Trong quá trình xây dựng và phát triển, Quảng Ninh đã vươn lên trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực. Những thành quả ấy đã được các Bộ, ngành Trung ương đánh giá, ghi nhận tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với cán bộ chủ chốt tỉnh Quảng Ninh ngày 24/5.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã ghi lại một số ý kiến của lãnh đạo các Bộ, ngành tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: “Quảng Ninh cần tiếp tục thực hiện và xây dựng các chính sách mới, phát triển thành một trong những trọng điểm kinh tế mạnh, mũi nhọn của vùng và cả nước”.
Sự phát triển của Quảng Ninh khẳng định tinh thần chủ động, sáng tạo, nói là làm, làm là làm được, làm xuất sắc. Trong thời gian tới, Quảng Ninh cần tiếp tục thực hiện và xây dựng các chính sách mới, phát triển thành một trong những trọng điểm kinh tế mạnh, mũi nhọn của vùng và cả nước. Bên cạnh đó, rà soát lại các vùng quy hoạch để kịp thời cập nhật, bổ sung theo tình hình mới.
Ngoài ra, Quảng Ninh cũng cần đưa ra đồng bộ, đa dạng các giải pháp để thu hút nguồn đầu tư FDI; tăng cường tỷ lệ lấp đầy các khu kinh tế, công nghiệp; nâng cao tỷ trọng của ngành kinh tế biển và kinh tế biên mậu. Đồng thời, phát huy lợi thế của tỉnh biên giới, đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường để làm động lực cho các địa phương lân cận, cũng như đảm bảo vấn đề an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia.
Về các kiến nghị của tỉnh, đây đều là những nội dung hợp lý, chính đáng để Quảng Ninh khơi thông nguồn lực. Đối với Quy hoạch khu kinh tế Quảng Yên, Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển ở Việt Nam đến năm 2020. Tỉnh cần chủ động phối hợp với Bộ, ngành để thực hiện các thủ tục, hồ sơ cần thiết, sớm đưa khu vực này vào hoạt động.
Ngoài ra, các dự án, khu công nghiệp đang trong giai đoạn triển khai cần được tỉnh quan tâm hơn nữa, đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp lớn để tăng tỷ lệ lấp đầy trên 60%, đảm bảo hiệu quả hoạt động ổn định lâu dài.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công: “Hạ tầng giao thông là một trong những lĩnh vực được đầu tư đồng bộ, với nhiều chính sách quyết liệt, sáng tạo”.
Chúng tôi đánh giá cao các chính sách quyết liệt, mạnh mẽ, sự năng động, sáng tạo của Quảng Ninh trong thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông. Điều đó đã thể hiện qua hiệu quả như các tuyến giao thông trọng điểm Hạ Long - Hải Phòng; Hạ Long - Vân Đồn; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn…
Trước một số kiến nghị của Quảng Ninh, Bộ GTVT hoàn toàn nhất trí và đưa ra nhận định như sau: Về cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Bộ đồng tình với phương án của tỉnh đề xuất thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), tách làm 2 dự án độc lập. Trong đó, Dự án đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái theo hình thức PPP, BOT với chiều dài tuyến 63,26 km, tổng mức đầu tư khoảng 9.032 tỷ đồng. Dự án sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư công đoạn cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên với chiều dài tuyến trên 16km, tổng mức đầu tư khoảng 3.667 tỷ đồng.
Đối với quốc lộ 4B nối Quảng Ninh với tỉnh Lạng Sơn, kết nối vùng biên giới phía Bắc, Bộ đã đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn, giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, với đề xuất nạo vét sông Chanh, Bộ cũng hướng dẫn địa phương thực hiện theo Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng ban hành ngày 18/6/2015.
Hi vọng với những giải pháp trên, các công trình giao thông của Quảng Ninh sớm triển khai, đồng bộ các hạ tầng, trở thành động lực mạnh mẽ cho Quảng Ninh phát triển.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải: “Quảng Ninh là một trong những điển hình về khuyến khích, thu hút các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức”.
Thời gian qua, Quảng Ninh đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch cùng với đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, là một trong những địa phương nổi trội về GRDP. Quý I/2020, mặc dù bị ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch Covid-19 song tỉnh vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 7,2%; thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2020 đạt trên 19.200 tỷ đồng, đạt 40,2% dự toán năm 2020.
Quảng Ninh là một trong những điển hình về khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức, nhất là hình thức đối tác công - tư (PPP). Từ năm 2013 - 2018, tổng nguồn vốn các dự án đầu tư theo hình thức PPP trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 47.000 tỷ đồng với 44 dự án. Trong đó, vốn Nhà nước tham gia khoảng 4.700 tỷ đồng, chiếm 10%. Như vậy, cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra, Quảng Ninh đã huy động được từ 8 đến 9 đồng cho hoạt động đầu tư vào phát triển. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 344.916 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.
Trước đà tăng trưởng và những con số ấn tượng của Quảng Ninh, tin tưởng tỉnh có đầy đủ điều kiện và khả năng để thực hiện các công trình trọng tâm, trọng điểm, các khu công nghiệp, dự án lớn, nhất là các dự án FDI. Riêng về các dự án trong khu kinh tế Vân Đồn, Bộ Tài chính đang trong quá trình lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan để chuẩn bị các thủ tục, hồ sơ trình Thủ tướng phê duyệt.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn: “Quảng Ninh là hình mẫu về phát triển đô thị”.
Quảng Ninh là tỉnh phát triển đô thị rất tốt, tỷ lệ đô thị hóa cao, đứng thứ 3 toàn quốc. Hiện nay, tỉnh đang trình Bộ Xây dựng xem xét nâng loại 3 đô thị của tỉnh. Đạt được mục tiêu này là quyết tâm lớn của Quảng Ninh. Tôi đánh giá cao việc phát triển đô thị của địa phương đi vào thực chất, thể hiện cảnh quan đẹp, văn minh, với hệ thống hạ tầng hiện đại, thông minh, đường giao thông đô thị phần lớn được bê tông hóa, hạ tầng xử lý nước thải rất tốt.
Có thể nói, đây là hình mẫu cho các địa phương khác trong cả nước về phát triển đô thị, trở thành động lực cho phát triển của tỉnh, các địa phương thuộc tỉnh. Với nền tảng đô thị lớn như vậy, tôi cho rằng mục tiêu của Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 là hoàn toàn khả thi.
Đầu năm 2020, Quảng Ninh thực hiện sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, đã mở ra cơ hội phát triển mới cho TP Hạ Long, trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về quy mô. Tuy nhiên đứng về góc độ quản lý chất lượng đô thị và đô thị, Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh cần xem xét đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ đảm bảo bền vững; tiếp tục rà soát để hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I còn lại, đồng thời rà soát lại ranh giới mới của TP Hạ Long. Đây là tiền đề, cơ sở để tăng cường quản lý đầu tư của đô thị loại I.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng: “Việc thành lập các khu công nghiệp chính là động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế”.
Tôi cơ bản đồng tình với các kiến nghị đề xuất của tỉnh Quảng Ninh, trong đó, việc thành lập các khu công nghiệp, hợp tác kinh tế chính là động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế. Cụ thể liên quan đến việc cho phép tỉnh được tiếp tục triển khai đầu tư toàn bộ KCN Việt Hưng (cả giai đoạn I và giai đoạn II), Bộ Công thương hoàn toàn đồng ý triển khai cả 2 giai đoạn để phát triển KCN Việt Hưng theo hướng trở thành khu công nghiệp hỗ trợ, đưa vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia để kêu gọi đối tác hợp tác đầu tư.
Về đề xuất cho phép Quảng Ninh được rà soát, bổ sung quy hoạch, thành lập mới một số khu công nghiệp dọc theo Tuyến đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến các địa phương Quảng Yên - Uông Bí - Đông Triều, tôi cho rằng đây là định hướng, chủ trương đúng đắn cho phát triển giai đoạn tới của tỉnh. Đối với địa bàn quan trọng thì phát triển công nghiệp là cần thiết để đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
Đối với đề xuất xem xét, sớm ký kết thỏa thuận khung về Khu hợp tác kinh tế biên giới Việt - Trung và cho phép tỉnh Quảng Ninh được triển khai thực hiện thí điểm xây dựng mô hình Khu hợp tác biên giới Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc), Ban Cán sự Đảng Chính phủ giao Bộ Công Thương. Hiện Bộ đang nghiên cứu dụ án tổng thể, sớm hoàn thành trong thời gian sớm nhất để báo cáo Bộ Chính trị.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh: “Quảng Ninh thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp”.
Thời gian qua, Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; tập trung triển khai có hiệu quả vào khâu khó khăn nhất là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, thành công của Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm - OCOP đã mang lại giá trị to lớn về kinh tế, xã hội; được Chính phủ đánh giá cao, chỉ đạo nhân rộng ra cả nước.
Liên quan đến một số kiến nghị của Quảng Ninh về Đề án Khu Nông nghiệp công nghệ cao tại TX Đông Triều, hiện Bộ cùng với tỉnh và một số bộ, ngành liên quan đã xây dựng xong đề án, hoàn thành thẩm định và đang trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến, phê duyệt.
Đối với Đề án Khu chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại huyện Đầm Hà, Bộ NN&PTNT đánh giá cao hiệu quả của đề án và sẽ phối hợp với một số bộ, ngành liên quan tạo điều kiện cho Quảng Ninh và các doanh nghiệp hoàn thành đề án.
Riêng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà đã được Quảng Ninh quyết định thành lập, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh để xây dựng các nội dung cụ thể theo đúng mô hình tỉnh đã xây dựng.
Thứ Trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Quang Tùng: “Quảng Ninh tiếp tục là đầu tàu trong phục hồi các lĩnh vực sau đại dịch”.
Tập trung vào những vấn đề khôi phục sau đại dịch Covid-19, Quảng Ninh đã chủ động, sẵn sàng mọi điều kiện để khởi động lại du lịch nội địa ngay sau khi kết thúc đợt giãn cách xã hội và cũng đã sẵn sàng các điều kiện để tái thiết du lịch quốc tế.
Đối với 4 giai đoạn phục hồi du lịch hậu đại dịch theo kịch bản, gồm: Giai đoạn phục hồi thị trường du lịch nội địa hiện đã bắt đầu; giai đoạn thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ một số thị trường đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh dự kiến vào khoảng tháng 9 và 10; giai đoạn bắt đầu đón khách du lịch quốc tế vào cuối năm 2020 và giai đoạn khôi phục hoàn toàn ngành Du lịch vào khoảng giữa năm 2021.
Quảng Ninh và các doanh nghiệp du lịch đã và đang phối hợp rất tốt với Bộ VH-TT&DL trong chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện và lên các kịch bản cụ thể, chi tiết... Với nhiều chính sách chủ động, tích cực nhằm kích cầu du lịch, là "cánh chim đầu đàn”, Quảng Ninh cần chia sẻ kinh nghiệm cho các địa phương trong khu vực phía Bắc trong việc phục hồi và phát triển du lịch.
Bộ VH-TT&DL cũng như Quảng Ninh thống nhất đề nghị với Chính phủ một số nội dung, gồm: Nghiên cứu chính sách miễn thị thực đơn phương cho một số thị trường du lịch; nghiên cứu và triển khai các chính sách đặc thù, cụ thể nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp lưu trú, doanh nghiệp vui chơi giải trí, các hãng hàng không; nhanh chóng triển khai đàm phán và thúc đẩy mở lại các đường bay quốc tế, đặc biệt là đối với các quốc gia đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Đồng thời, Quảng Ninh cũng cần nhanh chóng triển khai các loại hình dịch vụ du lịch mới như: Casino, trung tâm mua sắm chất lượng cao, tạo thêm các sản phẩm du lịch mới đặc sắc để thu hút khách du lịch.
Đối với các hoạt động thể thao, văn hóa, hy vọng Quảng Ninh sẽ đồng hành cùng Bộ VH-TT&DL lên kế hoạch và tổ chức thành công các giải thể thao lớn, có tầm cỡ khu vực và quốc tế trong tương lai gần.
Liên quan đến vấn đề quần thể Di tích - Danh thắng Yên Tử, trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ là địa phương chủ trì, cùng Bộ VH-TT&DL và các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang sớm hoàn thiện Hồ sơ Di sản văn hoá thế giới trình lên UNESCO.
Nhóm PV