Kinh tế đêm là một trong những định hướng phát triển của tỉnh Quảng Ninh nhằm khai thác tối đa lợi thế hạ tầng, du lịch sẵn có. Tuy nhiên, bên cạnh nguồn lợi kinh tế đêm mang lại, vẫn còn tồn tại những hạn chế đòi hỏi các nhà quản lý phải tính toán, cân nhắc để phát triển một cách cân bằng, hài hòa.
Thực tế, hoạt động kinh tế đêm diễn ra trên địa bàn vẫn nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư bài bản, chưa thực sự thu hút được những nhà đầu tư lớn. Các hoạt động dịch vụ về đêm chủ yếu tập trung tại 2 trung tâm du lịch của tỉnh là TP Hạ Long và TP Móng Cái với các khu phố đi bộ, ẩm thực, mua sắm. Quảng Ninh hiện vẫn thiếu các trung tâm, điểm vui chơi giải trí về đêm quy mô lớn; chưa có các sự kiện, hoạt động văn hóa nổi bật, hấp dẫn…
Không những thế, việc phát triển các hoạt động kinh tế đêm bước đầu gây ảnh hưởng không nhỏ đến các vấn đề an sinh xã hội. Cụ thể, như việc các quán bar, karaoke tại một số ki-ốt bàn hàng khu công viên Sun World Hạ Long (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) sử dụng âm thanh công suất lớn, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, du khách khu vực xung quanh. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã ban hành văn bản kiểm tra, xử lý và yêu cầu UBND TP Hạ Long xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng này.
Có thể thấy, phát triển kinh tế đêm một cách cân bằng là một bài toán không dễ đối với các nhà quản lý. Nhìn vào các nước thành công trong việc phát triển kinh tế đêm có thể thấy nhiều kinh nghiệm trong việc quy hoạch, xây dựng sản phẩm du lịch đêm và quản lý, đảm bảo tối đa an toàn cho du khách. Tại các thành phố du lịch nổi tiếng nhất thế giới hiện nay đều là thành phố phát triển kinh tế đêm rất mạnh như Bangkok, Pattaya (Thái Lan), Thượng Hải, Macau (Trung Quốc), London (Anh)… Những nơi này đã phát triển theo hướng xây dựng một thành phố "không ngủ" với hàng loạt các hoạt động về đêm như ẩm thực, vui chơi, giải trí, mua sắm; mở cửa rạp chiếu phim 24/24h; thiết kế tour tham quan về đêm. Để tăng thời gian lưu trú và số tiền chi tiêu của khách du lịch, các thành phố này đều kéo dài thời gian hoạt động của các tuyến tàu điện, bổ sung thêm các tuyến xe buýt đêm. Họ lên kế hoạch thiết lập một chuỗi nhà hàng, cửa hàng tiện lợi, rạp chiếu phim…, xây dựng các khu chợ và con phố ăn đêm chuyên biệt.
Hầu hết các khu vực phát triển kinh tế đêm đều được quy hoạch phân khu tập trung, biến các tụ điểm giải trí và dịch vụ ban đêm trở thành một tổ hợp, nơi các hoạt động mua sắm, giải trí và ẩm thực diễn ra thâu đêm suốt sáng, nơi du khách có thể trải nghiệm trọn vẹn chuyến.
Tại hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch điễn ra vào tháng 3 vừa qua, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chia sẻ: Quảng Ninh có đầy đủ mọi điều kiện để phát triển du lịch 4 mùa. Trong đó, phát triển kinh tế đêm góp phần thu hút du khách quanh năm. Quan trọng là cần xác định thị trường, chính sách phát triển du lịch, trong đó quy hoạch các giai đoạn đầu tư, phát triển đồng bộ, hợp lý. Tỉnh Quảng Ninh cần hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân tham gia kinh doanh khu dịch vụ kinh tế đêm. Bởi họ có kinh nghiệm và vận dụng các mô hình quốc tế, có nhân lực được đào tạo, có nguồn lực tài chính, từ đó mang đến dịch vụ chất lượng cao, chuyên nghiệp. Kinh tế ban đêm không thể hình thành nhờ vào việc kéo dài thời gian hoạt động của vài cơ sở kinh doanh, mà phải đồng bộ từ phương tiện công cộng đến các dịch vụ thương mại đi kèm. Bên cạnh đó, cần thành lập các phòng, ban chuyên biệt về mặt hành pháp lý để bảo đảm tổng thể kinh tế ban đêm hợp pháp, an toàn, giúp du khách yên tâm trải nghiệm và sử dụng dịch vụ.
Việc xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế ban đêm, vừa bảo đảm phát triển kinh tế, vừa kiểm soát tốt các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự. Bên cạnh đó, cần có quy chế đặc thù đối với các loại hình kinh doanh quán bar, nhà hàng, cơ sở giải trí và các lĩnh vực vui chơi văn hoá, ca nhạc khác nhằm phát triển các loại hình trên một cách phù hợp, tránh bị lệch hướng và vi phạm các quy định của pháp luật.
Ngoài ra, chính quyền và các phương tiện thông tin truyền thông cũng cần thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ tội phạm tới người dân và du khách để có được kiến thức, kỹ năng khi tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch, mua sắm ban đêm cũng như cách thức ứng phó trong các tình huống bất ngờ.
Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, phát triển kinh tế đêm là xu thế tất yếu để tạo động lực thúc đẩy phát triển và quảng bá du lịch. Với quyết tâm xây dựng Quảng Ninh trở thành một điểm đến sôi động, hấp dẫn, phát huy tối đa cơ sở hạ tầng ban ngày, giải quyết việc làm và thu nhập cho người dân, tháng 6/2020, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh. Quan điểm là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt, sản phẩm khác biệt, dựa vào 3 trụ cột là thiên nhiên, con người, văn hóa. Đặc biệt, tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng để Quảng Ninh phát triển kinh tế ban đêm theo hướng tạo đột phá, xây dựng giá trị khác biệt.