“Nâng bước em đến trường” là tên gọi một chương trình rất ý nghĩa mà lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Ninh đã và đang tích cực triển khai nhằm “tiếp sức” cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được đến trường. Chương trình cũng chính là sự tri ân, thể hiện tình cảm tự nhiên gắn bó giữa những người lính mang quân hàm xanh với đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên phòng, góp phần xây dựng biên giới vững chắc, bình yên.
|
CBCS Hải đội 2 - BĐBP tỉnh thăm và trao tiền hỗ trợ hàng tháng “Nâng bước em đến trường” cho em Ngô Quang Hiếu, Lớp 10A6, Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long). |
Theo chân cán bộ biên phòng Hải đội 2 - BĐBP tỉnh, chúng tôi đến thăm gia đình em Ngô Quang Hiếu, học sinh lớp 10A6, Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long). Đây là một trong những trường hợp học sinh nghèo được đơn vị nhận đỡ đầu từ năm 2013 đến nay. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết phần nào về hoàn cảnh gia đình em Hiếu. Bố em bị khuyết tật, mẹ cũng thường xuyên đau ốm. Sau nhiều năm ròng chạy chữa bệnh cho bố đã khiến kinh tế gia đình Hiếu gần như khánh kiệt. Mặc dù vậy, hai anh em Hiếu đều nỗ lực học giỏi, ngoan ngoãn. Riêng Hiếu nhiều năm liền là học sinh giỏi của trường, hiện tại em đang thuộc đội tuyển học sinh giỏi toán năm học 2015-2016 của trường. Năm 2015, em cũng là một trong những đại biểu trẻ tham dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Quảng Ninh.
Anh Ngô Quang Đức, bố em Hiếu xúc động: Sức khoẻ của hai vợ chồng tôi đều không tốt lắm, thu nhập không đáng là bao. Trong khi đó phải lo tiền thuê trọ, tiền học hành cho các con nên cuộc sống khá chật vật. Từ năm 2013 đến nay, gia đình đã được Hải đội 2 - BĐBP tỉnh quan tâm hỗ trợ, đỡ đầu cháu Hiếu mỗi tháng 500.000 đồng cho đến năm cháu 18 tuổi. Ngoài tiền hỗ trợ trực tiếp hằng tháng, đơn vị cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình và Hiếu trong việc học tập, coi Hiếu như con của cán bộ chiến sĩ đơn vị vậy. Đây là nguồn động viên rất lớn đối với vợ chồng tôi để chúng tôi thêm quyết tâm vượt qua khó khăn, chăm lo cho các con được học hành đến nơi đến chốn.
Việc nhận đỡ đầu, giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn như trường hợp em Ngô Quang Hiếu đã được lực lượng BĐBP tỉnh triển khai từ nhiều năm nay. Đây là việc làm thể hiện tình cảm tự nhiên gắn bó giữa lực lượng BĐBP với nhân dân trên địa bàn. Thậm chí nhiều em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được các đơn vị BĐBP nhận về đơn vị nuôi, dạy chữ và coi như con. Tuy nhiên phải đến vài năm gần đây, việc làm giàu tính nhân văn này mới chính thức có một tên gọi “Nâng bước em đến trường” và được phát động thành một phong trào trong toàn lực lượng BĐBP.
Thượng tá Lê Xuân Men, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cho biết: Cuối tháng 3-2016, Bộ Chỉ huy BĐBP tổ chức phát động toàn thể cán bộ chiến sĩ trong lực lượng BĐBP tỉnh tham gia Chương trình “Nâng bước em tới trường” nhằm đỡ đầu các cháu học sinh mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn ở địa bàn biên phòng để các cháu được tới trường học tập. Với mỗi học sinh, thời gian nhận đỡ đầu tính từ thời điểm đơn vị nhận đỡ đầu đến khi học xong lớp 12, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/tháng. Chương trình sẽ được tiếp tục triển khai sâu rộng trên toàn tỉnh và giao chỉ tiêu cụ thể cho mỗi phòng, ban, đồn, trạm. Theo đó, mỗi phòng, đơn vị trong BĐBP tỉnh nhận đỡ đầu ít nhất 2 cháu. Riêng các đồn biên phòng Hải Hoà, Móng Cái, Bắc Sơn, Quảng Đức, Hoành Mô, mỗi đơn vị nhận đỡ đầu ít nhất 3 cháu; các phòng Kỹ thuật, Trinh sát và Văn phòng, mỗi cơ quan nhận đỡ đầu ít nhất 1 cháu. Còn lại các đơn vị đã nhận đỡ đầu từ trước, nay sẽ điều chỉnh số lượng theo quy định chung của tỉnh. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng khuyến khích việc nhận các cháu không nơi nương tựa, mồ côi cả cha lẫn mẹ, các cháu là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn về nuôi dạy tại đồn biên phòng.
Được biết, sau đợt phát động này, toàn tỉnh có hơn 60 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được lực lượng BĐBP tỉnh nhận đỡ đầu (trong đó 35 em đã được các đơn vị BĐBP nhận đỡ đầu từ trước đó). Quá trình nhận đỡ đầu, căn cứ vào tình hình thực tế, các đơn vị sẽ phân công cán bộ phụ trách; lập sổ liên lạc giữa gia đình, nhà trường và đơn vị để thường xuyên nắm, quản lý, kèm cặp, hướng dẫn các cháu trong học tập, rèn luyện, cũng như giáo dục, bồi dưỡng các cháu về phẩm chất đạo đức, lối sống. Đồng thời hướng dẫn các cháu cách thức sinh hoạt, ăn ở hợp vệ sinh, rèn luyện thể lực; cử quân y của đơn vị làm tốt việc chăm sóc sức khoẻ cho các cháu. Bên cạnh đó, từng bước làm tốt việc định hướng nghề nghiệp cho các cháu trên cơ sở năng lực, sở trường của từng cháu để có thể giới thiệu các cháu vào các trường thiếu sinh quân, trường năng khiếu, trường nội trú hoặc thi tuyển vào các trường quân đội, BĐBP, thực hiện nghĩa vụ quân sự… nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện.
Phương Thúy (Theo baoquangninh.com.vn)