Hotline: 098.256.8899
Chat Facebook
Chat Zalo
Gọi ngay
098.256.8899  -  091.689.7273
Tìm kiếm nhà đất
Nhà phố Harbor Bay Hạ Long

Xây nhà sai phép: Dân chưa được cấp giấy chủ quyền vì chưa có hướng dẫn

Cập nhật: 03/04/2015 -
Lượt xem:1473

Các địa phương cho biết, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc xác định số tiền nộp cho phần vi phạm chưa được tháo gỡ khi xây nhà sai phép.

Chưa được cấp giấy chủ quyền khi xây nhà sai phép vì “chờ chủ trương chung”

Bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyền được cấp phép vào năm 2009 để xây dựng căn nhà ở số 501/2D Kha Vạn Cân (phường Linh Đông, quận Thủ Đức, Tp.HCM). Trong quá trình thi công, gia đình bà có xây thêm một phần bán kiên cố. Đến năm 2013, bà nộp hồ sơ xin hợp thức hóa đối với căn nhà trên.

Trong hồ sơ của mình, bà Tuyền viết cam kết không yêu cầu cấp giấy chủ quyền cho phần xây sai phép, đồng thời sẽ tự nguyện tháo dỡ mà không đòi bồi thường khi Nhà nước thực hiện quy hoạch. Tuy nhiên, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Thủ Đức vẫn trả lại hồ sơ của bà với lý do chưa có chủ trương xử lý vi phạm xây dựng với công trình xây dựng sai phép sau ngày 1/5/2009 (ngày Nghị định 23/2009/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực).

Công trình 501/2C ở sát nhà bà Tuyền cũng xây dựng sai phép vào tháng 8/2009 nên hiện nay cũng đang phải chờ hướng dẫn xử lý vi phạm trước khi xét cấp giấy chứng nhận.

Được hiện, trên địa bàn quận Thủ Đức hiện có hàng chục trường hợp như trên và vẫn bị ách tắc từ đó đến nay. Cán bộ quận có giải thích cho người dân rằng, theo hướng dẫn của liên Sở Xây dựng - Tài nguyên & Môi trường năm 2010, trường hợp xây dựng sai phép từ ngày 1/7/2006 (ngày Luật Nhà ở có hiệu lực) đến ngày 1/5/2009 mà chưa xử lý dứt điểm thì được áp dụng thực hiện theo Điều 15 Thông tư 24/2009 của Bộ Xây dựng. Theo đó, công trình nằm trong quy hoạch dân cư ổn định mà xây dựng sai phép về số tầng, diện tích nhưng không gây ảnh hưởng đến công trình lân cận thì cho phép chủ đầu tư được giữ nguyên, không phải tháo dỡ. Cơ quan cấp giấy chủ quyền chỉ cấp cho phần phù hợp quy hoạch và theo giấy phép xây dựng. Trên giấy chứng nhận sẽ ghi chú về việc khi thực hiện quy hoạch, chủ đầu tư phải tháo dỡ phần công trình sai phép mà không được bồi thường. “Trường hợp xây dựng sai phép tăng diện tích sau ngày 1/5/2009 không thuộc đối tượng của quy định này. Do vậy, chưa có cơ sở cấp giấy chứng nhận mà phải tạm thời chờ chủ trương chung”, quận Thủ Đức thông báo.

 
Những gia đình xây nhà sai phép vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận vì vẫn phải chờ chủ trương hướng dẫn

Trường hợp oái oăm hơn có thể kể tới là căn nhà thuộc dự án khu dân cư Bình Hòa (phường 13, quận Bình Thạnh) của gia đình bà Nguyễn Thị Lành hoàn thành năm 2012. Theo quy hoạch dự án, nhà bà Lành có khoảng lùi trước là 1,5m và ban công liền do nhà giáp hai đường. Thấy thiết kế như vậy chưa đẹp, bà cho thợ thi công xây lùi thành 1,7 m để tạo khoảng sân rộng hơn và chia thành hai ban công thay vì dính liền. Như vậy, so với thiết kế được phê duyệt, tổng diện tích xây dựng căn nhà đã bị nhỏ hơn. Thế nhưng, công trình nhà bà Lành cũng không được hoàn công, cấp giấy chủ quyền vì xây dựng sai phép. “Xây tăng diện tích thì không nói làm gì, tôi xây ít hơn cũng không được, giờ không biết xử lý ra sao”, bà rầu rĩ.

Đã có hướng dẫn về phạt xây nhà sai phép nhưng chưa thể áp dụng

Không chỉ riêng quận Thủ Đức, gần như toàn Tp.HCM đều chưa giải quyết cho những trường hợp xây nhà sai phép sau năm 2009 với lý do chưa có hướng dẫn cụ thể. Dù thực tế Bộ Xây dựng đã ban hành Nghị định 121/2013 và Thông tư 02/2014 quy định về vấn đề này nhưng nhiều nơi vẫn cho rằng chưa thể thực hiện được.

Theo quy định tại Khoản 9 Điều 13 Nghị định 121, những công trình vi phạm xây dựng nhưng không vi phạm chỉ giới xây dựng, không làm ảnh hưởng công trình lân cận, không có tranh chấp và xây dựng trên phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì không phải tháo dỡ phân vi phạm nữa mà chỉ nộp số lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm xây dựng mà có. Số tiền phải nộp là 40% giá trị phần diện tích sai phép với nhà ở riêng lẻ và 50% với dự án đầu tư.

Thông tư 02/2014 có bổ sung thêm điều kiện công trình vi phạm được nộp tiền phạt thay cho tháo dỡ là công trình phải “trong quy hoạch đất này được phép xây dựng”.

Thông tư 02/2014 cũng hướng dẫn cách tính số tiền phải nộp cho phần “lợi bất hợp pháp” do xây dựng sai phép. Nhưng trong quá trình áp dụng, các địa phương cho biết có rất nhiều thắc mắc trong việc xác định số tiền nộp cho phần vi phạm chưa được tháo gỡ. Đơn cử như nộp ở đâu, cơ quan nào thu, giá trị nhà dựa theo giá thị trường hay suất vốn đầu tư, nếu tính luôn giá trị đất để tính tiền phạt thì có hợp lý không hay quá cao,... Có rất nhiều câu hỏi chưa được làm rõ nên Sở Xây dựng đề nghị các quận, huyện chưa thực hiện để chờ Bộ hướng dẫn.

Được biết hiện Bộ Xây dựng đang soạn thảo nghị định mới quy định rõ về trường hợp xây dựng sai phép. Theo dự thảo nghị định này, giá trị công trình được xác định căn cứ vào suất đầu tư hằng năm do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm ban hành quyết định xử phạt. Ngoài các điều kiện được quy định tại Nghị định 121 và Thông tư 02, dự thảo còn bổ sung thêm một số yêu cầu: Công trình được xây dựng trên đất phù hợp chức năng sử dụng đất theo quy hoạch xây dựng được duyệt; chiều cao công trình không được vượt quá chiều cao tối đa theo quy hoạch được duyệt. Sau khi nộp phạt hành chính và nộp tiền cho phần vi phạm, công trình sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa rõ khi nào thì nghị định này sẽ được ban hành, do vậy, các địa phương vẫn tiếp tục dừng cấp giấy chứng nhận cho người dân.

Giải quyết cấp giấy chứng nhận cho nhà xây sai phép cũng lo bị "thổi còi"

Được biết tại Tp.HCM đã có hai quận từng thực hiện cấp giấy chứng nhận cho công trình sai phép xây dựng trước ngày Nghị định 121 có hiệu lực (ngày 10/10/2013) sau khi chủ đầu tư nộp tiền cho phần xây dựng sai phép. Đại diện một trong hai quận cho biết: “Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương triển khai thực hiện Nghị định 121 và Thông tư 02 nên chúng tôi có căn cứ để giải quyết cho người dân”.

Vị này cho biết, sau khi tính ra số tiền phải nộp, quận có mời người dân đến thông báo, nếu họ đồng ý họ thì sẽ nộp tiền và quận giải quyết cấp giấy chứng nhận. Quận còn lại thì chưa tính số tiền phạt cụ thể mà chỉ yêu cầu người dân cam kết sẽ nộp tiền khi có hướng dẫn của trung ương hoặc TP. Tuy nhiên, các địa phương này đều đề nghị không nêu tên bởi lo ngại bị “thổi còi”.

"Chúng tôi hiểu là người dân đang sốt ruột nhưng chưa có hướng dẫn nên chưa thể thực hiện được. Quận sẽ sớm có văn bản xin ý kiến TP và các sở, ngành liên quan về vấn đề này", ông Lê Xuân Tùng, Phó phòng Tài nguyên & Môi trường quận Thủ Đức cho biết.

(Theo Pháp luật Tp.HCM Online)

Cập nhật: 03/04/2015 -
Lượt xem:1473
Các tin khác
2,2 tỷ USD từ Châu Âu đổ vào bất động sản Việt Nam

2,2 tỷ USD từ Châu Âu đổ vào bất động sản Việt Nam

Ngày đăng: 31/03/2015 - Lượt xem: 1530

“Cẩn thận bong bóng bất động sản tái xuất”

Ngày đăng: 25/03/2015 - Lượt xem: 1557