Với nguồn lực đầu tư từ nhà nước, sự chủ động của các địa phương cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong Chương trình xây dựng NTM, hàng nghìn công trình hạ tầng nông thôn ở Quảng Ninh đã được đầu tư, hoàn thiện và đưa vào sử dụng, qua đó nâng cao đời sống của người dân, làm thay đổi diện mạo, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.
Đầu tư hạ tầng cho nông thôn
Diện mạo mới của vùng nông thôn Quảng Ninh hôm nay.
Tới các vùng quê từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng bởi sự thay đổi của nơi đây. Những con đường bê tông rộng rãi, rực rỡ sắc hoa, nối dài các xóm làng. Những ngôi nhà cao tầng khang trang đua nhau mọc san sát. Miền quê đáng sống đang dần hiện ra ở mỗi nơi.
Xã Thống Nhất (TP Hạ Long), trong những năm gần đây, từ nguồn vốn của Chương trình xây dựng NTM và các nguồn huy động, lồng ghép, đã đầu tư kiên cố hóa được hơn 2,3km đường liên thôn; gần 10km đường, kênh mương nội đồng; 10 nhà văn hóa thôn... Trong đó, nhà văn hóa thôn Đá Trắng là một trong những công trình có ý nghĩa đối với người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Tý, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đá Trắng, chia sẻ: Nhà văn hóa được coi là bộ mặt của mỗi thôn, vì thế người dân trong thôn luôn mong ước có nhà văn hóa khang trang. Từ nguồn vốn Chương trình xây dựng NTM, năm 2017 nhà văn hóa thôn đã được xây dựng khang trang với diện tích gần 1.000m2, đầy đủ trang thiết bị, khuôn viên rộng rãi. Nhờ đó, nhiều năm nay, nhà văn hóa đã trở thành địa điểm sinh hoạt, vui chơi, thể thao thường xuyên của người dân trong thôn.
Hiện xã Thống Nhất đang tiếp tục đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông, điện, đường, trường, trạm, thiết chế văn hóa, để đáp ứng tiêu chí đô thị cấp phường theo mục tiêu đề ra của Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025.
Công nhân Nhà máy nước Miếu Hương (Xí nghiệp nước Đông Triều) vệ sinh bể lọc để bảo đảm chất lượng nước.
Nhằm hoàn thiện hạ tầng, đáp ứng nhu cầu của đời sống nhân dân, hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM, trong 3 năm gần đây, Quảng Ninh đã đầu tư khoảng 800 tỷ đồng để triển khai lắp đặt thêm 7 khu xử lý nước sạch tại các xã Dương Huy, Cộng Hòa (TP Cẩm Phả), phường Mạo Khê (TX Đông Triều), phường Việt Hưng (TP Hạ Long), xã Hải Xuân (TP Móng Cái), xã Đông Xá và thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) với công suất 2.500-3.000m3/ngày đêm/khu xử lý. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo đều được miễn phí chi phí lắp đặt thiết bị sử dụng nước sạch.
Tiến tới nông thôn văn minh
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, xây dựng nông thôn văn minh, Quảng Ninh dự kiến tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, hạ tầng văn hóa cho vùng phát triển chậm, kết nối với các trung tâm kinh tế, đô thị; khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư vào các vùng nghèo, xã nghèo, khó khăn. Đồng thời, ưu tiên bố trí hợp lý nguồn lực đầu tư hạ tầng, phát triển KT-XH khu vực các xã vùng cao huyện Ba Chẽ, cùng với dự án của nhà đầu tư chiến lược tại khu vực Đồng Sơn, Kỳ Thượng (TP Hạ Long), đảm bảo tính kết nối liên thông tổng thể. Tỉnh cũng xây dựng đề án tổng thể về phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, gắn với chuyển đổi kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng chủ động bố trí nguồn lực đầu tư hạ tầng nông thôn, đáp ứng nhu cầu của người dân, hoàn thành xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Điển hình như Tiên Yên, năm 2021 huyện đang tập trung hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí còn nợ của huyện đạt chuẩn NTM. Trong đó, huyện đang đẩy nhanh đầu tư đúng tiến độ đối với Khu liên hiệp xử lý chất thải tại thôn Tài Noong, xã Đông Hải, để tiếp nhận và xử lý an toàn đối với toàn bộ lượng chất thải phát sinh trên địa bàn. Huyện cũng xây mới, cải tạo, nâng cấp hạ tầng điện, nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho nhân dân trên địa bàn, đảm bảo tỷ lệ hộ gia đình sử dụng điện thường xuyên đạt 100%, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch đạt 71% trở lên. Đồng thời, xây dựng cơ sở hạ tầng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đối với huyện miền núi Ba Chẽ, năm 2021, địa phương phấn đấu đưa 100% xã đạt chuẩn xã NTM. Do đó, ngay từ những tháng đầu năm, huyện đã tranh thủ các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, cho biết: Đầu năm 2021, huyện đã đưa vào sử dụng chợ Ba Chẽ đáp ứng nhu cầu kinh doanh của tiểu thương, hạn chế thiệt hại do mưa lũ, hoàn thiện tiêu chí trong xây dựng NTM. Để hoàn thành chương trình xây dựng NTM, năm nay, huyện tập trung mọi nguồn lực triển khai dự án cấp nước sinh hoạt và sản xuất tập trung cho 4 xã vùng cao gồm Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh và Thanh Lâm; nâng cấp một số ngầm tràn trên tỉnh lộ 330 thuộc địa phận xã Thanh Sơn; đường Ba Chẽ - Hạ Long đi qua xã Đồn Đạc. Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để cải tạo tuyến đường ngõ, xóm, nhà ở cho đối tượng chính sách, cải tạo cơ sở vật chất trường học...
Từ nhiều nguồn lực, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, kinh tế địa phương ngày càng phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, đó chính là mục tiêu mà Chương trình xây dựng NTM của Quảng Ninh đã và đang hướng đến.
Cao Quỳnh