Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt - Đức đã có những phân tích, chia sẻ làm rõ một nhận định của nhà đầu tư nước ngoài cho rằng “thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn rất hấp dẫn”, qua đó, ông cũng trao đổi về một số vấn đề “nóng” khác về thị trường BĐS đang được dư luận quan tâm.
Theo ông Điệp, đánh giá của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài là rất chính xác và đúng với tình hình thực tế của thị trường BĐS Việt Nam hiện nay, 3 lý do được ông đưa ra để lý giải là: Một là do nhu cầu về nhà ở tại các đô thị vẫn còn rất lớn; hai là do bản chất thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam là “mới nổi”; ba là do nhu cầu đô thị hóa của Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển.
Nhà đầu tư thông minh, người mua khôn ngoan!
Phóng viên: Ông có thể nói thêm một chút về nhận định: Đến thời điểm này thị trường bất động sản đã có những tín hiệu khởi sắc
Ông Nguyễn Thế Điệp: Thị trường BĐS Việt Nam cho đến thời điểm này đang hồi phục trở lại, không những thế, còn có tiềm năng phát triển rất lớn trong những năm tới. Thực chất thị trường BĐS của nước ta là mới hình thành nên nhu cầu phát triển đô thị đang ở giai đoạn lớn nhất.
Sau thời kỳ khủng hoảng, đến nay, thị trường đang có những tín hiệu hồi phục tích cực với thanh khoản tốt trên mọi phân khúc. Chủ đầu tư, DN cũng đang tìm mọi phương án tháo gỡ khó khăn về vốn để tiếp tục xây dựng hoàn thành những dự án lớn đã khởi công nhưng chưa xây dựng hoặc những dự án xây dựng dở dang.
Từ góc độ DN, hiện các DN kinh doanh lĩnh vực BĐS đang rất phấn khởi, vì ngoài thực lực, DN còn được hỗ trợ bởi các chính sách tháo gỡ về vốn và có thể thỏa thuận với ngân hàng về việc vay vốn triển khai dự án.
Từ góc độ người mua, hiện cũng đang có những gói tín dụng hỗ trợ vay mua nhà với lãi suất thấp, ngoài gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thì còn có các gói tín dụng khác, người mua nhà được vay đến 70%, thậm chí có ngân hàng cho vay hạn mức cao hơn. Chưa kể đến việc dòng vốn ngoại thời gian gần đây đổ vào BĐS rất lớn, và thanh khoản của thị trường đang tăng lên rõ rệt so với hơn 2 năm trước đây.
Với tất cả những biểu hiện trên có thể khẳng định rằng, thị trường đã bước sang một giai đoạn mới, việc kinh doanh của các doanh nghiệp trở nên bài bản, chuyên nghiệp hơn; các chính sách của Nhà nước đã thỏa mãn với các yêu cầu của DN khiến DN phát triển được thuận lợi hơn.
Như vậy, cả về phía nhà đầu tư và người mua đã có những biến chuyển tích cực, nhà đầu tư đã bản lĩnh hơn khi vượt qua được giai đoạn khủng hoảng vừa qua, còn người mua thì khôn ngoan hơn khi chọn được cho mình những sản phẩm phù hợp nhất. Tôi tin tưởng và hy vọng rằng, thị trường BĐS sẽ hồi phục tương đối mạnh khi bước sang năm 2015.
- Cùng với những tín hiệu khởi sắc của thị trường BĐS, sau 3 năm liên tục giảm, số lượng nhà đầu tư “nhen nhóm” quay trở lại thị trường có chiều hướng tăng nhanh. Ông có suy nghĩ gì về hiện tượng này?
Theo tôi, việc các nhà đầu tư quay trở lại thị trường nó mang tính quy luật. Khi thị trường đi xuống, các NĐT nhỏ lẻ, thậm chí các NĐT dự án lớn đều hạn chế, thậm chí dừng lại không hoạt động, dự án cũng dừng triển khai nhưng khi thị trường khởi sắc trở lại thì chuyện các NĐT dở dang, có ý đồ đầu tư chắc chắn tìm mọi giải pháp để đưa dự án đi vào hoạt động cũng là chuyện đương nhiên.
Khi thị trường đi xuống trong 2 năm qua, NĐT thứ cấp đã mất lòng tin vào BĐS, thì cho đến nay, nếu so sánh với các kênh đầu tư khác thì BĐS vẫn hấp dẫn hơn cả. Ví dụ, ở phân khúc nhà chung cư cao cấp, từ quý II đến nay, các nhà đầu tư (NĐT) đã quay trở lại thị trường tìm mua những căn hộ hạng sang để cho thuê kiếm lời. Theo tính toán của các nhà đầu tư này, các kênh đầu tư khác như: vàng, chứng khoán hoặc gửi tiết kiệm ngân hàng tỏ ra không hiệu quả bằng việc đầu tư vào lĩnh vực địa ốc. Cách làm mua nhà để cho thuê có giá trị gia tăng hàng năm cao hơn hẳn các kênh đầu tư khác, cùng với đó là tiền cho thuê nhà thu được cao hơn nhiều so với tiền lãi nhận được từ việc gửi ngân hàng để tiết kiệm.
Càng ngày, người mua càng tỏ ra khôn ngoan hơn đồng thời các chủ đầu tư cũng nắm băt được nhu cầu của họ, điều này đã dẫn đến cung - cầu gặp nhau và đưa thị trường BĐS đi theo một chiều hướng tốt.
Nhặt "sạn" trên thị trường bất động sản.
- Với những điều ông phân tích ở trên thì phải chăng thị trường BĐS đã hết thời “lướt sóng”?
Có thể nhận thấy một quy luật, khi cung không đủ cầu sẽ dẫn đến một loạt hiện tượng chênh giá, đội giá hoặc là mua bán “lướt sóng” nhưng hiện tại thị trường đã đi qua giai đoạn đó.
Cho đến thời điểm này, việc “lướt sóng” tuy vẫn còn nhưng không còn nhiều cơ hội để diễn ra vì các DN BĐS đã nắm bắt và điều tiết khá tốt quy luật cung - cầu. Mặt khác, rất khó "lướt sóng" ở phân khúc chung cư cao cấp vì NĐT hiện nay thay vì mua để đầu cơ đợi tăng giá bán kiếm lời đã chuyển sang mua để cho thuê và chờ vào giá trị gia tăng.
- Bên cạnh những điểm tích cực, thị trường vẫn còn tồn tại không ít “sạn” chưa được “nhặt hết”. Ông có ý kiến gì về điều này?
Thực tế đúng là như vậy tuy nhiên đó cũng là một điều không thể tránh khỏi. Trong thời gian qua, thị trường đã nổi lên một loạt những “hạt sạn”, như: các dự án mở bán trên giấy, mua bán chênh giá, đội giá, “lướt sóng” mua đi bán lại, quảng cáo xa thực tế… đã làm thị trường “méo mó” đi. Tuy nhiên, việc có "sạn” trên thị trường cũng chỉ là những hạt sạn nhỏ, để làm sạch chúng cần phải có thời gian, có các giải pháp, chế tài đủ sức răn đe để đưa vào thị trường phát triển đúng định hướng.
Vai trò của Nhà nước trong việc giải quyết những “hạt sạn” này là rất quan trọng, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời uốn nắn những chủ đầu tư, DN BĐS chưa chấp hành theo đúng quy định của pháp luật. Ví dụ: Chủ đầu tư dự án xây nhà sai phép hoặc vượt tầng nếu chính quyền địa phương quản lý không chặt, thì vẫn có thể xảy ra tình trạng này…
Xin cảm ơn ông!
(Theo Tạp chí tài chính Online)