Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Xây dựng phải cắt giảm ít nhất 1/3 thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng trong năm 2015.Trong buổi làm việc với Bộ Xây dựng sáng 14/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng ngành Xây dựng đã có cố gắng nhất định trong rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng nhưng phải luôn tự hỏi có thể cải cách được nữa không. Bởi trên thực tế thời gian cấp phép đối với đầu tư xây dựng còn dài, còn chậm, cũng còn những mặt chưa được minh bạch, còn nhũng nhiễu, chưa thống nhất và xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương.
“Nhìn tổng thể thời gian cấp phép còn quá dài, còn chậm so với yêu cầu, so với khả năng của chúng ta, thủ tục còn nhiều quá, còn phiền hà, còn nhiều kẽ hở, trong khi tốc độ, thời gian chính là sức mạnh”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phải có kế hoạch hành động cụ thể, chi tiết về cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, với mục tiêu trong năm 2015 là cắt giảm ít nhất 1/3 thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng. Kế hoạch hành động phải nêu rõ việc nào Bộ làm, việc nào Bộ Xây dựng và các Bộ khác phối hợp; việc nào yêu cầu phải phân cấp cho địa phương quyền và trách nhiệm… Phải xác định đây là một trọng tâm. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành xây dựng có vai trò, vị trí quan trọng. Phải có kế hoạch, hành động thật cụ thể.
Lãnh đạo Bộ phải hết sức quan tâm đến hoàn thiện thể chế, quản lý bằng cơ chế, chính sách, vừa kinh tế thị trường, vừa tăng cường quản lý Nhà nước theo hướng tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian, cắt giảm các thủ tục phiền hà, song vẫn phải đảm bảo được tính chặt chẽ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.
Liên quan đến hoạt động quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, Thủ tướng yêu cầu Bộ tiếp tục tập trung mạnh vào chỉ đạo triển khai thực hiện xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, cho người nghèo, vùng ngập lũ, nhà cho các đối tượng chính sách. Rà soát lại các chính sách đã ban hành, sửa đổi, bổ sung, kiến nghị cơ chế, chính sách trong phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo thực hiện hiệu quả chương trình nhà ở xã hội theo hướng nhà nước hỗ trợ, người dân cùng làm.
Cùng với đó, Bộ cũng cần hết sức lưu ý quan tâm đến chỉ đạo tái cơ cấu các doanh nghiệp của Bộ đó các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ theo hướng nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, kiện toàn đội ngũ cán bộ của doanh nghiệp, tập trung mạnh vào cổ phần hóa doanh nghiệp… Các cơ sở giáo dục, đào tạo do Bộ Xây dựng quản lý cần phải tăng cường hơn nữa yếu tố xã hội hóa, tính tự chủ tài chính, tiến tới tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo, qua đó thu hút cán bộ, thầy giỏi về giảng dạy để đào tạo được đội ngũ cán bộ, lao động của ngành có chất lượng tốt.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý Bộ Xây dựng quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa vấn đề về xử lý rác thải.
Báo cáo Thủ tướng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, thời gian qua Bộ xây dựng đã tích cực rà soát, công bố TTHC trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ; đề xuất bãi bỏ các TTHC không cần thiết và sửa đổi, bổ sung các TTHC cho phù hợp với yêu cầu quản lý và thực tiễn phát triển, trong đó đặc biệt chú trọng các TTHC liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, hiện tổng thời gian thực hiện các TTHC (khoảng 15 thủ tục và nhóm thủ tục) đối với dự án đầu tư xây dựng công trình đối với dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước khoảng từ 260 ngày làm việc (dự án nhóm C) đến 280 ngày làm việc (dự án nhóm A). Trường hợp nếu đã có quy hoạch chi tiết được phê duyệt thì tổng số thời gian trên có thể rút ngắn được 75 ngày.
Đối với dự án không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, thông thường phải thực hiện khoảng 19 TTHC hoặc nhóm TTHC khoảng từ 392 ngày làm việc (dự án nhóm C) đến 447 ngày làm việc (dự án nhóm A). Trường hợp nếu đã có quy hoạch chi tiết được phê duyệt thì tổng số thời gian trên có thể rút ngắn được 102-187 ngày.
Người đứng đầu Bộ Xây dựng thừa nhận tình trạng dự án đầu tư xây dựng bị kéo dài thời gian thực hiện TTHC so với quy định còn khá phổ biến; một số TTHC còn chồng lấn, lệ thuộc vào các TTHC khác; có những quy định về hồ sơ trong TTHC chưa được hướng dẫn cụ thể; trong một số trường hợp, cơ quan quản lý nhà nước còn thiếu công cụ quản lý đầu vào làm căn cứ cho việc thực hiện TTHC, gây nên vướng mắc, thậm chí là ách tắc trong thực hiện TTHC, có trường hợp dẫn đến tùy tiện, phát sinh cơ chế “xin-cho” trong thực hiện TTHC;...