Thị trường hấp dẫn...
Nếu như giai đoạn 2012-2016, tình hình thị trường BĐS cả nước, trong đó có Quảng Ninh rơi vào trầm lắng; sức mua yếu thì bước sang năm 2017, thị trường này đã dần ấm lên. Những chỉ đạo của Trung ương để chuẩn bị cho việc thành lập Khu Hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, việc triển khai nhiều dự án trọng điểm, phát triển về hạ tầng, những công trình tầm cỡ về du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí... đã khiến thị trường BĐS tăng trưởng mạnh, lên đến đỉnh điểm là "cơn sốt" ở Vân Đồn, lan tỏa đến cả TP Móng Cái và TP Uông Bí- cửa ngõ vào Hạ Long.
Người dân nghiên cứu thông tin về dự án quẩn thể sân golf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp và dịch vụ giải trí tại khu vực Ao Tiên, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn-Ảnh: Hoàng Quỳnh
Người dân nghiên cứu thông tin về dự án quần thể sân golf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp và dịch vụ giải trí tại khu vực Ao Tiên, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn.
Chia sẻ với chúng tôi, N.M - một người có thâm niên trong lĩnh vực BĐS, cho biết: Cách đây khoảng 2 năm, giá đất tại khu tái định cư Khe Cá (phường Hà Phong, TP Hạ Long) có giá từ 1-1,5 triệu đồng/m2 thì đến nay trung bình giá khoảng 6 triệu đồng/m2. Biến động lớn nhất từ nửa cuối năm 2017 đến nay, giá đất tăng từ 3 triệu đồng lên 6 triệu đồng/m2. Nguyên nhân tăng do dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả dự kiến thi công vào tháng 6/2018 sẽ đi qua khu vực này.
Còn ông Mai Hồng Vinh, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Đất xanh miền Bắc, Chi nhánh Quảng Ninh, nhận định: Khu vực Bãi Cháy, Cái Dăm, giá đất nền gần các dự án của Sun Group, BIM Group tăng gấp 2-3 lần, từ 20-25 triệu đồng/m2 năm 2015 tăng lên đến 40-60 triệu đồng/m2 năm 2018. Thậm chí, có những địa điểm gần khu du lịch, giá còn lên tới 100 triệu đồng/m2. Đặc biệt, nếu 2 năm trước, thị trường BĐS giao dịch mạnh vào cuối năm thì hiện nay, tất cả các tháng đều tăng trưởng cao. Tại Sàn giao dịch BĐS Đất xanh miền Bắc Chi nhánh Quảng Ninh, mỗi ngày có từ 20-30 giao dịch. Còn thực tế, những khu đất “nóng” như khu đô thị Hà Khánh A, B còn có thể lên đến vài chục giao dịch/ngày.
Ông Vinh cũng cho biết: “Khách hàng đầu tư vào đất nền, căn hộ chiếm từ 50-60% là người dân trong tỉnh, còn lại là khách từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, chủ yếu đầu tư vào các căn hộ, chung cư chiếm khoảng 30%, số ít là những “đại gia” từ Lào Cai, Yên Bái”.
Không chỉ Hạ Long, giờ đây các địa bàn khác như: Móng Cái, Vân Đồn, Uông Bí... cũng đang trở thành những thị trường tiềm năng. Sự gia tăng BĐS đến chóng mặt như vậy có thể lý giải là do sự đầu tư bài bản với những nhà đầu tư chiến lược tầm cỡ, kết cấu hạ tầng, giao thông ngày càng hoàn thiện, đồng bộ. Quảng Ninh ngày càng khẳng định thế mạnh, như một điểm sáng trong tam giác tăng trưởng phía Bắc: Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội.
Nhiều dự án BĐS trên địa bàn đã góp phần thay đổi bộ mặt đô thị. Trong ảnh: Dự án khu dịch vụ cao cấp Bến Đoan Vinhomes Dragon Bay Hạ Long, TP Hạ Long.
Siết chặt công tác quản lý
Như đã nói ở trên, bên cạnh những tín hiệu vui của thị trường BĐS thời gian qua thì với tính chất đặc biệt, biến động đất đai ở Vân Đồn chưa có tiền lệ, "cơn sốt ảo” đã gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như môi trường đầu tư. Để tăng cường công tác quản lý đất đai, ngăn chặn tình trạng mua bán, chuyển nhượng đang diễn biến phức tạp, ngày 3/5/2018, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc chỉ đạo tạm từng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tạm dừng giao đất cho các tổ chức, dự án; tạm dừng giao dịch chuyển nhượng đất trên địa bàn huyện Vân Đồn. Các trường hợp đặc biệt phải báo cáo UBND tỉnh xem xét.
Biện pháp này đã góp phần mạnh mẽ “hạ nhiệt” "cơn sốt ảo" trên địa bàn huyện trong giai đoạn vừa qua cùng với hàng loạt các giải pháp khác nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý thị trường BĐS. Theo đó, cả hệ thống chính trị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân gắn với cảnh báo người dân bằng những dẫn chứng cụ thể về những thiệt hại khi tham gia vào việc mua bán, chuyển nhượng đất đai với giá ảo. Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai; tổ chức kiểm tra, rà soát, xử lý dứt điểm những trường hợp đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa vào sử dụng, không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; đẩy nhanh tiến độ rà soát các dự án có sử dụng đất trên địa bàn để đề xuất UBND tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành và các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; chấm dứt hoạt động đầu tư, thu hồi dự án đầu tư đối với các dự án của các doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện đang chậm tiến độ, vi phạm pháp luật có tư tưởng đầu cơ, trục lợi, không đảm bảo mục tiêu phát triển chung. Quản lý chặt chẽ quy hoạch, quỹ đất các dự án sau khi bị thu hồi, không để lấn chiếm, xây dựng trái phép làm phức tạp tình hình khi có dự án đầu tư mới được cấp phép…
Sau chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, các giao dịch liên quan đến BĐS trên địa bàn huyện Vân Đồn đã giảm hẳn. Trong ảnh: Người dân đến làm thủ tục cấp đổi GCNQSDĐ tại Trung tâm Hành chính công huyện Vân Đồn ngày 11/5.
Thực tế, sau những giải pháp quyết liệt, tình hình BĐS trên địa bàn huyện Vân Đồn đã có chiều hướng “hạ nhiệt”. Nếu như trong ngày 4/5/2018, trên địa bàn huyện có 84 giao dịch về đất đai thì đến ngày 8/5/2018 chỉ còn 12 giao dịch. Những hồ sơ liên quan thế chấp vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất hoặc liên quan đến công tác GPMB, an sinh xã hội thì được tập hợp lại và báo cáo UBND tỉnh, còn lại đều tạm dừng và trả lại cho người dân.
Những quyết định cứng rắn được đưa ra thể hiện quan điểm của tỉnh vì sự ổn định chung. Tuy nhiên, sắp tới khi Vân Đồn được phê duyệt trở thành Đặc khu kinh tế, các sở, ngành của tỉnh cũng cần sớm có giải pháp đón đầu, xử lý tốt, tránh hiện tượng “vỡ bờ”. Bởi khi đó, hầu hết các nhà đầu tư sẽ đổ dồn về đây và giá đất khi đó có thể sẽ còn đội cao hơn nữa nếu không được quản lý, xử lý tốt.