Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà là Trưởng Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.
Sau nhiều năm, Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ nhiều lỗ hổng cần sửa đổi.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập, nhóm chuyên gia và ban hành Kế hoạch xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà là Trưởng Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, đồng thời là Tổ trưởng Tổ biên tập và thường trực Tổ biên tập.
Theo Quyết định, nhóm chuyên gia có trách nhiệm nghiên cứu, tư vấn ban soạn thảo, tổ biên tập và tham gia góp ý trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý và hoàn thiện dự án.
Ban soạn thảo, tổ biên tập có trách nhiệm phối hợp đơn vị được giao chủ trì soạn thảo và các đơn vị có liên quan để hoàn thành việc soạn thảo dự án luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ và các thủ tục do pháp luật quy định để trình Chính phủ và Quốc hội.
Một số nội dung công việc liên quan đến kế hoạch xây dựng, trình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai: Tham vấn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Tham vấn kinh tế đất, giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Tham vấn quy định chung, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm liên quan đến đất đai…
Theo Nghị quyết số 57/2018/QH14, dự án Luật Đất đai thuộc Chương trình năm 2019 (cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8). Tuy nhiên, trong tờ trình vừa gửi lên Quốc hội, Chính phủ trước kỳ họp tháng 6 đã đề nghị rút dự án luật này ra khỏi Chương trình năm 2019.
Tại thời điểm đó, Chính phủ cho biết, hiện nội dung còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn, như các vấn đề: đất cơ sở tôn giáo; người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai; quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, kinh tế đất, tích tụ tập trung đất đai; căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, nhà ở khách sạn…
Bên cạnh đó, ngày 06/9/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI, trong đó Bộ Chính trị chưa đặt ra yêu cầu về sửa đổi, bổ sung ngay Luật Đất đai mà giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ “chỉ đạo kịp thời việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới Luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai”.
Theo đó, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi Luật, trình Chính phủ sau năm 2020.
Luật Đất đai năm 2013 dù mới có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014 nhưng từ cuối năm 2017, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu sửa đổi. Đây là một trong số những dự án nhận được sự quan tâm của người dân và giới chuyên môn.
Trước đó, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường từng chia sẻ, có 2 lý do đặt ra yêu cầu sửa Luật Đất đai ở thời điểm này. Thứ nhất là cần sửa ngay những quy định chưa phù hợp với thực tiễn. Thứ hai, yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới đòi hỏi những đột phá về chính sách để tạo động lực mới cho phát triển.
"Chính sách đất đai, một trong những yếu tố đầu vào quan trọng của hoạt động kinh tế - xã hội, cần phải tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới để giải phóng các nguồn lực khác như lao động, khoa học và nguồn vốn xã hội cho phát triển", Bộ trưởng cho biết.
Thực tế trong thời gian qua đã xảy ra hàng loạt sai phạm liên quan đất đai ở mức độ nghiêm trọng như vụ việc Vũ "nhôm", Út "trọc", Thủ Thiêm... Trong đó, một trong những bài toán khó được đặt ra là sửa đổi quy định về giá đất - lỗ hổng dễ bị trục lợi làm thất thu ngân sách.
Phương Dung