Chia sẻ trên báo chí mới đây, chuyên gia BĐS cá nhân Phan Công Chánh cho rằng khi dịch được kiểm soát, thị trường sẽ xuất hiện làn sóng nhà đầu tư F0 chứng khoán và các kênh đầu tư khác bỏ tiền vào BĐS để giữ tài sản.
Theo ông Phan Công Chánh, do dịch nên các khoản đầu tư của nhà đầu tư đang bị sụt giảm về thanh khoản, một vài nơi giảm giá cũng khiến tâm lý của nhà đầu tư bị xáo trộn. Tuy nhiên, nhìn xa hơn thì rất có thể làn sóng F0 sẽ quay trở lại thị trường BĐS khi tình hình ổn định. Điều này có thể khiến thị trường "tăng nhiệt".
Trước đó, vị chuyên gia này cũng đã chỉ ra làn sóng của nhà đầu tư F0 âm thầm vào thị trường BĐS khiến một số khu vực trở nên nóng thời điểm sau Tết nguyên đán. So với NĐT F0 ở lĩnh vực chứng khoán thì F0 BĐS cần dòng vốn lớn hơn để vào thị trường. Bên cạnh đó, về tính thanh khoản, hiện tại BĐS kém hơn chứng khoán nhưng bù lại BĐS lại có tính bền vững hơn.
"Ở một số thời điểm, ưu tiên hàng đầu của NĐT là chứng khoán nhưng có nhiều NĐT có kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán cũng như người dân tiền tích lũy vẫn ở trạng thái chờ để vào BĐS", ông Chánh khẳng định.
Với nhà đầu tư F0, ông Chánh cho rằng, họ luôn là đối tượng chờ đợi cơ hội của thị trường và hồ hởi tham gia thị trường. Thời điểm sau Tết nguyên đán, đối tượng nhà đầu tư này đã từng chuyển dòng tiền từ kênh khác sang BĐS. Tuy vậy, sẽ lấy một phần vốn và lợi nhuận thắng chứng khoán để bỏ vào BĐS, chứ không ồ ạt. Những NĐT này cũng ở trạng thái thăm dò thị trường để giải ngân. Họ rút vốn từ từ, từng bước, không giải ngân liền do tâm lý còn e dè với Covid-19.
Rõ ràng, những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế khiến sự kỳ vọng của các NĐT vào bất động sản cũng đang lớn dần. Và, theo một số chuyên gia làn sóng F0 sẽ tiếp tục là đối tượng khiến thị trường ấm lên.
Rõ ràng, mặc dù thị trường đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19 kinh tế bị ảnh hưởng nhưng bù lại nhà nước lại đổ ngân sách vào đầu tư công làm trụ đỡ cho nền kinh tế. Chính yếu tố đầu tư công khiến BĐS được hưởng lợi gián tiếp. Những thông tin về trường, trạm, sân bay, bến cảng, cao tốc.. kích thích giá BĐS tăng trưởng. Theo đó, câu chuyện của BĐS năm 2021 là giá BĐS không giảm mặc dù tính thanh khoản không cao.
Còn tâm lý "chờ lâu quá bị mỏi, có tiền tôi sẽ bỏ vào BĐS" cũng sẽ thể hiện rõ nét sau khi dịch được kiểm soát tốt. Theo đó, một số chuyên gia cho rằng, cuối năm 2021 đến đầu năm 2022 rất có thể sẽ có hiện tượng sốt BĐS cục bộ trên thị trường.
Chia sẻ trước đó, TC Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cũng cho rằng, những nhà đầu tư mới F0 này có thể chia thành 2 nhóm: Nhóm thứ nhất là đã có nhà và đang dôi dư một khoản tiền mặt được tích lũy từ lâu nay, thường có chút kinh nghiệm. Bất động sản nhóm này ưa thích là đất nền vùng ven ở các tỉnh với giá trị vừa phải; Nhóm thứ hai là chưa có nhà nhưng họ chấp nhận ở nhà thuê để tiền đi đầu tư bất động sản. Ví dụ như những bạn trẻ đang có khoản tiền từ vài trăm đến 1 tỷ đồng, mua bất động sản và thường họ kỳ vọng rất lớn về việc tăng giá 20 - 30% sau 1 năm.
Các nhóm này đang rất mạnh mẽ trên thị trường, cho nên dịch có thể làm gián đoạn tạm thời khả năng vào thị trường của họ, nhưng khi dịch được kiểm soát làn sóng đầu tư BĐS có thể tiếp tục trỗi dậy.
Theo các chuyên gia, mặc dù không có thống kê cụ thể về số lượng nhà đầu tư mới vào thị trường BĐS nhưng rõ ràng, dòng tiền này đã và đang giúp thị trường không bị trầm lắng, mà vẫn giữ được đà tăng trong nhiều năm qua. Có thể họ đã bị sa lầy ở cơn sốt đất nhưng không có nghĩa là "triệt tiêu" việc họ bỏ tiền vào BĐS.
Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, đó là những NĐT tầm nhìn đầu tư ngắn hạn, không bền vững nhưng đối tượng này rất mạnh mẽ khi vào thị trường ở một thời điểm nào đó. Chẳng hạn như, sau Tết Nguyên đán có đến 30-40% lực lượng đến từ nhà đầu tư mới vào thị trường BĐS, khiến thị trường sục sôi, nóng sốt.
"BĐS vẫn là kênh được NĐT ưu tiên, thị trường BĐS năm 2021 vẫn có nhiều điểm sáng, dĩ nhiên NĐT cần thận trọng hơn khi vào thị trường, hiểu được nguồn lực của mình để có tiêu chí đầu tư rõ ràng", ông Chánh từng dành lời khuyên.