Trước "sức ép" về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của tỉnh, các chủ đầu tư dự án sử dụng ngân sách Nhà nước đang tích cực vào cuộc triển khai một cách quyết liệt, phấn đấu đến 30/9 sẽ giải ngân toàn bộ nguồn vốn.
Công ty CP Đầu tư xây dựng, du lịch và thương mại Thẩm Gia thảm nhựa mặt đường dự án tuyến đường trục chính trung tâm KĐT Cái Rồng (Vân Đồn).
Theo số liệu tổng hợp từ Sở KH&ĐT, tổng kế hoạch vốn chi đầu tư công năm 2020 trên địa bàn tỉnh đến 15/6/2020 là trên 16.211 tỷ đồng, tăng trên 2.000 tỷ đồng so với kế hoạch giao đầu năm, chiếm 55,6% tổng chi ngân sách địa phương. Trong đó, ngân sách Trung ương trên 1.030 tỷ đồng; ngân sách tỉnh trên 7.250 tỷ đồng; ngân sách huyện, xã trên 7.930 tỷ đồng.
Mặc dù do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến vốn giải ngân thực hiện chậm so với kế hoạch, song các chủ đầu tư cũng đã rất nỗ lực triển khai, nhất là sau khi có Văn bản số 3280/UBND-XD ngày 18/5/2020, của UBND tỉnh. Theo đó, chậm nhất đến 30/6, các chủ đầu tư phải giải ngân đạt 50% kế hoạch vốn, đến 30/9 phải hoàn thành kế hoạch vốn giải ngân.
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước đến ngày 15/6, tổng nguồn vốn kế hoạch giải ngân trên địa bàn đạt trên 4.154 tỷ đồng, đạt 25,6% so với kế hoạch, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nguồn vốn Trung ương giải ngân đạt 28,3%, ngân sách tỉnh giải ngân đạt 29,2%, ngân sách huyện, thị xã, thành phố giải ngân đạt 22%. Nếu loại trừ các khoản chưa phân bổ, gồm nguồn dự kiến thu từ 5 dự án được ứng vốn từ Quỹ bảo vệ môi trường và phát triển đất chưa thu, kinh phí GPMB đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, nguồn vốn chưa phân bổ cho một số dự án khác…, thì tỷ lệ giải ngân phần ngân sách tỉnh đạt 37,5% và tỷ lệ giải ngân chung toàn tỉnh sẽ đạt 29%.
Đơn vị nhà thầu thi công tuyến đường nối Tỉnh lộ 331B với đường 338 (TX Quảng Yên).
So với kết quả giải ngân vốn đến ngày 26/5, thì đến ngày 15/6, kết quả giải ngân vốn đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị giải ngân tăng. Đơn cử như Sở Văn hóa - Thể thao, giải ngân vốn từ 0%, tăng lên 29,3%; Sở NN&PTNT từ 17,7%, tăng lên 35,5%; Ban Quản lý các dự án công trình giao thông từ 41,5% tăng lên 56,1%; UBND TP Uông Bí từ 29,3% tăng lên 39,7%; UBND TX Đông Triều từ 23,8% tăng lên 39,1%;... Trong tổng số nguồn vốn được giải ngân, đảm bảo tiến độ, tỉnh ghi nhận ở 136 dự án chuyển tiếp, với kế hoạch vốn trên 5.655 tỷ đồng. Đến thời điểm ngày 15/6, tỷ lệ giải ngân tại các dự án này đạt trên 32% kế hoạch vốn.
Ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Ban Quản lý các dự án công trình giao thông tỉnh, cho biết: Ngay sau khi có chỉ đạo của tỉnh về thực hiện giải ngân vốn đầu tư XDCB, đơn vị đã tổ chức họp thống nhất trong toàn thể cán bộ lãnh đạo, kỹ thuật và các đơn vị nhà thầu quán triệt tinh thần chung, phải huy động nguồn nhân lực, trang thiết bị máy móc kỹ thuật đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, nhất là đối với những dự án động lực, trọng điểm có nguồn vốn giải ngân lớn trong năm 2020. Trong quá trình thực hiện quản lý xây dựng, giải ngân vốn, nếu xét thấy dự án nào có tiến độ thi công chậm, sẽ báo cáo tỉnh xem xét xử lý nhà thầu. Mục tiêu cao nhất của đơn vị là sẽ phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn theo kế hoạch và chỉ đạo của tỉnh.
Dự án cầu Triều đang được các đơn vị nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020.
Bên cạnh những dự án được triển khai tích cực, đảm bảo tỷ lệ giải ngân, hiện toàn tỉnh vẫn còn 20 dự án chưa có kết quả giải ngân, với tổng nguồn vốn trên 987 tỷ đồng.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của cả nước, UBND tỉnh quyết định sẽ điều hòa nguồn vốn đã bố trí năm 2020 của các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khối lượng hoàn thành, dự án động lực, trọng điểm của tỉnh. Riêng đối với các dự án khởi công mới năm 2020 (ngoài dự án được xác định động lực, trọng điểm; dự án có tổng mức, quy mô nhỏ và chủ đầu tư cam kết đảm bảo kết quả giải ngân), nếu dự án nào không đảm bảo tỷ lệ giải ngân (thấp dưới 30% tính đến 15/6) sẽ điều chỉnh giảm 50% kế hoạch vốn bố trí năm 2020.
Đối với các dự án chuyển tiếp chậm giải ngân, sẽ điều hòa 30% kế hoạch vốn đã bố trí năm 2020 sang các dự án khác có khối lượng hoàn thành, dự án động lực, trọng điểm, thu hút đầu tư. Trong đó, phải kể đến các dự án phải điều hòa nguồn vốn như: Dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên; cải tạo, nâng cấp đường thị trấn Bình Liêu - Húc Động (Bình Liêu); dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Lão Khoa; đầu tư xây dựng Hồ Khe Giữa (TP Cẩm Phả); đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung tại xã Hải Lạng (Tiên Yên); đường trục chính thứ 2 của KCN Cảng biển Hải Hà; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 331B đoạn Chợ Rộc - Bến Giang (TX Quảng Yên); dự án cải tạo, nâng cấp đường trung tâm đảo Cái Chiên (Hải Hà).
Mạnh Trường