Tình hình kinh tế - chính trị ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát… là những điểm nhấn thu hút đầu tư cho các thủ phủ công nghiệp trên cả nước như Bỉm Sơn (Thanh Hóa); Quảng Yên - Uông Bí - Đông Triều (Quảng Ninh); Đông Hải (Bạc Liêu), Hải Phòng…
Hai năm qua, dịch Covid-19 gây nhiều tác động đến nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Thế nhưng, trong bức tranh trầm lắng đó vẫn có điểm sáng hiếm hoi đến từ phân khúc bất động sản công nghiệp. Theo ông John Campbell, Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam, Việt Nam hiện là một trong những thị trường sản xuất và hậu cần mạnh nhất trên thế giới nhờ nền chính trị ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi, vị trí địa lý phù hợp, lực lượng lao động dồi dào, năng động.
"Trong ngắn hạn đến trung hạn, chúng ta vẫn chứng kiến nhiều hoạt động đầu tư lớn về công nghiệp tại Việt Nam" - ông John Campbell nhận xét.
Tổ hợp nghiên cứu – chế tạo phục vụ ngành sản xuất ô tô và điện tử với số vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu đô la sẽ là điểm nhấn phát triển của thành phố Bỉm Sơn giai đoạn 2021-2025.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, đến ngày 20/8/2021, các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Dịch bệnh diễn biến phức tạp trong tháng 8 đã khiến một số nhà máy ngưng hoặc giảm công suất hoạt động, vốn thực hiện trong tháng 8 giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 14,3% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính cả 8 tháng của năm 2021, vốn thực hiện vẫn tăng nhẹ.
Thị trường cũng đón nhận nhiều khoản đầu tư lớn trong nửa đầu năm, đơn cử tại miền Bắc, Công ty Jinko Solar Hong Kong đầu tư gần 500 triệu USD vào Khu công nghiệp Sông Khoai (Quảng Yên, Quảng Ninh); LG Display tăng vốn đầu tư vào Hải Phòng trong tháng 8/2021 lên 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư của LG vào Hải Phòng đạt con số 4,65 tỷ USD; Tổ hợp nghiên cứu - chế tạo phục vụ ngành sản xuất ô tô và điện tử với tổng số vốn đầu tư hàng trăm triệu đô la đang có kế hoạch đầu tư vào Bỉm Sơn (Thanh Hóa).
Khu kinh tế ven biển Quảng Yên với tuyến cao tốc 9.500 tỷ đồng là định hướng mũi nhọn phát triển kinh tế biển Hải Phòng - Quảng Ninh, thu hút hàng tỷ USD đầu tư FDI trong giai đoạn 2021-2025.
Nhu cầu về an sinh phục vụ khu công nghiệp
Theo các chuyên gia, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp cũng đặt ra nhiều thách thức như thiếu hụt lao động, hạn chế điều kiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ phụ trợ cho khu công nghiệp. Để lĩnh vực này phát triển bền vững, cần tăng nguồn cung cũng như chất lượng lao động, phát triển song song các dịch vụ phụ trợ, đảm bảo chất lượng sống cho lao động tại khu công nghiệp.
Hiện nay, mỗi khu công nghiệp đang có hàng nghìn lao động từ công nhân đến các chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước sinh sống, làm việc, song không phải khu công nghiệp nào cũng được quy hoạch để có diện tích cho dịch vụ phụ trợ. Do vậy, cần phát triển các dịch vụ phụ trợ, đảm bảo chất lượng sống cho người lao động, trong đó yêu cầu phải hình thành các đô thị phụ trợ công nghiệp, góp phần giải quyết vấn đề về nhà ở công nhân và cộng đồng chuyên gia quốc tế. Theo đó, khu công nghiệp khép kín sẽ có đầy đủ cơ sở hạ tầng xã hội như nơi ở, khu dịch vụ thương mại, khu vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện...
Tại Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan..., các khu công nghiệp chất lượng cao thường làm tốt khâu quy hoạch tổng thể dự án, đảm bảo khu công nghiệp tích hợp hài hoà các yếu tố nhà ở, bán lẻ, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ cho mọi đối tượng.
TNR Stars Bỉm Sơn - Khu đô thị phụ trợ cho thành phố công nghiệp Bỉm Sơn, thành phố đô thị loại III trọng điểm phía Bắc Thanh Hóa.
Tại Việt Nam, về dài hạn, những khu công nghiệp chất lượng cao sẽ chiếm lợi thế tăng trưởng lớn. Việc tích hợp nhà ở trong khu công nghiệp không chỉ giúp công nhân có chỗ nghỉ ngơi mà còn cung cấp các tiện ích bán lẻ, giáo dục, giải trí, phục vụ nhu cầu đa dạng của công nhân và các chuyên gia, khách thuê. Từ đó, dự án khu công nghiệp sẽ tạo nên sức hút đầu tư, đặc biệt với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp giá trị cao.
Bài toán phát triển khu đô thị phụ trợ khu công nghiệp đang được các doanh nghiệp Việt giải quyết như thế nào? Đâu là những địa phương tiềm năng trong phát triển khu đô thị phụ trợ khu công nghiệp? Nhà đầu tư cần lưu ý gì khi xuống tiền với các sản phẩm này? Đây là những câu hỏi sẽ được các chuyên gia tham vấn, bàn luận trong tọa đàm "Cơ hội đầu tư bất động sản đô thị phụ trợ khu công nghiệp", phát sóng dưới hình thức trực tuyến vào lúc 14h30 ngày 16/9/2021.
Các chuyên gia sẽ góp mặt trong tọa đàm gồm PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng; Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế và chính sách ngân hàng tài chính quốc tế và bà Phạm Hồng Thúy, Phó Tổng Giám đốc TNR Holdings Vietnam, Tổng Giám đốc TNI Holdings Vietnam - Đơn vị quản lý và vận hành 14 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.000ha.
Những địa phương được đánh giá có tiềm năng phát triển công nghiệp lớn gồm Bắc Giang, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa... Tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, Bắc Giang đang là điểm nóng thu hút các hoạt động đầu tư sản xuất cũng như logistics. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng dần chuyển hướng quan tâm đến các khu vực khác như Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... Riêng tại khu vực phía Nam, Long An hiện đang dẫn đầu trong việc thu hút các nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trên 3,6 tỷ USD, chiếm 18,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó có dự án điện quy mô lên đến 3,1 tỷ USD. Vì tỷ lệ lấp đầy cao và quá tải tại các dự án công nghiệp thuộc hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai nên nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn Long An để thiết lập các trung tâm phân phối và dự án logistics.Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu với một số dự án công nghiệp hoạt động khá tốt như Khu công nghiệp Phú Mỹ… cũng là điểm đến thu hút giới đầu tư. Đặc biệt, tại Vĩnh Long với khu công nghiệp Đông Bình do TNI Holdings Vietnam quản lý cũng đang chờ đón hàng loạt dự án với số vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đô la trong thời gian tới. Dấu ấn về đầu tư, phát triển tại Đồng bằng sông Cửu Long còn phải kể đến Đông Hải (Bạc Liêu) với hơn 4 tỷ USD của nhà máy điện khí LNG, khu cảng biển nước sâu Gành Hào - Đông Hải có công suất lên đến 200,000 tấn DWT cùng hệ thống điện gió với công suất lên đến hàng tỷ KWH. |
Hoài Phong