Hotline: 098.256.8899
Chat Facebook
Chat Zalo
Gọi ngay
098.256.8899  -  091.689.7273
Tìm kiếm nhà đất
Nhà phố Harbor Bay Hạ Long

Phát triển bền vững ở Quảng Ninh: Triển vọng và những thách thức đặt ra

Cập nhật: 04/12/2020 -
Lượt xem:439

Là tỉnh ở địa đầu Tổ quốc, tựa lưng vào núi rừng trùng điệp cánh cung Đông Bắc, nhìn xuống mặt tiền vịnh Bắc bộ với bờ biển khúc khuỷu nhiều cửa sông, Quảng Ninh hội tụ những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, có tiềm năng, lợi thế và sinh lực để bứt phá vươn lên. Trong những năm vừa qua, xét dưới góc độ nghiên cứu, địa phương đã đạt được rất nhiều thành tựu tích cực và tự hào, bên cạnh đó còn nhiều thách thức, đặt ra không nhỏ cần có giải pháp để phát triển kinh tế bền vững.

Giàu tiềm năng, lợi thế, triển vọng bứt phá

Quảng Ninh là mảnh đất địa đầu, có đường biên giới dài với Trung Quốc, có hệ thống giao thông, đường bộ, cao tốc, đường thuỷ, hàng không dễ dàng kết nối, trở thành trung tâm trung chuyển, giao thương hàng hóa trong nước và đầu mối thông thương khu vực, quốc tế. Được thiên nhiên ưu đãi, Quảng Ninh có “rừng vàng, biển bạc”, sông núi, nước non, có nguồn tài nguyên khoáng sản, nguyên, vật liệu cho các ngành sản xuất trong nước và xuất khẩu như than đá, đá vôi, đất sét… có những thương hiệu được thế giới biết đến như Than antraxit, gạch ngói Giếng Đáy, gốm Viglacera, ngói Hạ Long, sứ nặng lửa Đông Triều... Cùng với đó, Quảng Ninh có trên 600 di tích lịch sử, danh thắng, Vịnh Hạ Long – Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới, Yên Tử - dấu ấn của nhà Trần, trung tâm Phật giáo của Việt Nam, những điều kiện để phát triển các loại hình du lịch: Biển đảo, sinh thái, văn hóa lịch sử, tâm linh. Song quan trọng hơn, con người nơi đây có sự hội tụ của nhiều dân tộc anh em, sớm có truyền thống anh hùng cách mạng, vẻ vang của giai cấp công nhân Vùng mỏ, một trong những cái nôi của cách mạng Việt Nam với tinh thần, ý chí, lao động, sáng tạo, khát vọng bứt phá vươn lên… Những tiềm năng này là điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn về du lịch, dịch vụ, khai khoáng, kinh tế biển, cảng biển, vận tải biển, tài nguyên biển, đánh bắt nuôi trồng thuỷ sản biển…Những xung lực, yếu tố nội sinh quan trọng để xây dựng Quảng Ninh là tỉnh trọng điểm kinh tế, đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Tiềm năng, lợi thế hoà quyện với sức người căng tràn hào khí vươn lên, trong những năm vừa qua, kinh tế Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, bình quân 5 năm tăng 10,7%. Năm 2020, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, đạt 211.476 tỷ đồng, tăng gấp 1,86 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người gấp hơn 2 lần cả nước. Năng suất lao động xã hội năm 2020 đạt 292,9 triệu đồng/người, tăng gấp 1,77 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm lên 44,6%; công nghiệp - xây dựng 49%; nông, lâm, thủy sản giảm xuống 5,9%... Dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế...

 
Một góc đô thị TP Hạ Long. Ảnh: Đỗ Phương

Vị thế và kết quả quan trọng đạt được là nền tảng vững chắc, tiềm năng, xung lực để Quảng Ninh phấn đấu thực hiện mục tiêu chiến lược mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra: Đến 2025 trở thành tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống mọi mặt nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc với thu nhập bình quân 10.000 USD/người/năm.

Thách thức, mâu thuẫn nội tại đặt ra

Những thành tựu đạt được là dấu ấn quan trọng, chính trị, xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng cao, quốc phòng, an ninh đảm bảo với tiền đồ Tổ quốc ngày càng vững chắc, hướng tới tương lai, phát triển đúng như mong mỏi của Bác Hồ kính yêu “xây dựng Quảng Ninh giàu, đẹp”. Tuy nhiên, dưới góc độ thực tế còn có những thách thức đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh cần phải vượt qua để hướng tới không chỉ trong tương lai gần mà còn xa hơn. Những trở ngại đó biểu hiện cụ thể là:

Có niềm tin, tự hào với những tiềm năng, lợi thế tự nhiên là điểm tựa tinh thần quan trọng để Quảng Ninh cất cánh. Tuy nhiên nếu không nhận thức đầy đủ, dễ dẫn đến sự chủ quan, tư tưởng thoả mãn, thái độ ỷ lại, khắc khoải chờ đợi lợi thế tự nhiên mang lại, thiếu đi khát vọng, ý trí vươn lên, giải pháp phát triển để phát huy tiềm năng lợi thế…Điều đó sẽ là những trở ngại, thách thức để phát triển bền vững trong tương lai. Lịch sử phát triển của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, địa phương cho thấy, giàu tài nguyên, khoáng sản là nguồn lực tốt, song chưa chắc đã phát triển, bền vững nếu không phát huy hiệu quả lợi thế có được và ngược lại.

Thách thức về an sinh xã hội là điều còn nhiều trăn trở ở Quảng Ninh. Những chỉ số kinh tế về thu nhập bình quân, năng suất lao động của tỉnh ở mức gấp đôi mức trung bình cả nước. Tuy nhiên, ở nơi này, nơi khác, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, dưới không ít mái nhà, đời sống vật chất của người dân vẫn thấp, chưa có sinh kế bền vững, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo còn xa, trình độ phát triển giữa các vùng, khu vực còn cách biệt. Không phải cào bằng “bình quân chủ nghĩa”, song cũng đặt ra vấn đề cần nhận thức và nâng cao trình độ phát triển con người, mức sống dân cư, bình đẳng, công bằng và tiến bộ xã hội.

Mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế, trên thực tế còn dựa vào công nghiệp, tài nguyên hữu hạn. Kinh tế ngành công nghiệp – xây dựng, công nghiệp nặng chiếm tỷ trọng lớn (chiếm 49%). Cần phải nhấn mạnh, việc coi trọng chất lượng tăng trưởng hơn trong mối quan hệ tăng trưởng về số lượng là con đường tất yếu trong mô hình tăng trưởng “xanh”, bền vững. Đối với tài nguyên hóa thạch, hữu hạn, hối hả khai thác, chạy theo số lượng, mục tiêu tăng trưởng không phải là phương thức của mô hình phát triển bền vững, cần gắn theo đó là khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; không chỉ gia tăng giá trị cho nền kinh tế mà còn đảm bảo mục tiêu phát triển ổn định, an ninh chiến lược lâu dài.

Ô nhiễm môi trường luôn là thách thức đối với tư duy quản trị của những trung tâm du lịch, dịch vụ hàng đầu và bảo đảm môi trường trong lành của đời sống người dân như ở Quảng Ninh. Khai thác tài nguyên, phát triển công nghiệp nặng, hạ tầng giao thông, đô thị hiện đại với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn là thách thức với bảo vệ môi trường, sinh thái và bảo tồn di sản. Chỉ quan sát thông thường, người ta cũng chạnh lòng nhận thấy nguy cơ: Nhiều cảnh quan, tài nguyên bị khai thác, môi trường bị xâm lấn, biến đổi, mất cân bằng, nhất là môi trường biển. Những vấn đề rác, nước thải công nghiệp, sinh hoạt, môi trường nước, không khí, tình trạng mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường biển, cạn kiệt tài nguyên… cần phải được giải quyết tốt trước yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.

Du lịch, dịch vụ là ưu thế vượt trội của địa phương, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của khu vực du lịch, các loại hình dịch vụ kinh tế du lịch, biển, cảng biển, chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Du lịch, dịch vụ chủ yếu vẫn là khai thác “thô”, thăm quan, vãn cảnh. Các sản phẩm du lịch nhiều năm vẫn chủ yếu dựa vào lợi thế thiên nhiên. Yêu cầu của địa danh hai lần được tôn vinh, công nhận là di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới của Vịnh Hạ Long, các di tích lịch sử gắn với lịch sử oai hùng của nhà Trần, du lịch biển đảo, du lịch rừng đòi hỏi cao hơn về chất, phong phú về loại hình và chất lượng dịch vụ. Nếu được quan tâm, không khó để có những cánh rừng mùa thu vàng Ba Chẽ, Bình Liêu, du lịch đảo Vân Đồn, Quan Lạn… không thua kém cảnh đẹp thơ mộng Yên Bái, Hà Giang hay cảnh đẹp sứ đảo Hàn Quốc xa xôi. Đại dịch Covid -19 diễn ra, tác động sâu sắc như một phép thử làm hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, kéo theo nhiều loại hình dịch vụ chững lại không thể hoạt động, đòi hỏi cần phải có giải pháp trong tình huống tương tự trong tương lai. 

Ngoài những vấn đề nói trên, thì nguồn nhân lực chất lượng cao là một yêu cầu quan trọng cấp bách như là một thách thức lớn trong thời điển hiện nay và trong tương lai gần. Những thách thức về an ninh, an ninh phi truyền thống đối với tỉnh có bờ biển dài, diện tích biển rộng, hội tụ những yêu tố, khu vực dễ bị tổn thương nhất, chịu tác động trực tiếp, trầm trọng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng… đòi hỏi cần phải sớm có đánh giá, ứng phó, thích ứng hiệu quả, kịp thời. Như một lẽ tự nhiên, Quảng Ninh là nơi mà các loại tội phạm tìm cách hoạt động, cùng đó là những thách thức về an ninh, trật tự, điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững.

Để Quảng Ninh phát triển bền vững, đóng vai trò thật sự là đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, cần chú trọng một số kiến giải sau đây: (1) xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, là hạt nhân lãnh đạo, tiêu biểu về trí tuệ, đạo đức, đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Xây dựng chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực sự “của dân, do dân, vì dân”. (2) Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và tiến bộ công bằng xã hội; làm tốt công tác quy hoạch; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao. Phát triển du lịch, dịch vụ giữ vai trò chủ đạo, nâng cao chất lượng các loại hình du lịch biển, đảo, du lịch tâm linh, du lịch rừng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. (3) Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, kỳ quan, giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, bản sắc địa phương; chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững. (4) Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hoá xã hội với đảm bảo quốc phòng an ninh (và ngược lại) trong từng bước đi, từng dự án, đề án, khu kinh tế. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh tạo môi trường hoà bình, ổn định để phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững. Quan tâm, chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Có chính sách thu hút đầu tư, phong phú, chất chất lượng cao với một cơ chế phù hợp. Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh. Và có lẽ, mấu chốt của mấu chốt là vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao, ý thức vươn lên hơn nữa của mỗi người dân Quảng Ninh anh hùng.

Trung tướng, PGS. TS Trần Vi Dân, Giám đốc Học viện Chính trị CAND

Cập nhật: 04/12/2020 -
Lượt xem:439
Các tin khác
Với tài chính hơn 200 triệu đồng, giới trẻ đang đầu tư bất động sản ở đâu?

Với tài chính hơn 200 triệu đồng, giới trẻ đang đầu tư bất động sản ở đâu?

Ngày đăng: 02/12/2020 - Lượt xem: 390

Nhà đầu tư trẻ hiện nay luôn biết đi trước đón đầu cơ hội. Việc lựa chọn đúng thị trường để bỏ vốn cũng là chìa khóa mở cánh cửa lợi nhuận trong giai đoạn này, khi nhiều kênh đầu tư khác...
Phát triển không gian đô thị hiện đại, thông minh

Phát triển không gian đô thị hiện đại, thông minh

Ngày đăng: 02/12/2020 - Lượt xem: 498

Nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc, những năm qua, Quảng Ninh là điểm sáng về phát triển đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt 66,56%, là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao...
Bất động sản công nghiệp năm 2021: Cuộc đua tăng cung và giá

Bất động sản công nghiệp năm 2021: Cuộc đua tăng cung và giá

Ngày đăng: 01/12/2020 - Lượt xem: 491

Nguồn cung bất động sản công nghiệp năm 2021 dự kiến đón thêm ít nhất 3.700 ha, nhưng giá đất công nghiệp được nhận định là khó có khả năng hạ nhiệt.
Dự báo dòng vốn đổ vào bất động sản

Ngày đăng: 28/11/2020 - Lượt xem: 472