Chính phủ vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra 4 hậu quả lớn do chậm giải ngân vốn đầu tư công, là “nút thắt cổ chai” đối với nền kinh tế và nhấn mạnh, quyết cắt vốn, chuyển vốn từ các công trình, dự án không giải ngân được cho các công trình, dự án khác giải ngân vốn kịp thời, hiệu quả hơn...
Đầu tư công đóng góp lớn vào tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong thực hiện các công trình hạ tầng quan trọng. Thực tế cho thấy, đầu tư công chiếm tới 10,7% tổng giá trị GDP, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019.
Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công diễn ra từ nhiều năm nay, đã gây ra “nút thắt cổ chai” đối với sự phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, năm 2019, tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Hệ lụy của tình trạng này, trước hết là ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP. Hệ lụy tiếp theo là với những dự án lớn, những hạ tầng quan trọng, vốn đầu tư công thường là một trong những nguồn lực quan trọng, do vậy khi bị chậm sẽ kéo lùi các nguồn vốn đối ứng khác của tư nhân, nước ngoài, ảnh hưởng đến huy động vốn xã hội, đồng thời cũng ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ. Tiếp đến là gây lãng phí lớn, khi tiền nằm im, trong khi Chính phủ vẫn phải trả thêm chi phí vốn. Và hệ lụy nữa là doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm, uy tín làm ăn giảm sút...
Mặc dù tình trạng chung trong cả nước 9 tháng qua là giải ngân đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có nhiều ngành, địa phương tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 10-15%. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những bộ, ngành, địa phương tỷ lệ giải ngân đạt cao, đạt tới 70-80%, thậm chí cao hơn nữa. Rõ ràng ở đây có cả yếu tố nguyên nhân khách quan và chủ quan...
Để giải quyết và khắc phục “nút thắt” này, bên cạnh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là quyết cắt vốn, chuyển vốn từ các công trình, dự án không giải ngân được cho các công trình, dự án khác sử dụng vốn có hiệu quả, kịp thời hơn; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách; nâng cao trách nhiệm của các chủ đầu tư, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Chính phủ xem xét ban hành nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công, trên cơ sở các ý kiến tham luận tại Hội nghị...
Liên quan đến vấn đề này, Quảng Ninh cũng đang quyết liệt chỉ đạo tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đối với các sở, ngành, địa phương của tỉnh. Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng đã chỉ đạo, nếu sau ngày 30/9, các chủ đầu tư dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công có tỷ lệ giải ngân vốn dưới 30%, UBND tỉnh sẽ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời sẽ chuyển toàn bộ nguồn vốn của các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án, công trình khác có nhu cầu.
Tại Thông báo Kết luận số 173/TB-UBND ngày 30/8/2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê bình các đơn vị đến thời điểm đó có tỷ lệ giải ngân đạt 0% và yêu cầu thủ trưởng các chủ đầu tư trực tiếp chỉ đạo làm rõ nguyên nhân việc chưa giải ngân và có biện pháp, kế hoạch cụ thể để khắc phục ngay...
Rõ ràng, tác động, ảnh hưởng của vốn đầu tư công đối với sự phát triển của ngành, địa phương, quốc gia là rất lớn, như Thủ tướng Chính phủ đã phân tích và nhấn mạnh. Vì vậy, để hoàn thành tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả năm 2019 cũng như các tháng cuối năm, các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư cần nhanh chóng có những cách thức, giải pháp hữu hiệu để hoàn thành kế hoạch giải ngân đã được phân bổ trong năm nay, tạo đà, cơ sở cho sự phát triển của tỉnh trong năm 2019 và những năm tiếp theo...
Thanh Tùng