Hiện nay, nguồn cung toàn cầu của bất động sản hàng hiệu là 580 dự án và con số này được dự báo tiếp tục tăng lên gần gấp đôi vào năm 2026 với 900 dự án. Việt Nam và Mexico hiện đang dẫn đầu phân khúc trên cao cấp (upper-upscale), đây cũng là phân khúc ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trên toàn cầu.
Vị trí của dự án là yếu tố tiên quyết ảnh hưởng tới giá trị và chênh lệch giá của bất động sản hàng hiệu. Nghiên cứu của Savills cho thấy tỷ lệ chênh lệch giá bình quân giữa bất động sản hàng hiệu và không có thương hiệu là 29%. Đối với thị trường mới nổi, con số này là 44%. Trong khi đó, những khu vực mới với ít dự án bất động sản hàng hiệu hơn ghi nhận sự chênh lệch giá giữa hai loại hình bất động sản ở mức gấp đôi.
Trong số 20 thị trường phát triển nhất, 13 địa điểm thuộc các khu nghỉ dưỡng hoặc khu vực dự án nổi bật mới nổi đã đón nhận sự tham gia của cả thương hiệu hạng sang và không xa xỉ. Mức chênh lệch giá tại các khu nghỉ dưỡng nằm ở mức 25% và giảm xuống còn 18% ở những đô thị phát triển. Đà Nẵng nằm trong top 20 thành phố hàng đầu về bất động sản hàng hiệu với mức tăng trưởng nguồn cung tương lai tới 57% từ các dự án hiện tại.
Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cho biết: Các dự án khác nhau nằm ở những vị trí khác nhau sẽ có những đặc điểm riêng biệt. Bởi vậy, quy mô cho bất động sản hàng hiệu cũng sẽ đa dạng hơn. Xét về góc độ đầu tư, những yếu tố này góp phần mang lại ưu thế vượt trội cho thị trường bất động sản hàng hiệu, giúp thu hút người mua và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Giá trị của bất động sản hàng hiệu còn được định vị bởi tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ gắn liền với danh tiếng thương hiệu. Theo đó, người sở hữu sẽ được đảm bảo về phương thức quản lý chuyên nghiệp, cao cấp và được vận hành theo một quy trình đã được nghiên cứu kỹ lưỡng.
“Một dự án bất động sản hàng hiệu sẽ đi kèm chất lượng quản lý và vận hành chuyên nghiệp để đảm bảo giá trị và định vị của sản phẩm. Tiềm năng của lĩnh vực này tại thị trường Việt Nam nằm chủ yếu ở khách hàng nước ngoài bởi đây là đối tượng khách hàng đã quen thuộc với các thương hiệu và có xu hướng lựa chọn loại sản phẩm này”, ông Matthew nhận định.
Dịch Covid-19 đã thay đổi tâm lý và nhu cầu của người mua, tập trung vào những bất động sản có diện tích lớn, khu vực ngoài trời riêng tư và các tiện ích chăm sóc sức khỏe. Theo đó, bất động sản hàng hiệu trên thế giới đang có sự gia tăng về số lượng và tính đa dạng đối với các dịch vụ liên quan đến sức khỏe, chiếm 21% trên tổng số các dịch vụ cho người sử dụng. Ngoài các dịch vụ tiêu chuẩn về chăm sóc sức khoẻ như trung tâm thể dục và bể bơi, các dự án bất động sản hàng hiệu đang ghi nhận sự gia tăng của nhiều tiện ích sức khoẻ đa dạng hơn như spa, xông hơi, trị liệu.
Bên cạnh đó, đại dịch đã khiến người mua ngày càng quan tâm hơn tới tiện ích phục vụ cho xu hướng làm việc tại nhà. Theo báo cáo của Savills, Internet tốc độ cao là tiện ích quan trọng nhất đối với người mua bất động sản hàng hiệu. Đối với chủ đầu tư, bên cạnh tiêu chuẩn thiết kế đến từ thương hiệu, lượng khách hàng của bất động sản hàng hiệu được mở rộng tới những người quan tâm tới thương hiệu đó. Đáng chú ý, thị trường ghi nhận sự đa dạng hoá về các thương hiệu tham gia trong vòng một thập kỷ qua. Nếu như trước đây, các thương hiệu khách sạn chiếm phần lớn thị phần, thì hiện nay, không chỉ những thương hiệu thuộc nhóm khách sạn mà các thương hiệu thuộc nhóm phong cách sống cũng đã gia nhập thị trường. Có thể nói, nhận thức về giá trị thương hiệu trong thị trường bất động sản sẽ là một ưu thế so với những bất động sản không có thương hiệu cùng phân khúc.