Tuy nhiên, cuộc sống của người dân nơi đây không xáo trộn nhiều và các nhà đầu tư được cảnh báo thận trọng hơn trong đầu tư vào đất đai ở Vân Đồn nhằm tránh những rủi ro có thể xảy ra sau này.
Phòng ngừa vấn nạn "thổi" giá đất
Ngày 3/5, sau khi kiểm tra thực địa và làm việc với huyện Vân Đồn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã yêu cầu tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất cho các tổ chức, dự án và tạm dừng giao dịch chuyển nhượng đất trên địa bàn nhằm ngăn ngừa tình trạng mua bán và thổi giá đất trên địa bàn huyện.
Các trường hợp đặc biệt phải báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét, giải quyết và phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương cũng như quy định của pháp luật.
Việc huyện Vân Đồn đang đứng trước nhiều thời cơ để phát triển, trở thành đặc khu hành chính - kinh tế đã khiến thị trường đất đai trở nên “nóng” từ đầu năm 2017 trở lại đây.
Ông Hoàng Hưng, một người dân Vân Đồn cho biết: Nếu như giá đất ở xen kẽ đất vườn tạp từ năm 2016 trở về trước chỉ từ 1 - 3 triệu đồng/m2 không mấy ai mua thì nay giá đất đã vượt ngưỡng 10 triệu đồng/m2.
Riêng đối với đất ở của các dự án đô thị như Ao Tiên, những vị thế đẹp hiện có giá tăng vọt lên tới 18 - 20 triệu đồng/m2, cá biệt lên tới gần 30 triệu đồng/m2. Một số người dân ở các địa phương khác cũng đổ xô về Vân Đồn mua đất để đầu cơ kiếm lời.
Bà Châu Mai Thoan, Phó giám đốc Văn phòng đăng ký Quyền sử dụng đất cho biết: Trước đây, số người mua đất ở Vân Đồn đến từ Hà Nội, Bắc Ninh… chiếm tới 50% tổng giao dịch đất đai trên địa bàn.
Tuy nhiên, kể từ khi có chỉ đạo tạm dừng của Bí thư Tỉnh ủy, một tuần qua, các giao dịch đất đai trên địa bàn huyện cơ bản không còn.
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cũng như Trung tâm hành chính công huyện Vân Đồn chỉ tiếp nhận và tổng hợp hồ sơ đất đai liên quan đến thế chấp ngân hàng hay an sinh xã hội theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy.
Xã Hạ Long (Vân Đồn) có tới 5 văn phòng và sàn giao dịch bất động sản. Kể từ sau lệnh cấm, đến ngày 9/5 tất cả các văn phòng, sàn giao dịch bất động sản này đều đóng cửa, không có nhân viên trực làm việc tại trụ sở.
Chủ tịch UBND xã Hạ Long Lương Thị Anh thông tin: Cuối năm 2017, tình hình đất đai trên địa bàn sôi động nhiều. Nhưng sau khi có chỉ đạo của tỉnh, huyện về tăng cường quản lý đất đai và đặc biệt là lệnh tạm dừng giao dịch đất đai thì đến thời điểm này không còn hiện tượng cò đất, tư vấn đất đai trên địa bàn.
Điều này khiến công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương được thực hiện tốt hơn để chuẩn bị đón nhận “khu hành chính kinh tế đặc biệt” trong tương lai.
Bà Đào Thị Gái, thôn 7, xã Hạ Long (Vân Đồn) cho biết: Vào cuối năm ngoái, có nhiều người từ các nơi đến nhà bà hỏi mua đất đai, nhưng gia đình từ chối không bán.
Thời gian gần đây, không thấy ai đến hỏi gia đình mua đất nữa. Bà cho biết. thông tin từ chính quyền địa phương, khu đất của bà nằm trong diện dự án nên không được phép mua bán, xây dựng.
Gia đình bà đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của chính quyền địa phương dù hoàn cảnh gia đình đông con cháu muốn sửa chữa, xây mới nhà ở để cải thiện sinh hoạt hàng ngày.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần giao dịch bất động sản Nhà thực Nguyễn Như Ý cho hay: Sau lệnh tạm dừng, gần như không có bất kỳ giao dịch đất đai nào.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi một đặc khu được thông qua với nhiều cơ chế hấp dẫn, bài bản và kỳ vọng vào cuộc chơi lớn.
Theo bà Nguyễn Như Ý, văn bản tạm dừng của tỉnh Quảng Ninh không làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của sàn giao dịch bất động sản Nhà thực.
Đây là sự chỉ đạo cần thiết, đúng đắn bởi lệnh tạm dừng giao dịch đất đai trong giai đoạn chờ thông qua đề án "đặc khu Vân Đồn".
Văn bản này có ý nghĩa cảnh báo các nhà đầu tư không nên mua những sản phẩm (đất đai – PV) thiếu điều kiện kinh doanh.
Quản chặt, nhưng không cứng nhắc
Ngay trong lệnh tạm dừng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc cũng nhấn mạnh, đối với các trường đặc biệt, UBND huyện Vân Đồn phải rà soát, nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét, giải quyết cho phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương và phù hợp với quy định của pháp luật.
Văn phòng giao dịch đóng cửa im lìm
Liên quan đến quyền lợi của người dân về đất đai như thừa kế, chuyển nhượng…, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ, rà soát cụ thể từng trường hợp, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách để “lách” luật.
Kể từ sau lệnh tạm dừng, ngày 4/5, Trung tâm hành chính công Vân Đồn tiếp nhận 84 hồ sơ đất đai, trong đó 3 giao dịch thế chấp, 81 giao dịch liên quan chuyển nhượng. Đến ngày 7/5 chỉ còn 15 hồ sơ và một ngày sau có 12 hồ sơ chuyển nhượng đất đai.
Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, ông Mạc Thành Luân cho biết: Tất cả các hồ sơ liên quan đến chuyển nhượng đất đai đều bị tạm dừng.
Riêng các hồ sơ liên quan đến thế chấp đất để vay ngân hàng phát triển sản xuất không tác động đến thị trường đất đai hay những hồ sơ của công dân giải quyết thủ tục đất đai liên quan đến giải phóng mặt bằng của các dự án trọng điểm đang triển khai đều được báo cáo UBND tỉnh.
Những hồ sơ khác được hoàn trả cho công dân và thông tin cho người dân nắm được chủ trương của tỉnh tạm dừng giao dịch đất đai trên địa bàn.
Việc tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng, cấp đất mới cho dự án, tổ chức và tạm dừng giao dịch đất đai trong giai đoạn hiện nay đang đem lại hiệu quả tích cực, giảm hiện tượng tích tụ đất, tạo giá ảo, giúp nhà đầu tư sau này mua được giá đất theo đúng giá trị.
Theo Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn Mạc Thành Luân: Nếu làm thủ tục ngay cho các giao dịch đất đai thì rất có thể trong thời gian ngắn các mảnh đất đó được bán đi, bán lại với mục đích buôn đất kiếm lời, không nhằm vào việc phát triển kinh tế của Vân Đồn trong tương lai.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các dự án lớn; các dự án có dấu hiệu đầu cơ, trục lợi, tăng giá đất; làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý.
Đối với các xã, thị trấn là đơn vị quản lý trực tiếp về đất đai, phải quán triệt nghiêm chỉ đạo của tỉnh, những trường hợp nào vì lợi ích cá nhân mà tiếp tay cho việc vi phạm về quản lý đất đai sẽ xử lý nghiêm minh.