Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo có 67/177 xã, phường, thị trấn; đồng bào DTTS chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, cư trú ở trên 85% diện tích của tỉnh, có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh, biên giới quốc gia. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm bố trí nguồn lực lớn để tập trung thúc đẩy phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đặc biệt là có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống của đồng bào DTTS.
Đổi thay ở các huyện miền núi
Bình Liêu là huyện miền núi biên giới có tỷ lệ đồng bào DTTS cao nhất tỉnh (gần 96%), một trong những địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao nhất nước. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và tỉnh, huyện luôn quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào DTTS. Trong đó, tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho đồng bào.
Trong 5 năm qua, huyện đã đầu tư trên 200 công trình cơ sở hạ tầng cho 7 xã đặc biệt khó khăn, biên giới, tổng kinh phí trên 350 tỷ đồng, đồng thời hỗ trợ 92 dự án phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho đồng bào DTTS ở các xã, thôn, bản khó khăn. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135, Đề án 196, Chương trình xây dựng NTM và các chương trình khác, hàng nghìn lượt hộ dân đồng bào DTTS đã có thêm vốn, tư liệu sản xuất, được trang bị kiến thức để phát triển kinh tế. Huyện đã vận động người dân tập trung đất đai, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thế mạnh của địa phương; huyện hỗ trợ về nguồn vốn, con giống, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhờ đó nông dân vùng đồng bào DTTS của huyện có cơ hội tiếp cận với những mô hình kinh tế mới, cho năng suất, giá trị kinh tế cao. Trong đó, nhiều mô hình tổ chức sản xuất đã phát triển, khẳng định hiệu quả như: Mô hình sản xuất sản phẩm miến dong; mô hình chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi từ ngắn ngày sang lâu năm… Qua đó, tạo nguồn thu nhập ổn định, nâng cao mức sống cho người dân trên địa bàn. Đến hết năm 2021, huyện Bình Liêu chỉ còn 127 hộ nghèo (chiếm 1,31%), 312 hộ cận nghèo (chiếm 2,63%).
Tương tự như Bình Liêu, Ba Chẽ - huyện miền núi có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 81%, cũng đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước, trường, trạm và các công trình công cộng... phục vụ sản xuất, đời sống người dân. Đến nay, 100% xã có đường ô tô được cứng hoá đến trung tâm xã; đường giao thông đến các thôn cơ bản đã được cứng hóa theo tiêu chí NTM; 7/7 xã có trạm y tế đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Nhiều công trình đi vào hoạt động đã mang lại hiệu quả rõ rệt như Chợ mới trung tâm huyện; tuyến đường Ba Chẽ - Hạ Long; công trình cấp nước sinh hoạt, sản xuất tập trung cho 4 xã vùng cao (Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh và Thanh Lâm).
Song song với đó, huyện Ba Chẽ đã triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên cơ sở lồng ghép Chương trình xây dựng NTM, Chương trình 135, Đề án 196. Trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương đã đầu tư hỗ trợ các hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn vay để phát triển sản xuất là hơn 20 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều hộ trên địa bàn có cơ hội vươn lên thoát nghèo, đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 0,45%, cận nghèo còn 0,88%.
Đồng chí Vũ Thành Long, Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ, cho biết: Là huyện miền núi có trên 80% là đồng bào DTTS, công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc luôn được Ba Chẽ xác định là nhiệm vụ ưu tiên, thường xuyên được quan tâm triển khai thực hiện. Huyện đã tập trung chỉ đạo lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các cơ chế, chính sách của tỉnh đối với vùng dân tộc và miền núi, đồng thời khuyến khích người dân tại cộng đồng dân cư phát huy nội lực để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhờ đó, diện mạo vùng DTTS ngày càng khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng DTTS từng bước được cải thiện, nâng cao. Đến đầu năm 2022, 7/7 xã của huyện đạt chuẩn NTM; trong đó có 2 xã Lương Mông, Minh Cầm đạt chuẩn NTM nâng cao. Huyện đang đặt mục tiêu trở thành huyện NTM trong năm 2022.
Trợ lực cho người dân vùng DTTS
Thực tế những năm qua cho thấy, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện đầu tư toàn diện vùng DTTS. Đặc biệt, nhằm trợ lực và phát triển vùng đồng bào DTTS, ngày 17/5/2021, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Nghị quyết đặt ra mục tiêu thực hiện tăng trưởng bao trùm, hướng tới sự phát triển bền vững, không để ai bỏ lại phía sau. Trong đó, đẩy mạnh phát triển KT-XH nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng, miền; cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.
Để thực hiện mục tiêu này, Quảng Ninh tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển mạnh kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; chú trọng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân, gắn sản xuất với chế biến, kết nối với thị trường, tạo chuỗi sản phẩm, gia tăng giá trị ở khu vực này. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Đề án giao đất, giao rừng trên địa bàn các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả chính sách tích tụ ruộng đất để quy hoạch, phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Xây dựng và phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh tạo thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm hàng hóa có khối lượng lớn, có giá trị kinh tế cao.
UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai xây dựng và thực hiện Đề án vùng trồng cây ăn quả tập trung trên địa bàn huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; chuyển đổi mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung trên địa bàn tỉnh. Sở NN&PTNT đã ban hành kế hoạch xây dựng mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo hướng VietGAP tại khu vực miền Đông của tỉnh...
Đặc biệt, trong năm 2021, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ 200 tỷ đồng dự nguồn kinh phí thực hiện Chương trình tổng thể năm 2021 đến 6 công trình hạ tầng thiết yếu đủ điều kiện thực hiện và giải ngân ngay trong năm 2021 và ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh để cho vay tạo việc làm tại các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 3/6 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, 3 dự án còn lại đang tiếp tục được triển khai thực hiện; vốn đã giải ngân được 145,259/160 tỷ đồng (đạt 90,79%); vốn vay ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân được 39,9/40 tỷ đồng (đạt 99,8%) cho 586 hộ vay.
Đầu năm 2022, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh rà soát, phân bổ 950 tỷ đồng, trong đó 500 tỷ đồng phân bổ thực hiện chương trình xây dựng NTM, 450 tỷ đồng phân bổ thực hiện chương trình tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS. UBND tỉnh cũng hoàn thiện Đề án “Tổng thể phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân tại các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, giai đoạn 2021-2025” với tổng kinh phí khoảng 3.100 tỷ đồng. Đồng thời, tập trung nguồn vốn các ngân hàng cho vay tại các xã thuộc phạm vi Nghị quyết số 06-NQ/TU tại địa bàn 65 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo với tổng doanh số cho vay là 105,3 tỷ đồng, cho 1.817 lượt khách hàng vay; đến 31/3/2022 tổng dư nợ đạt 1.439,8 tỷ đồng, với 35.915 khách hàng vay còn dư nợ, bình quân dư nợ 22,1 tỷ đồng/xã, cao hơn bình quân chung của tỉnh là 2,1 tỷ đồng/xã. Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn xây dựng, thẩm định, trình phê duyệt triển khai thực hiện 8 dự án từ Quỹ hỗ trợ nông dân (8,1 tỷ đồng), đồng thời phát huy hiệu quả của 205 dự án nhóm hộ vay vốn (hơn 54 tỷ đồng) từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Từ nguồn vốn này, các vùng DTTS đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tham gia liên kết theo chuỗi... Điển hình là huyện Bình Liêu thực hiện phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển KT-XH. Ban Dân tộc tỉnh hiện đang hoàn thiện Đề án xây dựng 4 Làng DTTS, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, góp phần phát huy tối đa tiềm năng lợi thế du lịch của các địa phương vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới của tỉnh.
Tỉnh cũng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, đến nay toàn tỉnh có 499 sản phẩm, trong đó có 267 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên (193 sản phẩm 3 sao, 98 sản phẩm 4 sao, 3 sản phẩm 5 sao cấp tỉnh, 3 sản phẩm 5 sao cấp trung ương) của 189 cơ sở sản xuất kinh doanh. Trong đó vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo có 116 sản phẩm tham gia chu trình của 60 cơ sở, với 39 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao.
Với những giải pháp hiệu quả hỗ trợ sinh kế cho đồng bào DTTS, nhiều gia đình đã có cơ hội vươn lên, thoát nghèo, làm giàu. Cuối năm 2021, toàn tỉnh còn 1.526 hộ nghèo, chiếm 0,41% tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó số hộ nghèo DTTS là 963 hộ, chiếm 63,1% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh, chiếm 2,7% tổng số hộ đồng bào DTTS, thấp hơn nhiều so với dự kiến hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ đầu giai đoạn 2021-2025. Từ đó diện mạo nông thôn, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo có nhiều đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao; nếp sống văn hóa mới được duy trì, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được giữ vững; niềm tin của đồng bào với Đảng, chính quyền được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng gắn với thế trận lòng dân vững chắc được tăng cường, chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững.