Trong bối cảnh khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực, kéo dài, để vừa giữ vững địa bàn an toàn, vừa giữ được đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới yêu cầu đặt ra cho năm 2021 đối với tỉnh Quảng Ninh cũng như các địa phương trong tỉnh là phải xác định được những năng lực tăng trưởng mới.
Theo Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 2/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thì 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2021. Trong đó, 4 lĩnh vực được xác định là động lực trọng tâm, gồm: đầu tư, xây dựng, sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu sẽ phải là năng lực tăng trưởng mới của tỉnh trong năm 2021.
Cụ thể, đối với lĩnh vực đầu tư, xây dựng bài học kinh nghiệm từ việc quyết liệt tái cơ cấu đầu tư công, “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” đã trở thành một trong những cứu cánh cho việc đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2020. Vì vậy, năm 2021, tỉnh đã xác định rất rõ, tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể. Trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghệ, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển.
Trong đó, các dự án công trình trọng điểm sẽ phải phấn đấu hoàn thành trong năm là đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, 3. Đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án: Nút giao Đầm Nhà Mạc, Dự án Đường nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (tại Km6+700) đến đường tỉnh 338 - Giai đoạn 1; khởi công dự án tuyến đường tốc độ cao ven sông tuyến miền Tây; nghiên cứu tuyến đường kết nối từ Cầu Cửa lục 2 lên Đông Sơn, Kỳ Thượng đến Quốc lộ 4B… Kêu gọi, thu hút đầu tư Cảng Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Vạn Ninh… Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, trọng tâm là Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên và các KCN (Việt Hưng, Đông Mai, Sông Khoai, Đầm Nhà Mạc, Amata, Cảng biển Hải Hà..), trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, hạt nhân, động lực tăng trưởng mới.
Đối với lĩnh vực tiêu dùng và xuất khẩu, trên cơ sở các ngành kinh tế lợi thế của tỉnh như du lịch, dịch vụ sẽ nhanh chóng cơ cấu lại ngành sau đại dịch COVID-19; phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế. Thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực, thương hiệu mạnh, đầu tư quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại, phát triển du lịch, dịch vụ đẳng cấp, bền vững; phát triển du lịch cộng đồng; bảo tồn và phát huy bền vững Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn, Kỳ Thượng; hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản thế giới đối với quần thể di tích và danh thắng Yên Tử. Khai thác tối ưu hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cả đường bộ, đường hàng không và đường thủy, hàng hải quốc tế và lợi thế khác biệt về thị trường, địa kinh tế để tạo bước phát triển đột phá về dịch vụ vận tải, kinh tế thương mại, kinh tế biên mậu. Triển khai mô hình kinh tế đêm tại các đô thị, khu vực có lợi thế. Kết nối đẩy mạnh phát triển dịch vụ hàng không, tài chính, bảo hiểm, thông tin, truyền thông, khoa học và công nghệ... Phát triển dịch vụ logistics chuyên nghiệp, trọng điểm là cảng Hòn Nét - Con Ong, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, cảng biển Hải Hà, cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, Tuần Châu.
Với lĩnh vực sản xuất công nghiệp thu hút các dự án đầu tư công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với phát triển các KCN bền vững, theo mô hình “3 trong 1” khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ, với kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên, đất đai, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước. Đẩy nhanh tốc độ tái đàn lợn, nuôi gia cầm, nuôi trồng thủy sản để phục vụ nhu cầu tại chỗ và xuất khẩu; hình thành, phát triển chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông sản trong và ngoài tỉnh và xuất khẩu. Trong sản xuất nông nghiệp là tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển toàn diện cả về nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại, gia tăng giá trị, phát triển bền vững, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp, trong đó đổi mới cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế của từng vùng. Đẩy nhanh tốc độ tái đàn lợn, nuôi gia cầm, nuôi trồng thủy sản để phục vụ nhu cầu tại chỗ và xuất khẩu; hình thành, phát triển chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông sản trong và ngoài tỉnh và xuất khẩu.
Trên đà tăng trưởng của năm 2020, kế thừa những kết quả đạt được, tranh thủ tận dụng tối đa cơ hội an toàn dịch để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục tìm ra, khai thác hiệu quả các năng lực tăng trưởng mới trong bối cảnh, tình hình mới.
Ngọc Lan