Bằng ý chí tự lực, tự cường, sau 7 năm kể từ ngày khởi công tuyến cao tốc đầu tiên (2015), cuối năm 2022, Quảng Ninh sẽ chính thức đưa thêm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vào khai thác, để kết nối Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đến trung tâm kinh tế lớn của đất nước là Thủ đô Hà Nội, hoàn thành chuỗi cao tốc dọc tỉnh với chiều dài gần 200km. Dù thi công trong bối cảnh hết sức khó khăn, song với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, công trình đột phá của Quảng Ninh sẽ được đền đáp xứng đáng.
Công trình "vượt bão Covid"
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được khởi công từ giữa năm 2019 trong tâm thế đầy tự hào, khi cuối năm 2018 Quảng Ninh vừa đưa vào khánh thành cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, được Bộ GTVT và Chính phủ đánh giá là kỳ tích, sự đột phá mới mẻ, là địa phương điển hình về xây dựng hạ tầng giao thông trong toàn quốc, nơi khởi phát các ý tưởng phát triển.
Tuy nhiên, chỉ sau nửa năm, khi công tác chuẩn bị cho tổ chức thi công đang bắt đầu, bên kia biên giới dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ và lan rộng toàn cầu. Hàng loạt giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh được triển khai, trong đó có cả giãn cách xã hội…
Điều này ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động đời sống xã hội, trong đó có ảnh hưởng trực tiếp đến công trường thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, việc huy động lao động, thiết bị và các chuyên gia kỹ thuật gặp khó khăn khi đi lại giữa các khu vực bị ngăn cách. Đặc biệt, giá nguyên vật liệu liên tục tăng, nhất là sắt thép tăng gấp 2 lần so với trước khi có dịch; công tác GPMB lớn nhất từ trước đến nay với gần 190ha đất phải thu hồi trong thời gian ngắn, liên quan đến hàng nghìn hộ dân và nhiều công trình công cộng khác...
Đã có thời điểm, công trường thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái ở vào thế bế tắc khi phương án tài chính của nhà đầu tư gặp khó khăn; các yếu tố kỹ thuật phức tạp, nhiều vị trí thi công không thể triển khai do thiếu chuyên gia kỹ thuật; tâm lý nhiều công nhân bất an do hơn 1 năm chưa về thăm nhà, phấp phỏng với nhiều nỗi lo gia đình; công tác tổ chức thi công tại công trường cầm chừng, chậm, nhiều nhà thầu đã chủ động xin rút khỏi dự án…
Trước những khó khăn, thách thức để hoàn thiện "mảnh ghép" cuối cùng chuỗi cao tốc dọc tỉnh, với quan điểm, phương châm hành động: Hiệu quả của nhà đầu tư là thành công của tỉnh… Quảng Ninh đã nhanh chóng vào cuộc với quyết tâm không để "đứt gãy" sự phát triển, kiên định thực hiện lời hứa với nhân dân, với tinh thần cầu thị, tích cực và quyết liệt.
Để đảm bảo phương án tài chính, tháng 7/2020, tỉnh đã tách cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thành 2 dự án độc lập, gồm: Vân Đồn - Tiên Yên triển khai đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và Tiên Yên - Móng Cái đầu tư theo hình thức BOT. Đối với khó khăn về mặt bằng phục vụ thi công, tỉnh đã phát động Chiến dịch “30 ngày đêm” hoàn thành công tác GPMB, với quan điểm phải tạo sự đồng thuận, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân.
Theo đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để làm tốt công tác dân vận; khơi dậy niềm tự hào, giá trị văn hóa con người Quảng Ninh, qua đó nhân dân đồng thuận tự nguyện bàn giao mặt bằng. Một kỷ lục mới về GPMB được xác lập khi chỉ với 15 ngày đêm, Quảng Ninh đã hoàn thành thu hồi gần 190ha đất, liên quan đến gần 1.200 hộ dân, tại 5 địa phương trong tỉnh.
Tỉnh cũng vận hành cao nhất cơ chế phòng, chống dịch Covid-19 ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương với các kịch bản, quy trình phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới. Chủ động ứng phó có hiệu quả với các tình huống nảy sinh theo chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Các công trường thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được chuyển sang trạng thái khép kín; các địa phương chủ động chuẩn bị khu cách ly tập trung riêng cho công nhân, người lao động tham gia thi công cao tốc để kịp thời bổ sung nhân lực. Riêng khó khăn về giá thành nguyên vật liệu đã được giải quyết thông qua việc bổ sung nhà thầu có năng lực, thực hiện điều chuyển khối lượng, hạng mục giữa các gói thầu khác nhau.
Ông Phan Trung Hiếu, Tổng Giám đốc Doanh nghiệp dự án, điều hành cao tốc đoạn Tiên Yên - Móng Cái, cho biết: Bên cạnh siết chặt các yếu tố về kỹ thuật, mỹ thuật công trình, chủ đầu tư luôn dành sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện để các nhà thầu thi công dự án được hiệu quả, thuận lợi. Cụ thể, luôn đảm bảo, đáp ứng đầy đủ về tài chính cho các nhà thầu theo quy định; giải quyết nhanh thủ tục hồ sơ nghiệm thu, thanh quyết toán; nắm bắt khó khăn để kịp thời đồng hành tháo gỡ như các vấn đề về nguồn đất, bãi đổ thải và mời chuyên gia có kinh nghiệm để hỗ trợ nhà thầu triển khai những hạng mục khó. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 và thời tiết cực đoan, bất lợi, đã triển khai hỗ trợ kinh phí để nhà thầu duy trì, giữ chân lao động, có thời điểm lên đến gần 1.000 người…
Bằng niềm tin và nghị lực, sự đồng bộ trong điều hành, chỉ đạo, sau hơn 1.000 ngày quyết tâm vượt khó, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã thông xe toàn tuyến và cơ bản hoàn thành các hạng mục thi công chính. Hiện dự án đang tập trung cho công tác hoàn thiện, toàn thể cán bộ, công nhân trên công trường đang phát huy ý chí tiến công "vượt nắng, thắng mưa", tổ chức triển khai hiệu quả các phần việc với quyết tâm không để đứt gãy sự phát triển.
Sẵn sàng đưa công trình vào khai thác
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là tuyến cao tốc đặc biệt, không chỉ là đoạn tuyến cuối cùng của chuỗi cao tốc dọc tỉnh, mà còn giữ nhiều kỷ lục của Quảng Ninh như: Công trình có tiến độ GPMB nhanh nhất từ trước tới nay; sở hữu nhiều cây cầu vượt biển, vượt sông suối nhất (với 32 cây cầu trên toàn tuyến); sở hữu cầu Vân Tiên dài nhất tỉnh hiện nay. Công trình còn có nhiều hạng mục không chỉ đạt kỷ lục về quy mô, mà còn đạt kỷ lục về thời gian, mang đậm yếu tố quyết liệt, đổi mới, đột phá của Quảng Ninh dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Theo kế hoạch mới nhất được UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh, công trình sẽ đưa vào khai thác trong quý III/2022. Đến thời điểm hiện tại, các hạng mục hoàn thiện dự án đang được tập trung hoàn thành trong khí thế thi công rất khẩn trương của gần 2.000 cán bộ, công nhân, với hàng trăm mũi thi công được triển khai đồng loạt 3 ca liên tục, không ngơi nghỉ. Đây cũng là giai đoạn rất mất thời gian và đòi hỏi yêu cầu rất chặt chẽ về kỹ thuật, mỹ thuật.
Do đó, chủ đầu tư, tư vấn giám sát đã thiết lập hệ thống quản lý chất lượng theo quy định; lập biểu đồ thi công cho các hạng mục còn lại; tăng cường công tác giám sát chặt chẽ, thực hiện kiểm tra, nghiệm thu độc lập trên cơ sở các quy định của pháp luật. Đồng thời, tập trung thực hiện một cách đồng bộ, nghiêm túc các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, nhất là các vị trí mái ta luy, khớp nối đầu cầu, các hạng mục phụ trợ, đường gom dân sinh, hệ thống rãnh thoát nước đồng bộ, rà soát lớp thiết bị chống chói tại các đoạn đường cong… theo kiến nghị của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước; tiến hành thử tải công trình... tuyệt đối không để xảy ra sai sót làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình.
Theo đánh giá từ Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, tháng 5 vừa qua, các hạng mục công trình cao tốc Vân Đồn - Móng Cái bám sát thiết kế, kỹ thuật, mỹ thuật được phê duyệt, đảm bảo các yếu tố về chất lượng, an toàn khai thác. Trong giai đoạn triển khai những hạng mục hoàn thiện tiếp theo, Hội đồng tiếp tục nghiệm thu để chỉ ra một số vấn đề cần rà soát, điều chỉnh trước khi chính thức hoàn thành thi công dự án.
Để đưa công trình vào khai thác, thủ tục pháp lý hiện đang rất phức tạp, chủ đầu tư cần hoàn thiện tổng số 40 thủ tục, tiến độ hiện tại đang phụ thuộc nhiều vào Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan. Vì thế, chủ đầu tư đang phối hợp với các cơ quan để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đồng bộ các hạng mục thủ tục, tiến hành thẩm tra, thẩm định công tác an toàn giao thông, lập phương án tổ chức giao thông để đảm bảo đầy đủ điều kiện trước khi đưa vào khai thác dự kiến trong quý III theo kế hoạch điều chỉnh.
Có thể thấy, sau nhiều nỗ lực, "mảnh ghép" cuối cùng chuỗi cao tốc dọc tỉnh đang dần hoàn thành, tạo nên một “bức tranh” khá hoàn chỉnh về phát triển hạ tầng giao thông ở Quảng Ninh. Tuyến cao tốc hình thành, Quảng Ninh sẽ là tỉnh sở hữu đường cao tốc dài nhất Việt Nam hiện nay, tuyến cao tốc ven biển duy nhất kết nối trực tiếp, đồng bộ tới cả 3 KKT gồm: KKT Ven biển Quảng Yên, KKT Vân Đồn và KKT Cửa khẩu Móng Cái, phù hợp với định hướng tổ chức không gian lãnh thổ của Quảng Ninh là: “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá”, mở rộng cánh cửa kết nối Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc, đón nhận nhiều cơ hội mới.