Việc hàng nghìn sổ đỏ của cư dân bỗng dưng bị thu hồi không chỉ gây thiệt hại lớn về vật chất mà nghiêm trọng hơn đã khiến lòng tin của người dân đối với chính quyền bị xói mòn. Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), cho rằng cần làm sáng tỏ và trả lời trước dư luận việc có hay không có sự bao che, tiếp tay hoặc thậm chí là bảo kê cho sai phạm dẫn đến những hậu quả không thể khắc phục như vậy.
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội vừa có công văn yêu cầu thu hồi và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) và tài sản khác gắn liền với phần đất do có sai sót tại dự án khu nhà ở Xa La (quận Hà Đông) và tòa nhà hỗn hợp CT5 ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì.
Công văn thu hồi áp dụng với hơn 300 căn hộ tại tầng 1 và 2 của cụm tòa nhà CT1, tầng 2, 3, 4 và tòa trungtâmthương mạithuộc dự án khu nhà ở Xa La. Đồng thời, các căn hộ thuộc 8 tầng tại tòa CT5A và 5 tầng thuộc tòa CT5B cũng bị thu hồi sổ hồng với lý do trên.
Hàng nghìn sổ đỏ chung cư Mường Thanh bỗng dưng bị thu hồi khiến người dân tá hoả.
Lý do thu hồi được sở này đưa ra là do những tầng và khu nhà này đã chuyển đổi công năng và nâng tầng sai quy hoạch.
Cụ thể, trong thiết kế của chủ đầu tư, tầng 2, 3 và 4 được sử dụng làm không gian dịch vụ, không phải phần đất nhà ở. Tuy nhiên, tầng 4 vẫn được xây dựng thành dạng nhà ở với 22 căn hộ và bán cho người dân từ năm 2013. Các hộ dân này cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà như các hộ dân ở tầng khác.
Liên quan đến vấn đề này, CafeLand đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) để có một góc nhìn đa chiều.
CafeLand: Luật sư nhận định thế nào về sự việc cấp sổ đỏ sai phép khiến hàng loạt căn hộ của cư dân bị thu hồi vừa qua?
Luật sư Trần Tuấn Anh: Theo quy định của pháp luật, Sở TN&MT Hà Nội hoàn toàn có quyền thu hồi sổ đỏ sau khi phát hiện ra sai phạm thông qua quá trình thanh kiểm tra.
Tuy nhiên, dường như cơ quan chức năng đang coi những sai phạm đó hoàn toàn là lỗi của chủ đầu tư. Trong khi đó, để xảy ra vụ việc như ngày hôm nay, cũng có một phần trách nhiệm rất lớn của Sở TN&MT Hà Nội.
Luật sư Trần Tuấn Anh.
Bởi lẽ, để xây dựng một tòa nhà chung cư thì đầu tiên dự án phải đảm bảo nằm trong quy hoạch, sau đó là bản vẽ thiết kế, công năng từng tầng, từng khu... Sở TN&MT Hà Nội không thể chỉ dựa vào hồ sơ do chủ đầu tư gửi lên để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà cho chủ đầu tư, cho người dân mà không thông qua kiểm tra thẩm định.
Có thể, người dân tin tưởng và chịu bỏ tiền ra mua nhà tại chung cư Bemes chính vì Sở TN&MT Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho các căn hộ ở tầng 4, CT6A toà nhà này.
Nếu như ngay từ đầu Sở TN&MT Hà Nội làm chuẩn, đúng với quy định của pháp luật thì sẽ không phát sinh những hậu quả đáng tiếc như bây giờ.
Đại diện chủ đầu tư thì bị khởi tố, người dân thì rơi vào cảnh bơ vơ không biết phải xoay sở thế nào. Dù chủ đầu tư sai phạm ở hình thức nào thì khách hàng – người mua nhà bị thu hồi sổ đỏ vẫn là những người chịu thiệt hại đầu tiên.
Vậy, người dân có thể kiện chính quyền khi cấp sai rồi thu hồi ảnh hưởng đến quyền lợi của họ không, thưa luật sư?
Trong trường hợp giữa người dân và chủ đầu tư không thể thoả thuận để giải quyết hậu quả của việc này được thì một trong hai bên có quyền khởi kiện vụ án ra toà án để yêu cầu toà án bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Nếu xét thấy việc hủy sổ hồng có liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan thẩm định, cấp sổ thì toà án sẽ xác định những cơ quan này là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Và nếu chứng minh được lỗi của các cơ quan chức năng trong việc cấp, thẩm định cấp sổ là nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại của người dân thì toà án sẽ buộc các cơ quan này phải liên đới với chủ đầu tư trong việc bồi thường thiệt hại cho người mua nhà.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, quản lý cán bộ thì các cơ quan có liên quan cần phải xem xét trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân để có biện pháp xử lý kỷ luật thích đáng, đủ sức răn đe, cũng như giáo dục chung đối với cán bộ công chức.
Bên cạnh đó, cũng cần phải làm sáng tỏ và trả lời trước nhân dân việc có hay không sự bao che, tiếp tay hoặc thậm chí là bảo kê cho sai phạm dẫn đến những hậu quả không thể khắc phục được như vậy. Nếu có thì phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra để quy định trách nhiệm của từng cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm trước pháp luật.
Theo tôi, thiệt hại về vật chất trong vụ việc này là rất lớn. Tuy nhiên, thiệt hại về lòng tin của người dân đối với chính quyền mới là những hậu quả không thể khắc phục được.
Trước mắt, theo luật sư có phương án nào để đảm bảo quyền lợi cho người dân?
Có hai phương án khả thi để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Phương án thứ nhất, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Tức là chủ đầu tư phải trả lại tiền cho người mua nhà. Sau đó người mua nhà có thể sử dụng số tiền đó để mua nhà khác.
Phương án thứ hai, chủ đầu tư phải trả cho người mua nhà một căn hộ có giá trị tương đương tại tòa nhà họ đã mua. Hoặc chủ đầu tư có thể bố trí cho khách hàng một căn hộ ở tòa khác, nếu khách hàng chấp nhận phương án giải quyết đó của chủ đầu tư.
Xin cảm ơn luật sư!