động sản, là cú hích lớn để thu hút nguồn lớn ngoại hối, các dòng quỹ ngoại đổ vào Việt Nam. Trong số lượng khách hàng quan tâm dự án của Đất Xanh thì có 10 – 15% là Việt kiều, người nước ngoài. Tuy nhiên, hiện tại họ chỉ mới chỉ là sự thăm dò, tìm hiểu dự án, đặt cọc chứ chưa thể mua bán vì vướng mắc về luật.
Theo ông Thắng, khó khăn của Luật 2014 đó là việc hạn chế số lượng, tỷ lệ bất động sản đối với người nước ngoài là không phù hợp, đặc biệt với những khu vực có đông người nước ngoài sinh sống. Về thời hạn, quyền sở hữu nhà cũng bị hạn chế, mặt khác các thủ tục pháp lý còn rườm rà, gây nhiều khó khăn cho người mua.
Ông Thắng kiến nghị, nên gia tăng tỷ lệ sở hữu nhà ở riêng lẻ, tỷ lệ sở hữu nhà chung cư tăng lên 40 – 50%. Mở rộng thêm quyền cho người nước ngoài, cho phép liên kết hợp tác với chủ đầu tư là người Việt Nam. Cần sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể.
Theo tiến sĩ Lê Trí Hiếu, hiện trên thế giới có khoảng 4,5 triệu Kiều bào, trong đó có từ 500 ngàn đến 1 triệu người có nhu cầu được trở về sinh sống, làm việc và đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều khó khăn khiến cho Việt kiều và người nước ngoài trong việc mua và sở hữu nhà tại Việt Nam do thiếu thông tư, hướng dẫn cụ thể.
Một khó khăn khác là về việc sở hữu bất động sản. Tại các nước trên thế giới, khi mua nhà thì sẽ được sở hữu đất và các tài sản trên miếng đất đó. Sau đó, sẽ có một tổ chức bảo hiểm đứng ra đảm bảo tài sản này để họ có thể dễ dàng khi đi vay tiền tại các ngân hàng. Tuy nhiên, theo hiến pháp Việt Nam thì chỉ được sở hữu nhà và các tài sản khác trên đất chứ không được sở hữu miếng đất. Do đó, đây sẽ là một khó khăn cần các cơ quan chức năng lưu ý.
Về việc luật quy định dự án phải được bảo lãnh ngân hàng theo tiến sĩ Hiếu đây sẽ là điểm tích cực để thu hút người nước ngoài, Kiều bào an tâm hơn khi mua nhà, đầu tư tại Việt Nam.
(Theo Cafeland)