Đến thăm tổ 1, khu 4 phường Hà Trung (TP Hạ Long, Quảng Ninh) nhiều người đã không cầm được nước mắt trước gia cảnh gia cảnh của bà Đỗ Thị Khuyến.Từ nhiều năm qua, một tay bà Khuyến làm lụng vất vả vừa chống chọi bênh tật, vừa vắt kiệt sức nuôi nấng cho 3 đứa con bị tâm thần.
Bà Khuyến năm nay đã 85 tuổi. Chồng bà, vốn là anh công nhân mỏ. Qua người mai mối, hai ông bà gặp nhau và nên vợ nên chồng, sống trong một túp nhà tranh tại tổ 1, khu 4 , Hà Trung và sinh được 6 người con. Do sức khỏe yếu,chồng bà mất sớm để lại cho bà Khuyến gánh nặng gia đình và chăm lo cho những đứa con có lớn mà chẳng có khôn.
6 người con của bà Khuyến thì chỉ có cô con gái cả là bình thường. Còn 5 người sau (3 trai, 2 gái) đều có bệnh nhưng độ nặng, nhẹ khác nhau. Anh Trần Văn Hà (56 tuổi), Trần Văn Vinh (53 tuổi) cao ráo, mặt mũi chẳng đến nỗi nào nhưng ngây dở, cả ngày chỉ ngồi cười vu vơ mà chẳng giúp bà được việc gì. Cô con gái út Trần Thị Hợp (43 tuổi) bị tâm thần nặng nhất. Ngày nào cũng thế, cứ ăn sáng xong là chị Hợp bỏ đi lang thang khắp xóm. Nhiều khi, bà gọi tìm mãi mà không thấy chị về. Quần áo chị mặc cả tuần không chịu thay, nhiều cái rách tả tơi chị cũng vẫn mặc. Bà Khuyến bảo, mỗi khi như thế chỉ còn cách lén lấy kéo cắt tả tơi bộ quần áo đó ra thì chị Hợp mới chịu thay bộ mới. Anh Vinh còn lành lành, chứ anh Hà, chị Hợp khi khùng lên còn đánh cả mẹ. Đến khi “hết cơn”, bà hỏi “sao con đánh mẹ?” thì anh Hà lỏn lẻn cười bảo: “Tại con đau đầu quá, con không chịu được...”.
Thương các con, bà Khuyến nghĩ cách lấy vợ cho con. Sau khi mai mối, mà tìm được một người chịu lấy anh Vinh. Thế nhưng, khi đẻ được hai đứa con thì vợ anh Vinh cũng bỏ đi. Hiện giờ, hai đứa con của anh Vinh cũng đều do cô con gái cả của bà Khuyến nuôi dạy. Người con trai thứ tư của bà là Trần Văn Hiển cũng chẳng khôn ngoan. Bà Khuyến lấy vợ cho anh rồi hai vợ chồng sinh liền ba đứa con. Cả nhà chẳng biết làm ăn gì cũng trở thành gánh nặng cho bà và cô con gái cả. Từ đó, bà sợ, không dám mối mai, dựng vợ gả chồng cho người con nào nữa. Bà Khuyến còn một cô con gái áp út tên Trần Thị Hoà. Chị Hoà hơn hai mươi năm trước vượt biên sang Hồng Kông. Hiện giờ chị sống tị nạn ở bên Nhật. Chị lấy chồng, sinh được một đứa con. Nhưng bây giờ chồng chết, bản thân chị không có việc làm. Nhiều lúc, chị cũng có những biểu hiện của bệnh thần kinh, lúc đó, chị được chính quyền Nhật chuyển vào sống ở trại tế bần. Khi hết bệnh, chị lại được về sống hoà nhập với xã hội. Chị Hoà giờ sống bằng tiền trợ cấp xã hội, đến tiền về quê thăm mẹ còn không có chứ chưa nói gì đến việc giúp đỡ được bà.
Bà Khuyến bảo, hồi sinh ra, các con của bà đứa nào cũng bụ bẫm, xinh xắn. Người nào gặp cũng thích bế ẵm, thơm má con bà. Thế rồi, đứa nào cũng phải đến ba tuổi mới biết đi, có đứa còn mãi mới biết nói, chúng càng lớn càng dại. Đến giờ, đã qua tuổi 80 mà bà vẫn phải chăm lo cho chúng như khi chúng còn thơ dại. Tiền trợ cấp xã hội của mấy mẹ con được giao cho cô con gái cả mua giúp gạo, mì tôm, muối mắm đủ cho cả tháng. Số tiền còn lại, bà dành để chi tiêu lặt vặt, mua thức ăn. Bà bảo, có lẽ vì chúng dại, không lao động nên ăn khoẻ. Mỗi ngày, bà nấu hai bữa, mỗi bữa bốn, năm bò gạo mà mấy đứa ăn hết cả. Ăn xong, bà lại cần mẫn đi rửa bát, quét nhà. Còn ba người con dại chỉ biết ngồi cười, không thì đi lang thang. Ngày nào cuộc sống ở gia đình bà cũng trải qua như thế...
Bà Khuyến bên những đứa con có lớn mà chẳng có khôn
Nói chuyện về các con, bà Khuyến nhiều lúc rơi nước mắt. Bà tâm sự: “Con người ta bằng tuổi này thì đầy đủ chồng vợ, lại còn phụng dưỡng được cha mẹ. Còn tôi, nhiều lúc đau ốm, có tới ba bốn đứa con bên cạnh mà đến bát cháo cũng chẳng có đứa nào biết nấu cho ăn...”. Bà cũng bảo rằng, may mắn còn có cô con gái cả. Vợ chồng chị cũng chỉ là công nhân về hưu, con cái còn đang ăn học nhưng cũng hết lòng cưu mang mấy đứa con của anh Vinh, anh Hiển. Chị thương mẹ, thương các em nhưng kinh tế còn khó khăn, nhà cũng chỉ có hai vợ chồng nên đành “lực bất tòng tâm”...
Với hoàn cảnh khó khăn như thế, bà Khuyến chỉ còn biết cầu cứu sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi một trong các địa chỉ:
- Bà Đỗ Thị Khuyến, tổ 4, khu 1, phường Hà Trung, TP Hạ Long.
- Quỹ từ thiện “Cho đi là còn mãi”- Cổ phần địa ốc Quảng Ninh, số 59, đường 25 tháng 4, tp Hạ Long