Bán lẻ là một trong những ngành kinh tế năng động nhất của Việt Nam, đã duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức hai chữ số trong hàng thập kỷ. Tháng 4/2022, tổng mức bán lẻ Việt Nam tăng 12,1% so với cùng kỳ 2021 - là kết quả tích cực so với mức giảm 3,8% năm 2021 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Các ông lớn bán lẻ trên thế giới không bỏ lỡ cơ hội phục hồi ngành bán lẻ, nhanh chóng nắm bắt thị trường khi mức giá cho thuê mới bắt đầu tăng nhẹ. Họ có kế hoạch lựa chọn mặt bằng tốt cho chiến lược dài lâu tại thị trường Việt Nam. Tại thị trường Hà Nội, giá thuê mặt bằng tầng trệt trong quý 1/2022 tăng khoảng 5% so với quý trước với mức công suất thuê ổn định.
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang dần hồi phục, đặc biệt tại các thành phố lớn
Tại TP.HCM, thị trường cũng ghi nhận sự khởi sắc. Các khách thuê lớn cũng đang dẫn dắt nhu cầu thị trường. Ông lớn bán lẻ thời trang đến từ Nhật Bản vừa mở cửa hàng mới tại trung tâm quận 1, TP.HCM với diện tích hơn 3.000 m2, là một trong những cửa hàng lớn nhất của Uniqlo tại Việt Nam. Đây là một trong những dấu hiệu hồi phục rõ nét nhất của ngành bán lẻ Việt Nam sau đại dịch Covid-19.
Nhu cầu mở rộng cửa hàng của các nhãn hàng lớn tại châu Á trong năm 2022 khá lớn, có tới 65% các nhãn hàng được hỏi cho biết có nhu cầu mở thêm các cửa hàng, 50% cho biết muốn tìm các địa điểm tốt hơn. Quá nửa nhãn hàng được hỏi cho biết họ muốn tìm kiếm các trung tâm thương mại tại trung tâm các thành phố để mở cửa hàng, 48% cho biết có nhu cầu tìm địa điểm tại các trục đường chính.
Trên thực tế sự trỗi dậy của ngành bán lẻ Việt Nam sau đại dịch không chỉ đến từ tăng trưởng thu nhập bình quân cũng như thu nhập khả dụng của người dân, mà còn ở việc dịch chuyển thói quen mua sắm. Mua sắm hiện không chỉ đáp ứng nhu cầu ăn, mặc, tiêu dùng, mà còn thể hiện nhu cầu trải nghiệm, đặc biệt sau thời gian dài việc đi lại bị dồn nén do các quy định ngặt nghèo về phòng chống dịch bệnh. Đây là cơ hội cho lĩnh vực bất động sản bán lẻ, nơi đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của người tiêu dùng, là điều mà thương mại điện tử và các hình thức mua sắm online không thể đáp ứng.
Ngành hàng ăn uống, cửa hàng tiện lợi và dược phẩm được dự báo có dư địa tăng trưởng mạnh mẽ, do kế hoạch mở rộng của các nhãn hàng trong lĩnh vực này và nhu cầu trải nghiệm của người tiêu dùng. Trong khi nguồn cung tăng trưởng chậm (trong ba năm qua), nhu cầu của các nhãn hàng, các thương hiệu lớn nhỏ đang không ngừng phục hồi sau dịch bệnh. Mức giá cho thuê bất động sản bán lẻ, đặc biệt tại các trung tâm thương mại các thành phố lớn được dự báo sẽ tăng trưởng rõ rệt trong thời gian tới.
Tại TP.HCM, mức giá cho thuê mặt bằng dự kiến tăng trưởng 1,5 - 3,5% trong năm tới. Hà Nội do mức ảnh hưởng bởi dịch bệnh chưa thực sự rõ rệt, mức tăng giá cho thuê mặt bằng được dự báo thấp hơn, ở vào khoảng 1 - 1,5%.
Thu Hương