Dịch Covid-19 bùng phát trong cộng đồng những tháng đầu năm 2021 đã ảnh hưởng không nhỏ tới tốc độ thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội quý I và cả năm 2021 của tỉnh. Tuy nhiên, từ tháng 3/2021, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động SXKD, thu hút đầu tư, kích cầu du lịch... của tỉnh được triển khai mạnh mẽ. Quảng Ninh năm thứ 4 liên tiếp đứng đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây được coi là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh, là động lực để nền kinh tế sớm bứt phá, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trên 10% trong năm 2021.
Các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh đang được các nhà thầu đẩy nhanh thi công. Trong ảnh: Thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ảnh: Đỗ Phương
Môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi
Ngày 15/4/2021, tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), với điểm số tổng hợp 75,09, Quảng Ninh là tỉnh đứng đầu Chỉ số PCI năm 2020, xác lập vững chắc vị trí quán quân PCI 4 năm liên tiếp. Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất vượt qua mốc 75 điểm trong 10 năm trở lại đây.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, kết quả này tới từ những nỗ lực đặc biệt của tỉnh trong năm 2020, khi tỉnh đặt trọng tâm vào công tác hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức do dịch Covid-19. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải có các giải pháp phản ứng nhanh, linh hoạt để nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch. Trong đó, bao gồm xác định rõ các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều như: Du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu. Qua đó, để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, như: Thúc đẩy và cùng các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp cận vốn, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, tiếp cận thị trường xuất khẩu mới, tìm kiếm đối tác kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
“Quảng Ninh đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, quy mô từ cấp huyện, sở, ngành cho tới cấp tỉnh, để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Từ đó đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng kinh doanh. Trong đó, phải kể đến việc kịp thời đưa ra một số nghị quyết hỗ trợ khôi phục hoạt động của ngành dịch vụ, du lịch, với gói kích cầu hàng trăm tỷ đồng. Các giải pháp này đạt được hiệu quả chỉ sau thời gian rất ngắn, kéo các ngành này trở về quỹ đạo hoạt động sau những ảnh hưởng trầm trọng từ dịch Covid-19. Điều này không phải địa phương nào cũng triển khai được” - Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn đánh giá.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Quảng Ninh vẫn kiên trì với các nỗ lực cải cách hành chính, nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Điều tra PCI 2020 cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp tại Quảng Ninh đã ghi nhận những nỗ lực của chính quyền tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể, 89% số doanh nghiệp đánh giá chính quyền tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp; 79% số doanh nghiệp cho biết chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh; 97% số doanh nghiệp nhận được phản hồi từ cơ quan chính quyền tỉnh sau khi phản ánh khó khăn, vướng mắc; 81% số doanh nghiệp hài lòng với cách giải quyết của cơ quan chính quyền tỉnh.
Yêu cầu “3 giảm” trong cải cách TTHC (giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho nhà đầu tư) được chính quyền tỉnh thực hiện liên tục từ năm 2017 tới nay đã mang lại kết quả tích cực qua đánh giá của doanh nghiệp. Cụ thể: 71% số doanh nghiệp đánh giá thủ tục giấy tờ đơn giản (năm 2019 là 66%); 84% số doanh nghiệp cho biết thời gian thực hiện thủ tục được rút ngắn so với quy định (năm 2019 là 76%; gánh nặng chi phí không chính thức của doanh nghiệp tại Quảng Ninh đã giảm bớt, khi chỉ có 3% số doanh nghiệp phải chi trả trên 10% doanh thu cho khoản chi này (năm 2019 là 5%). Chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn đã được cải thiện đáng kể, với tỷ lệ doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục sử dụng một số loại dịch vụ ở mức cao: Dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường (81%), dịch vụ tư vấn pháp luật (88%) và dịch vụ liên quan tới công nghệ (75%).
Với việc khẳng định vị thế trên “đường đua” cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Quảng Ninh đã, đang có đà rất tốt để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư FDI, cũng như tăng “sức khoẻ” cho doanh nghiệp địa phương. Đây là 2 trụ cột lớn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương năm 2021.
Ngành, lĩnh vực tăng tốc
Quý I/2021, nhận diện những tác động từ dịch Covid-19, tỉnh đã sớm ban hành Kế hoạch kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021; điều chỉnh linh hoạt theo thực tiễn và kịp thời bổ sung, hoàn thiện Kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I/2021 và Kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021. Nhờ vậy, dù nền kinh tế chịu tác động lớn từ dịch Covid-19, tuy nhiên tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn cơ bản đạt mục tiêu kịch bản đề ra, tăng 9,02% (chỉ thấp hơn 0,18 điểm % so với kịch bản). Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 đạt 2 con số, áp lực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quý II và những quý tiếp còn rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Các đơn vị của TKV tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất, nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng khai thác.
Xác định những tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, năm 2021 tỉnh nhận định khu vực công nghiệp và xây dựng là trụ cột đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách. Theo đó, mục tiêu phấn đấu trong quý II/2021: Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,1%; thu hút đầu tư 48.344 tỷ đồng. Để đảm bảo mục tiêu này, theo chỉ đạo của tỉnh, các sở, ngành, địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục về quy hoạch, đất đai, vật liệu san lấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào các KCN: Việt Hưng, Đông Mai, Sông Khoai, Đầm Nhà Mạc, Cảng biển Hải Hà...
Song song với đó, chủ động nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục, thực hiện dứt điểm công tác GPMB các dự án trọng điểm, bàn giao cho chủ đầu tư đúng tiến độ; hoàn thành các thủ tục để khởi công các dự án, công trình trọng điểm. Dự kiến trong quý II hoàn thành thủ tục để khai trương dự án sân golf Tuần Châu; khởi công các dự án: Khách sạn 1.000 phòng Tuần Châu, Điện khí LNG Quảng Ninh, Hạ Long Marina, công nghệ Solar PV Jinco Việt Nam tại KCN Sông Khoai, Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn, Vega City Vân Đồn tại khu vực Đông Bắc đảo Cái Bầu, KKT Vân Đồn.
Riêng đối với các dự án đầu tư công, sau ngày 30/4/2021, tỉnh không phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án khởi công mới đã được phân bổ vốn từ đầu năm; phấn đấu 6 tháng đầu năm giải ngân 50% kế hoạch vốn đầu năm, 100% kế hoạch vốn trước ngày 30/9/2021 (theo tiến độ thu) gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát về tiến độ triển khai dự án, khối lượng giải ngân. Trong đó, đẩy nhanh thi công các dự án giao thông động lực quan trọng của tỉnh: Cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên; Cầu Cửa Lục 1; Cầu Cửa Lục 3; hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc (tại Km20+50 cao tốc Hạ Long - Hải Phòng); đường nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (tại Km6+700) đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1)...
Dịch vụ cảng biển đang được tỉnh tập trung đầu tư, nâng cấp trên quy mô lớn, thúc đẩy kinh tế biển phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Đỗ Phương
Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, từ tháng 3/2021, hàng loạt các giải pháp kích cầu du lịch đã được triển khai, với mục tiêu sớm thu hút dòng khách nội địa đến tỉnh, trên cơ sở đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch. Quý II/2021, Quảng Ninh phấn đấu thu hút 2,7 triệu lượt du khách (gấp 1,5 lần so với kịch bản đầu năm), doanh thu du lịch 5.400 tỷ đồng (gấp 1,5 lần so với kịch bản đầu năm). Theo báo cáo của Sở Du lịch, dự kiến trong năm 2021 toàn tỉnh tổ chức 87 hoạt động, sự kiện liên quan đến kích cầu, xúc tiến du lịch (33 hoạt động ở cấp tỉnh; 54 sự kiện ở cấp huyện). Riêng từ tháng 3 đến tháng 5 sẽ tổ chức 31 sự kiện, hoạt động, nhằm khai thác hiệu quả tối đa thị trường khách nội địa và sẵn sàng đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép. Sở Du lịch đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp đẩy mạnh liên kết hàng không, du lịch, điểm đến, doanh nghiệp và liên kết vùng trong phát triển du lịch, dịch vụ; xây dựng các chương trình du lịch hấp dẫn, đặc sắc, có điểm nhấn, nhất là tại các địa bàn du lịch phát triển của tỉnh như Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô, Uông Bí, Móng Cái;...
Sở NN&PTNT đang phối hợp với các địa phương tập trung cơ cấu lại sản xuất, đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi biển bền vững theo quy hoạch. Đồng thời, khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa có giá trị, nhất là tại địa bàn Ba Chẽ, Hạ Long; thực hiện có hiệu quả chuyển diện tích rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng cảnh quan.... Qua đó, góp phần tăng trưởng bền vững ngành Nông nghiệp, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu phấn đấu quý II/2021, tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3,9%.
Để đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách, ngành Thuế đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng nhiều kịch bản thu trong các tình huống để điều hành chi, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết và thực hiện tiết kiệm chi 10% chi thường xuyên. Tăng cường các biện pháp tăng thu, rà soát, cơ cấu lại nguồn thu, chống thất thu… khai thác nguồn thu mới để bù đắp giảm thu ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ; tăng tỷ lệ nộp thuế bảo vệ môi trường đối với sử dụng, tiêu thụ xăng dầu của ngành Than và các doanh nghiệp tại Quảng Ninh, đảm bảo đạt mục tiêu thu ngân sách đề ra. Ông Cao Ngọc Tuấn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết: Theo các kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường công tác phối hợp quản lý nhà nước trên 5 lĩnh vực là dịch vụ, khai thác khoáng sản, xây dựng, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh vận tải, các sở, ban, ngành, địa phương đã tích cực cung cấp thông tin cho ngành Thuế, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu ngân sách. Qua đó, góp phần tăng thu ngân sách địa phương.
Bãi tắm Hòn Gai đã được hoàn thiện, phục vụ nhân dân và du khách dịp hè 2021. Ảnh: Đỗ Phương
Các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, cũng đang tích cực đẩy mạnh hoạt động SXKD, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm, đóng góp cho tăng trưởng của tỉnh. Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết: Để đảm bảo các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển SXKD của Tập đoàn, cũng như mục tiêu đóng góp ngân sách cao nhất cho tỉnh, từ đầu năm tới nay, TKV đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường hoạt động SXKD; tích cực ứng dụng công nghệ trong khai thác để tăng sản lượng, chất lượng; tiết kiệm chi phí sản xuất;...
Đến hết quý I/2021, các chỉ tiêu chính của TKV đã hoàn thành từ 24-26% kế hoạch năm: Sản xuất 9,78 triệu tấn than nguyên khai; than tiêu thụ 10,2 triệu tấn; nộp ngân sách nhà nước 5.300 tỷ đồng, đạt 29% kế hoạch năm. TKV phấn đấu, quý II/ sản xuất 10,6 triệu tấn than, than tiêu thụ đạt 11 triệu tấn; kết thúc 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu SXKD đạt trên 52% kế hoạch năm.
Vân Du