Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP.HCM trả lời:
Thứ nhất, việc hai bên thỏa thuận kê khai giá mua bán nhà đất trên hợp đồng thấp hơn giá thực tế để trốn thuế là hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ hai, việc kê khai giá trong hợp đồng mua bán nhà đất thấp hơn giá thực tế dễ dẫn đến rủi ro, thiệt hại tài sản cho bên mua nếu không may hợp đồng mua bán nhà đất bị xác định là vô hiệu. Theo khoản 2 Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Ví dụ, bên mua phải chi trả 5 tỷ đồng để mua căn nhà của bên bán nhưng trong hợp đồng mua bán chỉ ghi giá là 1 tỷ đồng; nếu hợp đồng mua bán này xác định là vô hiệu, hai bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận thì rất dễ xảy ra trường hợp bên bán kém tử tế chỉ trả lại 1 tỷ đồng theo nội dung tại hợp đồng mua bán nhà; như vậy, lúc này bên mua chịu thiệt hại là 4 tỷ đồng.
Thông qua đây, tôi lưu ý thêm, việc kê khai giá trong hợp đồng mua bán nhà đất thấp hơn giá thực tế chỉ được cái lợi nhỏ trước mắt (giảm số tiền thuế thu nhập cá nhân mà bên bán phải đóng) nhưng tiềm ẩn rủi ro lớn trong tương lai (bên bán có thể bị xử phạt hành chính với số tiền lớn hơn rất nhiều so với khoản tiền trốn thuế, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; bên mua có thể bị thiệt hại số tiền rất lớn như ví dụ ở trên).
Do đó, khuyến nghị mọi người khi mua bán nhà đất cần ghi giá trong hợp đồng mua bán đúng với giá thực tế, điều đấy không chỉ thể hiện sự thượng tôn pháp luật mà còn giúp các bên an toàn về mặt pháp lý, tránh những rủi ro, thiệt hại ở tương lai.