Mới đây, Trung tâm Truyền thông tỉnh nhận được kiến nghị của ông N.Đ.T (tổ 5, khu Nam Thạch B, TP Cẩm Phả), về việc cơ sở tiểu thủ công nghiệp (TTCN) gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, nhưng chưa được di dời, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân.
|
Một cơ sở sửa chữa ô tô trên địa bàn phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả) cần phải di dời ra khỏi khu dân cư. Ảnh: Quang Minh |
Theo ông T, tại khu vực dân cư nơi ông sinh sống có cơ sở gia công sắt tồn tại rất nhiều năm nay. Cơ sở này thường mang sắt thép ra vỉa hè, ngoài đường hàn, cắt, sơn xì... Đặc biệt, từ giữa tháng 8 đến nay, cơ sở thi công hàn, cắt để làm hàng rào, cổng sắt với số lượng lớn, mùi sơn phát tán nồng nặc, cộng thêm tiếng ồn thường xuyên, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân xung quanh, nhất là với trẻ nhỏ. Bởi vậy, ông đề nghị phải nhanh chóng di dời cơ sở này nói riêng, các cơ sở TTCN nói chung ra khỏi khu dân cư để đảm bảo môi trường sống cho người dân.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã làm việc với cơ quan chức năng của TP Cẩm Phả để tìm hiểu về vấn đề này. Theo Phòng Kinh tế TP Cẩm Phả, việc di dời cơ sở TTCN gây ô nhiễm môi trường đã được thành phố đặt ra từ nhiều năm nay. Mặc dù vậy, do chưa có địa điểm di dời, cộng thêm đến hết năm 2016, Nghị quyết 32/2011/NQ-HĐND ngày 9/12/2011 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở TTCN gây ô nhiễm môi trường, hoặc phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị hết hiệu lực, nên một số chính sách hỗ trợ cơ sở di dời không còn, dẫn đến chưa thể di dời cơ sở TTCN gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.
Những năm gần đây, TP Cẩm Phả cũng đã quyết liệt trong vấn đề trên, như: Phối hợp triển khai dự án CCN Cẩm Thịnh; tiến hành rà soát danh sách các cơ sở sản xuất TTCN phải di dời trên cơ sở hướng dẫn về tiêu chí xác định các cơ sở sản xuất TTCN có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị của UBND tỉnh, thành phố. Qua đó, tháng 4/2019, UBND thành phố đã ban hành quyết định di dời 381 cơ sở. Các phường cũng vào cuộc tuyên truyền, vận động, gửi quyết định của UBND thành phố về danh sách cơ sở phải di dời, thông tin về kế hoạch di dời cũng như văn bản của Công ty CP Công nghiệp Cẩm Thịnh về giá cho thuê lại hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thời gian tiếp nhận các cơ sở tại CCN Cẩm Thịnh... để các cơ sở chủ động liên hệ với Công ty CP Công nghiệp Cẩm Thịnh hoàn thiện thủ tục đăng ký vào hoạt động tại CCN này theo quy định.
|
CCN Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả) là nơi để các cơ sở sản xuất TTCN gây ô nhiễm môi trường nằm xen kẽ trong khu dân cư trên địa bàn Cẩm Phả chuyển đến. Ảnh: Cao Quỳnh |
Thành phố còn thành lập Tổ công tác di dời cơ sở sản xuất TTCN có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị. Vừa qua, tổ công tác này đã làm việc với UBND 9 phường và 80 cơ sở đã đăng ký mua đất tại CCN Cẩm Thịnh để đôn đốc việc thực hiện di dời các cơ sở.
Đặc biệt, ngày 30/7/2019 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 201/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở TTCN gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị phải di dời trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2015, TP Cẩm Phả cũng đã nhanh chóng tuyên truyền, vận động các cơ sở thực hiện di dời, hoàn thiện thủ tục thuê đất (nhà xưởng) tại CCN Cẩm Thịnh, sớm đầu tư xây dựng nhà xưởng và tiến hành di dời theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố; khuyến khích các cơ sở thuộc đối tượng di dời nhưng tự chuyển đổi ngành nghề hoặc chấm dứt hoạt động khẩn trương dọn dẹp mặt bằng, nhà xưởng để trả lại cảnh quan sạch đẹp trong khu đô thị. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 148 cơ sở đặt cọc hoặc ký hợp đồng thuế mặt bằng tại CCN Cẩm Thịnh.
Mặc dù vậy, đến thời điểm này, thành phố vẫn chưa di dời được cơ sở TTCN sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch đô thị, bởi vẫn còn một số những tồn tại, chủ yếu ở CCN Cẩm Thịnh, như: Các ô đất trong CCN quá lớn so với nhu cầu cần sử dụng của nhiều cơ sở TTCN; đất trong CCN này bố trí cho các cơ sở trong danh sách di dời lại thuộc khu điều chỉnh giai đoạn 2 nên chưa được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng xây dựng nhà xưởng... Vì vậy, lộ trình đến hết ngày 30/9/2019 theo kế hoạch đề ra cho các cơ sở này phải thực hiện di dời xong là không khả thi.
Đa số đối tượng di dời theo danh sách được UBND thành phố phê duyệt là những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nguồn lực về tài chính có hạn, dẫn đến khó khăn về thanh toán tiền đất, đầu tư trạm điện hạ thế... CCN này nằm gần trạm thu phí BOT, trong khi xe ra vào cơ sở phải chịu phí qua trạm, dẫn đến đội chi phí sản xuất... Trong khi đó, các sở, ban, ngành của tỉnh chưa có hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục để các cơ sở tự nguyện di dời được nhận hỗ trợ theo chính sách của Nghị quyết 201/2019/NQ-HĐND do HĐND tỉnh ban hành. Điều này khiến cho nhiều cơ sở chưa mặn mà trong di dời vào CCN.
Chính những bất cập này khiến việc vận động cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, thành phố vẫn quyết tâm tìm các giải pháp để sớm di dời các cơ sở, đảm bảo theo đúng lộ trình đã đề ra theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Thu Nguyệt